24/08/2017 09:55 GMT+7

Chất lượng chứng chỉ ngoại ngữ ngoài nhà trường bị nghi ngờ

V.HÀ-NG.HÀ-M.GIẢNG-H.HG.
V.HÀ-NG.HÀ-M.GIẢNG-H.HG.

TTO - Bộ GD-ĐT vừa quyết định dừng tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường, sau khi thanh tra bộ phát hiện hàng loạt sai phạm trong thi chứng chỉ ngoại ngữ tại Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà (Bắc Ninh).

Nhiều nơi quảng cáo luyện thi chứng chỉ tiếng Anh B1
Nhiều nơi quảng cáo luyện thi chứng chỉ tiếng Anh B1 "bao đậu 100%" - Ảnh: TỰ TRUNG

Động thái này nhằm ngăn chặn những tiêu cực có thể tiếp tục xảy ra trong tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng ở Việt Nam.

Thí sinh trao đổi, chép bài của nhau

Để đi đến quyết định trên, ông Tống Duy Hiến, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết đoàn thanh tra có mặt đúng lúc kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc diễn ra giữa tháng 4-2017 tại Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà.

Kỳ thi được tổ chức trên cơ sở hợp đồng giữa Trường ĐH Vinh với Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà. Có 827 thí sinh dự thi để được cấp chứng chỉ A2, B1 và B2.

Theo ông Hiến, dù số lượng thí sinh lớn (20 phòng thi) nhưng cán bộ giám sát không đủ. Chưa kể nhiều phòng thi không có cửa sổ, không đảm bảo việc giám sát từ bên ngoài. Thống kê cho thấy chỉ có 1 giám sát phụ trách... 5-7 phòng thi không liền nhau và chưa thực hiện đúng nhiệm vụ.

Cách tổ chức thi này đã xảy ra tình trạng thí sinh trao đổi bài, chép bài của nhau. Cùng với đó là hàng loạt sai phạm trong thi nói và cả khâu làm đề thi.

Cũng theo thanh tra Bộ GD-ĐT, Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà không chỉ phối hợp với Trường ĐH Vinh để tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực tiếng Anh. Trước đó, vào tháng 3-2017, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã tổ chức hai đợt thi, cấp chứng chỉ năng lực tiếng Anh cho hơn 400 người tại Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà.

Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Trường ĐH Vinh, ĐH Sư phạm TP.HCM phải rà soát, báo cáo toàn bộ hoạt động bồi dưỡng, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (trong đó có việc liên kết, phối hợp với các cơ quan, đơn vị) từ năm 2015 đến tháng 5-2017, báo cáo Bộ GD-ĐT.

Ngày 23-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đang hoàn tất và chuẩn bị ban hành quy định về thi, cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Quy định mới này được xây dựng theo hướng thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ đi vào trung thực, khách quan, tin cậy. “Đây sẽ là quy định chung áp dụng cho toàn hệ thống, nhằm đảm bảo giá trị của các chứng chỉ ngoại ngữ được cấp là thực chất và có thể kiểm chứng khi cần thiết” - ông Trinh nói.

Khó kiểm soát chất lượng

Trước thông tin này, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn - nói: “Trước đây, tôi từng có ý kiến về việc các trường tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Hình thức này rất dễ xảy ra tiêu cực hoặc không khách quan, không chính xác”.

Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho hay trước đây trường yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải nộp bằng B tiếng Anh, nhưng chỉ chấp nhận chứng chỉ của trường hoặc các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.

“Vì ở các đơn vị khác, trường khó tin tưởng được và không kiểm soát được chất lượng” - ông Hạ nói.

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - trưởng ban đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - cũng nói đơn vị này chỉ công nhận chứng chỉ do Trung tâm khảo thí tiếng Anh ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc các chứng chỉ quốc tế, không công nhận các chứng chỉ theo khung tham chiếu châu Âu do các đơn vị được Bộ GD-ĐT cho phép cấp.

Ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết trước đây trường áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là chứng chỉ tiếng Anh quốc gia A, B, C.

Tuy nhiên từ năm 2014, trường áp dụng chuẩn thống nhất theo khung châu Âu (A1, A2, B1, C1...) và có khung tham chiếu quy đổi đối với các chứng chỉ quốc tế.

Để đánh giá chuẩn xác trình độ người học cũng như đảm bảo tính khách quan như các chứng chỉ quốc tế, ông Sơn đề xuất: “Nên có một trung tâm quốc gia tổ chức thực hiện ngân hàng đề thi. Trung tâm ra đề và cấp bằng này độc lập hoàn toàn với các đơn vị tổ chức thi để tránh tiêu cực.

Những đơn vị nào uy tín sẽ được lựa chọn là đối tác tổ chức kỳ thi, giống như các kỳ thi TOEIC, IELTS. Đây là những nơi tổ chức thi và trung tâm quốc gia sẽ đóng vai trò giám sát…”.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh (khoa ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn):

Cần đơn vị đánh giá độc lập có tính chất quốc tế

Tôi cho rằng đối với ngoại ngữ, cần mời một đơn vị đánh giá độc lập có tính chất quốc tế để họ tổ chức thi và đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Các kỳ thi lấy chứng chỉ TOEFL, IELTS... thuộc dạng này.

Những đơn vị tổ chức thi lấy các chứng chỉ trên là những đơn vị đánh giá độc lập, nên họ thực hiện các kỳ thi rất nghiêm túc và khách quan.

Đề thi do họ biên soạn, bài thi của thí sinh cũng gửi qua nước sở tại cho họ chấm chứ không chấm ở Việt Nam, nên khó có thể can thiệp và có những chuyện tiêu cực.

Mặt khác, chứng chỉ của họ cũng có giá trị hơn và được quốc tế công nhận (ngoài đi làm thì học sinh, sinh viên có thể sử dụng chứng chỉ này để du học hoặc xin học bổng).

V.HÀ-NG.HÀ-M.GIẢNG-H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên