FDA có thể cấm chất tạo màu thực phẩm đỏ nhân tạo
Theo NBC News, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể sẽ tiến hành cấm chất tạo màu thực phẩm đỏ nhân tạo. Đây là loại chất tạo màu được tìm thấy trong đồ uống, đồ ăn nhẹ, ngũ cốc và kẹo.
Tại cuộc họp của Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu Thượng viện vừa qua, ông Jim Jones, phó ủy viên phụ trách thực phẩm của FDA, cho biết đã hơn một thập kỷ kể từ khi mức độ an toàn của chất tạo màu tổng hợp Red No. 40 được đánh giá lại.
"Với Red 3, chúng tôi hiện có kiến nghị yêu cầu thu hồi ủy quyền sử dụng chất này, và hy vọng rằng trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ hành động dựa trên kiến nghị đó", ông nói.
Ông Robert F. Kennedy Jr., người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm bộ trưởng y tế, đã tuyên bố rằng chất tạo màu thực phẩm gây ung thư.
Hiện có 36 chất tạo màu được FDA phê duyệt, trong đó có 9 loại là thuốc nhuộm tổng hợp, bao gồm hai loại màu đỏ hiện đang bị giám sát chặt chẽ.
Nguy cơ từ chất tạo màu
Tại Việt Nam nhiều người bị ngộ độc nặng do chất tạo màu thực phẩm phải nhập viện cấp cứu. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng tiếp nhận bệnh nhân nữ 44 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu.
Người con thứ 2 của chị này (12 tuổi) cũng trong tình trạng tương tự được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Nguyên nhân là do người mẹ trộn bột màu làm món nem rán.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (người bán gọi là bột mai quế lộ) ở chợ. Bệnh nhân trộn hơn 50g bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Sau ăn bữa cuối 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện.
TS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc - cho biết bệnh nhân nữ 44 tuổi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, hemoglobin lúc thấp nhất là 51g/L (bình thường 120-170g/L), các xét nghiệm khác cho thấy có tình trạng tan máu cấp tính rõ.
Mẫu bột màu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có axit orange 7 (4-[(2-Hydroxy-1-naphthyl) diazenyl] benzenesulfonic acid). Hóa chất axit orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Với liều cao trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin.
Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người. Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng axit orange 7 tối đa cho phép là 300mg/kg (0,03%).
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội bị tan máu cấp, methemoglobin sau khi ăn thịt bò sốt vang tự nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ.
Mẫu bột phẩm màu bệnh nhân đã dùng qua xét nghiệm thấy hóa chất axit orange 7 với hàm lượng 20%.
TS Nguyên khuyến cáo không nên dùng phụ gia thực phẩm là hóa chất công nghiệp, chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ,...
Tuy nhiên ngay cả với chất tạo màu tự nhiên cũng có nguy cơ gây hại. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Đô, khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, năm 2023 bệnh viện cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp có biểu hiện tan máu do ăn xôi màu tím.
Theo đó, có 4 trường hợp trong cùng một gia đình sau ăn xôi lấy màu từ cây, cỏ không rõ nguồn gốc, 2 bệnh nhân biểu hiện nặng được nhập viện điều trị, 2 bệnh nhân ăn số lượng ít, triệu chứng nhẹ được theo dõi tại nhà.
Biểu hiện chung của người bệnh nhập viện đều xuất hiện vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm, đặc biệt có 1 trường hợp bệnh nhân nam, trẻ tuổi, có biểu suy đa tạng, tình trạng suy hô hấp nhanh, phân áp oxy trong máu ngoại giảm nặng, được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn - methemoglobin.
Lạng Sơn với đặc điểm là tỉnh miền núi phía Bắc, thảm thực vật dồi dào, nhiều loại cây, cỏ đa dạng về hình thái, tính chất, trong đó có nhiều loại thực vật mang độc tính.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng cây cỏ tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn để chế biến thực phẩm.
Cần biết cách tránh để đảm bảo an toàn
Theo ThS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, phẩm màu là một dạng phụ gia thực phẩm.
Trên thị trường hiện có hơn 2.300 loại phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trong đó có phẩm màu. Có hai loại là phẩm màu tự nhiên và phẩm màu tổng hợp.
Phẩm màu tự nhiên là các chất màu được chiết xuất hoặc chế biến từ nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên.
Ví dụ β-carotene tự nhiên được chiết xuất từ các loại quả màu vàng, đỏ sẽ cho màu đỏ, da cam; curcumin được chiết xuất từ củ nghệ cho màu vàng, màu xanh được chiết xuất từ một số loại lá cây…
Nhóm phẩm màu nguồn gốc tự nhiên an toàn cho sức khỏe, nhưng độ bền màu khi chế biến kém hơn, nếu sử dụng với lượng lớn mới tạo màu rõ ràng thì giá thành sản phẩm cao.
Phẩm màu tổng hợp được tạo ra bằng phản ứng tổng hợp hóa học và được sử dụng trong công nghiệp, sản xuất lớn, các chất được cho phép có thể dùng làm thực phẩm.
Phẩm màu tổng hợp có độ bền cao, chỉ một lượng nhỏ đã cho màu đạt với yêu cầu đặt ra nhưng có thể gây ngộ độc nếu dùng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm. Phẩm màu công nghiệp thường rất tươi, không bị ảnh hưởng nhiều khi nấu nướng.
Để không nhầm lẫn với thực phẩm nhuộm phẩm màu công nghiệp, chúng ta nên chọn những thực phẩm đã biết rõ ngồn gốc, có màu sắc không quá bắt mắt, hoặc chỉ chọn mua những thực phẩm nhuộm màu có địa chỉ và số đăng ký chất lượng ghi trên nhãn mác.
Các chuyên gia cảnh báo, khi sử dụng những phụ gia "không được phép sử dụng trong thực phẩm" ở liều rất cao hoặc liều nhỏ nhưng quá thường xuyên và liên tục có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính, gây khối u, ung thư, đột biến tế bào...
Đừng chọn món ăn quá lòe loẹt
Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận