22/12/2018 09:56 GMT+7

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh 'siêu pháo đài bay' B52

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trong chiến tranh chống Mỹ, để tìm ra cách đánh B52 - pháo đài bất khả xâm phạm của Mỹ - có một trung đoàn tên lửa đã hi sinh gần hết.

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 1.

Lễ thành lập Trung đoàn Tên lửa 238 với sự tham gia của các chuyên gia Liên Xô - Ảnh tư liệu

Bắn rơi máy bay địch mới được vượt sông

Trung đoàn tên lửa 238 là trung đoàn tên lửa thứ hai của Binh chủng Tên lửa. Tháng 4-1966, trung đoàn 238 nhận lệnh cơ động vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) với nhiệm vụ rất đặc biệt: nghiên cứu cách đánh B52.

"Nhiệm vụ đó là thử thách rất lớn với trung đoàn. Bộ Tổng tham mưu và Bác Hồ gợi ý: các chú muốn bắt cọp phải vào hang", trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, 97 tuổi - nguyên phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân - nhớ lại.

Tháng 6-1966, trung đoàn 238 cơ động từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh. "Khi vào đến Nghệ An, trung đoàn nhận nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng vũ trang Quân khu 4 đánh địch bảo vệ giao thông trên địa bàn quân khu. Trong câu chuyện vui, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu: tiểu đoàn nào bắn rơi máy bay Mỹ trên quê hương Bác mới được cấp giấy phép vượt sông Lam", trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho biết.

Sáng ngày 28-7-1966, tiểu đoàn 84 đã bắn rơi hai chiếc A-4E xuống khu vực huyện Diễn Châu, lập được chiến công để giành "giấy phép" vượt sông Lam. 

Đêm 28-7-1966, khi hành quân qua phà Bến Thủy gần trót lọt thì do chưa có kinh nghiệm, khi phà cập bến, một xe xích kéo bệ phóng tên lửa bị rơi xuống sông! Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 84 tiếp tục hành quân, chỉ để lại một cán bộ đại đội, một cán bộ xe bệ phóng cùng Ban kỹ thuật Trung đoàn lo việc trục vớt. 

Được sự giúp đỡ của Quân khu 4 và công nhân phà Bến Thủy, sau hơn một tuần làm việc dưới sự khống chế ngày đêm của máy bay địch, bộ phận kỹ thuật mới trục vớt được chiếc xích xe và bệ phóng lên bờ và sửa chữa, thay thế các bộ phận hỏng. 

Nửa tháng sau, khẩu đội bệ phóng tiếp tục hành quân đuổi theo đội hình tiểu đoàn 84.

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 2.

Những con người anh hùng của Trung đoàn Tên lửa đã nghiên cứu ra cách đánh B52 - Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho biết: "Từ thị xã Hà Tĩnh vào Kỳ Anh chỉ khoảng 50km nhưng có gần 40 chiếc cầu. Địch liên tục đánh phá suốt ngày đêm. Tiểu đoàn 84 chuẩn bị vượt cầu Rác thì địch ném bom tọa độ! Cầu bị hỏng, đợi sửa chữa xong thì trời sáng".

"Tình thế rất khó khăn. Quay lui không được, tiểu đoàn 84 phải dừng lại chờ đến tối hành quân. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan thì nhân dân các làng gần đó đã dỡ nhà mình ra ngụy trang cho tên lửa giữa cánh đồng trống trải". 

Qua được cầu Rác đến cầu Trung (phía bắc huyện Kỳ Anh) thì tiểu đoàn 84 bị địch khống chế 7 ngày đêm. Chúng đánh phá liên tục. Cầu vừa ngắn vừa nhỏ, ta sửa, địch đánh. Tiểu đoàn không hành quân qua được. 

Sau, người dân và thanh niên xung phong chặt cành cây to bó thành từng bó lát mặt đường chống lầy cho bộ đội tên lửa hành quân. Máy bay địch ập đến thả bom bi. Gần 200 người dân và thanh niên xung phong bị thương vong.

Sau hơn 10 ngày hành quân gian khổ, ác liệt trên chặng đường dài 200km, tiểu đoàn 84 đã anh dũng đánh địch mà đi, bảo đảm an toàn cho cả người lẫn vũ khí và vào đến nông trường Phú Quý (Quảng Bình).

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 3.

Tiểu đoàn 83 đang báo động chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu - Ảnh tư liệu

Cả trung đoàn, hi sinh hơn một trung đoàn!

Cũng trong lúc đó, đội hình trung đoàn đã hành quân trải dài từ nam Hà Nội đến Quảng Bình. Tết Đinh Mùi năm 1967, hai tiểu đoàn 81, 83 và một nửa trung đoàn được lệnh hành quân trước vào Vĩnh Linh (Quảng Trị). Và đó là giai đoạn trung đoàn hi sinh nhiều nhất. 

Chỉ riêng giai đoạn từ tháng 5-1966 đến tháng 11-1967, trung đoàn mất đi 141 người. Có những thời điểm khốc liệt đến nỗi, có những tháng dồn dập nhiều tuần, có những tuần liên tục nhiều ngày, trung đoàn đều có người hy sinh. 

Ngày 29-4-1967 là ngày mà trung đoàn 238 tổn thất nặng nề nhất khi có 16 người hi sinh trong cùng một ngày! 

"Cả trung đoàn hi sinh cộng lại hơn một trung đoàn! Hi sinh đến đâu bổ sung đến đó. Chọn những người ở địa phương như thanh niên, học sinh, huấn luyện cấp tốc và bổ sung từ ngoài Hà Nội vào", đại tá Lê Văn Hỷ, 86 tuổi, cho biết. Khi đó, ông Hỷ là đại đội trưởng đại đội 1 kiêm sĩ quan điều khiển tên lửa.

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 4.

Đại tá Lê Văn Hỷ, một trong những nhân chứng của Trung đoàn 238 anh hùng đã sẵn sàng hy sinh sinh mệnh để tìm ra cách đánh B52 - Ảnh: My Lăng

Trải qua những gian nan, thử thách khốc liệt, phải hi sinh cả xương máu, cuối năm 1967, trung đoàn 238 đã hành quân tới đất lửa Vĩnh Linh. Lúc đó, cường độ hoạt động của máy bay B52 ở Vĩnh Linh tăng lên. Nhiệm vụ nghiên cứu cách đánh máy bay B52 của trung đoàn rất cấp bách.

Bầu trời và mặt đất Vĩnh Linh không mấy lúc ngớt tiếng bom đạn và động cơ máy bay. Chiến đấu trong điều kiện như vậy, tất cả 4 tiểu đoàn của trung đoàn 238 đều bị địch đánh trúng trận địa.

Ngày 6-7-1967, sau khi bắn rơi hai chiếc F-105 và một chiếc F-4 thì trận đánh diễn ra trong tình huống phức tạp và khốc liệt: khi đạn ta vừa phóng lên thì tên lửa của địch cũng phóng xuống trận địa! Kíp chiến đấu đã dũng cảm bình tĩnh xử lý, điều khiển đạn tới mục tiêu. 

Sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh (Tiểu đoàn 81) là một trong những người đã hy sinh trong quá trình tìm ra cách đánh B52 và sau này được truy tặng danh hiệu AHLLVTND - Ảnh tư liệu

Sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh (Tiểu đoàn 81) là một trong những người đã hy sinh trong quá trình tìm ra cách đánh B52 và sau này được truy tặng danh hiệu AHLLVTND - Ảnh tư liệu

Nhưng sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh, kỹ sư Lê Quốc Lượng cùng một số đồng đội đã hi sinh. Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên, đại đội trưởng và một số chiến sĩ bị thương. Tiểu đoàn 81 mất sức chiến đấu!

Tối ngày 30-8-1967, lại đến lượt tiểu đoàn 84 bị địch phóng tên lửa làm hỏng khí tài và kíp chiến đấu thương vong. 

Cả 4 tiểu đoàn hỏa lực đã hi sinh gần hết, chỉ gom lại được một tiểu đoàn tương đối đầy đủ về quân số (gần 100 người) và vũ khí! Trung đoàn 238 phải dồn ghép toàn bộ lực lượng và trang bị của toàn trung đoàn thành một tiểu đoàn, quyết đánh bằng được máy bay B52! 

Kíp chiến đấu của tiểu đoàn 82 được điều sang bổ sung cho tiểu đoàn 84. Khí tài thì gộp cả những gì còn lại của 3 tiểu đoàn để chiến đấu: xe điều khiển của tiểu đoàn 82, xe tính toán của tiểu đoàn 84, xe thu phát và bệ phóng tên lửa thì ghép của tiểu đoàn 82 và 84, radar II-12 thì lấy của tiểu đoàn 81 và 84.

Đêm 2-9-1967, kíp chiến đấu mới được ghép của tiểu đoàn 84 kéo xe điều khiển lên trận địa thì bị bom tọa độ. 

"Bom tọa độ đánh nhưng không trúng xe mà lại trúng 4 cậu ngồi trên xe xích. Cậu Lê Hữu Dinh là trắc thủ góc tà của xe điều khiển, người  Quảng Xương (Thanh Hóa), bị bắn bay mất cái đùi và hai người khác bị thương". 

"Cậu ấy chỉ cầm cự được một đêm thôi, sáng sau thì hi sinh. Dinh còn trẻ lắm, mới 20 tuổi. Nó sống với tôi gần một năm, đi chiến đấu cùng tôi từ Hải Phòng vào. Chúng tôi chôn nó trên đồi, không có hòm chỉ có nilon quấn lại… Thương xót lắm", đại tá Lê Văn Hỷ xúc động rơi nước mắt khi nhớ lại ký ức khốc liệt. 

Hai chiến sĩ bị thương trong đó một chiến sĩ bị thương nặng ở cánh tay, không thể tiếp tục chiến đấu được. Tiểu đoàn 84 phải bổ sung tiếp kíp chiến đấu khác.

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 7.

Tiểu đoàn 81 huấn luyện tháo nạp tên lửa - Ảnh tư liệu

Tiểu đoàn xây dựng trận địa ở nông trường Quyết Thắng. Trong lúc máy bay B-52 chưa hoạt động, kíp chiến đấu tranh thủ luyện tập. Đến ngày 17-9-1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng máy bay B52, 17 giờ 3 phút, kíp chiến đấu của tiểu đoàn 84 đã phóng hai quả đạn tiêu diệt "siêu pháo đài bay" B52 đầu tiên tại Vĩnh Linh.

17 giờ 34 phút, tốp B52 thứ ba bay vào. Chỉ còn một quả đạn, tiểu đoàn 84 vẫn quyết đánh và bắn rơi thêm một chiếc B52! 

Mặt trận thông báo hai chiếc B52 bị tiêu diệt. Đây là chiến công sau bao gian truân, mất mát mà cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 238 phải trải qua. Để có được trận thắng này, nhiều cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã mãi mãi nằm lại Vĩnh Linh.

Sau khi nghe báo cáo kết quả bắn rơi B52, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền gửi thư khen ngợi trung đoàn 238. Riêng tiểu đoàn 84 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thưởng huân chương Quân công hạng nhì (không lâu sau đó, tiểu đoàn 84 lại lập công xuất sắc, tiêu diệt một máy bay B52). 

Ngày 20-10-1967, với ba quả đạn, tiểu đoàn 82 đã bắn rơi hai máy bay B52. Với chiến công này, tiểu đoàn 82 được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng huân chương Chiến công hạng 2. Ngày 11-1-1968, tiểu đoàn 82 lại bắn rơi một máy bay B52. Đây là chiếc máy bay B52 thứ sáu bị Trung đoàn Tên lửa 238 bắn rơi.

Chấp nhận hi sinh để tìm ra cách đánh siêu pháo đài bay B52 - Ảnh 8.

Kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 82 – đơn vị đã bắn rơi máy bay B52 ở phía Nam Quân khu 4 - Ảnh tư liệu

"Để phát hiện ra quy luật hoạt động của B52 mà đánh nó không dễ đâu", đại tá Lê Văn Hỷ cho biết.

"Nó có những trung tâm gây nhiễu. Trên máy bay nó cũng có thiết bị gây nhiễu nên màn hình hiện sóng của chiến sĩ radar nhiễu dày đặc, không phát hiện được mục tiêu. Sau này chúng tôi rút ra kinh nghiệm: thấy nhiễu nhiều cứ bắt theo dải nhiễu, mình chọn dải nào sáng nhất, cứ bám sát trung tâm dải sáng đó mà đánh. 

Mỹ chủ quan nghĩ rằng đã gây nhiễu như thế thì mình không phát hiện ra B52 được. Chính vì thế mà sau này, tháng 12-1972, Mỹ bị rơi ở miền Bắc bao nhiêu B52". 

Với kinh nghiệm của một đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay chiến lược B52, Trung đoàn Tên lửa 238 đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho Binh chủng Tên lửa đánh B52 sau này.

"Trung đoàn Tên lửa 238 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu đánh máy bay B52", trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói. "Đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 238 là đóng góp của những người đi đầu trong việc nghiên cứu cách đánh một đối tượng tác chiến mới, bước đầu rút kinh nghiệm cho các đơn vị sau này tham gia chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không năm 1972, đánh bại cuộc tập kích đường không bằng siêu pháo đài bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng".

Năm 1976, Trung đoàn 238 đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hình ảnh trong buổi lễ Trung đoàn Tên lửa 238 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 1-1976 - Ảnh tư liệu

Hình ảnh trong buổi lễ Trung đoàn Tên lửa 238 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 1-1976 - Ảnh tư liệu

Vũ Đình Rạng - phi công đầu tiên trên thế giới bắn "pháo đài bay" B52 Vũ Đình Rạng - phi công đầu tiên trên thế giới bắn 'pháo đài bay' B52

TTO - Nhiều năm sau chiến tranh, người Mỹ mới thừa nhận ông Vũ Đình Rạng là phi công lái Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận được với B52, bắn thẳng vào 'pháo đài bay bất khả xâm phạm' của Mỹ.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên