08/06/2024 11:59 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hạn chế mức tối đa các cháu phải vào trại

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng thế giới đã chứng minh và chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù với trẻ vị thành niên khi không còn giải pháp nào khác.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phải có luật độc lập

Phát biểu tại tổ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.

Tại Công ước này có khuyến cáo các quốc gia thành viên phải có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên độc lập.

Với ASEAN có 10 nước thì hiện nay chỉ còn 2 nước chưa có Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo ông Bình, bảo vệ quyền trẻ em về tư pháp đã có khoảng 10 luật khác nhau đề cập việc này.

Đồng thời, cách tiếp cận này có ở nhiều quốc gia, nhưng họ nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả.

Ông dẫn chứng có thể ở lớp các cháu đánh nhau dẫn đến gãy chân, gãy tay hay như đua xe, gây rối trật tự, vào siêu thị bốc cái nọ, cái kia ăn mà không ý thức được việc mình đang phạm tội.

"Kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp của chúng ta nặng nề như vậy, các cháu dễ bị tổn thương. Nên đặt ra câu chuyện phải có luật độc lập", ông Bình nêu.

Cũng theo ông Bình, một số cơ quan băn khoăn là chúng ta nhân văn quá với các cháu, có phải thả tội phạm ra đường không?

Nghiên cứu của nhiều người cho thấy nếu cho các cháu phạm tội ăn cắp, đánh nhau vào trại luôn sẽ gây tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại rất khó khăn. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa.

Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với tinh thần cứu các cháu ra khỏi nhà tù thì tỉ lệ tái phạm giảm khoảng 85%.

Ngoài ra, ông chỉ rõ các cháu không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng. Bởi thực tế, trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành trở nên chuyên nghiệp hơn...

Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay ở các nước, trẻ em là đối tượng giáo dục là chính, chứ không phải trừng phạt là chính. 

"Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn. Nhưng nếu các cháu hơi có lỗi gì đấy sử dụng biện pháp nhà tù thì không đúng. Coi biện pháp xử thật nặng để có tính răn đe với các cháu là sai lầm", ông Bình nhìn nhận.

Ông chỉ rõ việc dự luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong luật này, vừa nghiêm khắc để bảo đảm an toàn trật tự xã hội.

Theo ông Bình, nỗ lực của dự luật là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam. Đồng thời, thực hiện xử lý chuyển hướng, cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập gì đó… hạn chế mức tối đa các cháu phải vào trại.

"Thế giới đã chứng minh và chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đừng hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều, tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai", ông Bình nói thêm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án đi thu thập chứng cứ Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án đi thu thập chứng cứ 'sẽ sinh ra một vụ án kỳ cục'

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm phục vụ nhân dân của tòa án là phải đảm bảo công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải việc đi thu thập chứng cứ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên