Người đi mua sắm đông đúc trên một con đường ở London, Anh, ngày 20-10 - Ảnh: REUTERS
"Vắc xin đang thực hiện đúng chức năng đã kỳ vọng là ngăn ngừa bệnh nặng, đặc biệt là tử vong. Nhưng chúng chỉ là công cụ mạnh mẽ nhất nếu kết hợp cùng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng" - báo Guardian dẫn lời ông Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói ngày 4-11.
Ông cũng kêu gọi chính phủ các nước cân nhắc việc nới lỏng hoặc bỏ các biện pháp chống dịch, ngay cả ở những nước có tỉ lệ tiêm ngừa cao.
Theo WHO, những quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế đều chứng kiến dịch bùng lên trở lại.
Bất chấp tỉ lệ tiêm ngừa cao, số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày tại châu Âu tăng 55% trong vòng 1 tháng qua và gần chạm các mức kỷ lục ghi nhận trong suốt đại dịch. Tình hình có thể khiến hơn 500.000 người tử vong trong giai đoạn từ nay đến tháng 2-2022.
Ngày 4-11, chính quyền Anh cho biết nước này ghi nhận hơn 37.000 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ trong khi Đức có hơn 34.000 ca. Trong khi đó, ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm ngừa thấp như Nga, Ukraine, số ca tử vong trong tuần qua tăng mạnh.
Những người biểu tình chống vắc xin tụ tập tại thành phố Trieste, nơi hiện là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Ý - Ảnh: NYT
Theo thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 4-11, số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Đức lên đến 33.949 ca, vượt qua kỷ lục 33.777 ca từng ghi nhận vào ngày 18-12-2020.
Nếu so sánh cùng thời gian tuần trước, số ca mắc mới đã tăng gần 33%. Như vậy tới nay, Đức đã ghi nhận tổng cộng 4,685 triệu ca mắc COVID-19 và 96.218 ca tử vong.
Con số được công bố một ngày sau khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố nước này đang trải qua cơn đại dịch ở nhóm người chưa tiêm ngừa. Lãnh đạo y tế Đức cảnh báo làn sóng dịch thứ 4 sẽ tấn công mạnh mẽ trên toàn quốc.
Báo Deutsche Welle cho biết các cơ quan chức năng Đức đang cân nhắc áp các biện pháp hạn chế mới với những người không tiêm ngừa, chẳng hạn cấm đi mua sắm hoặc ra các nhà hàng.
Tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ ở Đức hiện nay khoảng 66,5%, thấp hơn so với mức 88% của Bồ Đào Nha hay 81% ở Tây Ban Nha.
RKI đánh giá nguy cơ "rất cao" về sức khỏe với những người chưa tiêm đủ hoặc chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào trong đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nguy cơ với những người đã tiêm đủ cũng có dấu hiệu gia tăng khi số ca nhiễm mới ghi nhận ở nhóm đối tượng này tăng lên vài tuần qua.
Mức đánh giá đã được nâng cấp so với hồi tuần trước và xu hướng phát triển hiện "rất đáng lo ngại".
Tại Ý, Bộ Y tế thông báo ghi nhận hơn 5.900 ca bệnh mới và 59 ca tử vong ngày 4-11. Thành phố Trieste, nơi từng là điểm nóng của các cuộc biểu tình chống vắc xin, nay là điểm nóng của dịch bệnh.
"Tình hình tại Trieste đặc biệt đáng lo ngại" - New York Times dẫn lời nhà dịch tễ Fabio Barbone, người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 tại Friuli-Venezia Giulia, khu vực có Trieste là thủ phủ.
Theo giới quan sát, đợt dịch ở thành phố này cho thấy một nhóm nhỏ chưa tiêm ngừa cũng có thể đe dọa cộng đồng lớn.
"Những gì đang xảy ra ở châu Âu là phát súng cảnh báo cho thế giới", ông Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO, nhận định.
Bé Levi Forst, 7 tuổi, được tiêm ngừa COVID-19 tại Mỹ ngày 3-11 - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trong đó bao gồm cả bắt buộc tiêm ngừa.
Quốc hội Latvia đã cho phép các doanh nghiệp sa thải nhân viên nếu họ không chịu tiêm ngừa COVID-19 hoặc chuyển sang làm việc từ xa. Latvia là nước đầu tiên ở châu Âu tái phong tỏa do dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.
Theo đó, tại các doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên, cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang, mọi nhân viên phải tiêm ngừa đầy đủ hoặc phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 hằng tuần.
Tại Singapore, các công chức của nước này nếu không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện có thể sẽ bị cho nghỉ không lương hoặc sẽ không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc. Theo Cơ quan Dịch vụ công (PSD) của Singapore, đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Ngày 4-11, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tiếp tục kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin ưu tiên giao hàng cho các nước nghèo thông qua cơ chế phân phối công bằng COVAX thay vì chạy theo lợi nhuận. Theo ông, chưa nên tiêm liều tăng cường, ngoại trừ cho những người có hệ miễn dịch bị suy yếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận