Từ những ngày đầu tiên chỉ với 12 thành viên
Ngày 4-4-1949 tại thủ đô Washington, Mỹ, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, NATO được thành lập với 12 quốc gia thành viên ban đầu, gồm Bỉ, Pháp, Anh, Luxembourg, Hà Lan, Mỹ, Canada, Na Uy, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Ý và Iceland.
Theo tổng thư ký đầu tiên, Hastings Ismay, các mục tiêu của NATO là “giữ Mỹ ở châu Âu, giữ Đức trong tầm kiểm soát, giữ Liên Xô (Nga) ở bên ngoài châu Âu”. Đã 75 năm trôi qua kể từ năm 1949, phương châm này dường như không thay đổi.
Ra đời được ba năm thì NATO bắt đầu kết nạp những thành viên mới đầu tiên. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước khi ấy vẫn còn hữu hảo, cùng gia nhập NATO tháng 2-1952, để nối dài vành đai bảo vệ về phía nam châu Âu, đồng thời đe dọa Liên Xô từ phía nam nước này.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO dần mở rộng về phía đông, khiến biên giới của khối này gần với Nga hơn, với sự tham gia của Ba Lan năm 1999, cùng các quốc gia vùng Baltic từng thuộc Liên Xô.
Thụy Điển và Phần Lan gia nhập năm 2024, chính thức nâng tổng số thành viên của liên minh quân sự này lên 32.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014, các đồng minh NATO đã thông qua thỏa thuận chung đồng ý chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm cho quốc phòng.
Con số này tiếp tục được nâng lên với tỉ lệ tối thiểu là 2% sau khi nổ ra chiến sự Nga - Ukraine năm 2022, với mức tăng dự kiến của 20 quốc gia thành viên lên 3% vào năm 2024.
“Chúng tôi ăn mừng, nhưng không ngủ quên trên chiến thắng”
Ngày 3-4, bộ trưởng ngoại giao của 32 quốc gia thành viên NATO tham gia buổi gặp mặt tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ), nhằm kỷ niệm và tôn vinh 75 năm huy hoàng mà họ đã trải qua.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, NATO đang phải đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất, kể từ khi khối này hồi sinh từ đống tro tàn của Thế chiến thứ hai năm 1949.
“Chúng tôi ăn mừng những thành tựu của NATO, nhưng chúng tôi không ngủ quên trên chiến thắng”, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, nói.
Theo Hãng tin AFP, một NATO mới đã được “thay da đổi thịt” nhờ sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, giúp liên minh này củng cố lực lượng ở khu vực Đông Âu.
Kể từ khi Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine ngày 24-2-2022, các thành viên của NATO đã gửi cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên nguồn cung hiện đang chững lại do sự hỗ trợ từ Mỹ, cường quốc hàng đầu liên minh này, bị mắc kẹt bởi các trở ngại chính trị.
Trong cuộc gặp gỡ ngày 3-4, ông Jens Stoltenberg cho biết NATO đang nỗ lực tham gia trực tiếp vào quá trình điều phối, vận chuyển hàng hóa và vũ khí sang Ukraine.
Đây là điều mà NATO cho đến nay vẫn chưa thực hiện vì lo ngại có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Lời kêu gọi đoàn kết
Trong ngày kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Mỹ cùng đoàn kết với châu Âu, trong bối cảnh an ninh khu vực có nguy cơ bị đe dọa bởi Nga và mối lo ngại về khả năng trở lại nắm quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Hãng tin Reuters, ông Stoltenberg cho biết Mỹ và châu Âu trong bối cảnh hiện tại đều cần có nhau. Châu Âu cần Mỹ để đảm bảo an ninh khu vực. Mỹ cũng cần châu Âu - những đồng minh sở hữu lực lượng quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới và mạng lưới tình báo rộng lớn.
“Tôi không tin vào một mình nước Mỹ, cũng không tin vào một mình châu Âu. Tôi tin vào tất cả chúng ta, cả Mỹ và châu Âu cùng hợp tác với nhau vì điều đó sẽ giúp NATO mạnh mẽ và vững vàng hơn bao giờ hết”, ông Stoltenberg phát biểu trong buổi lễ tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 3-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận