24/03/2020 11:30 GMT+7

Chặn nguồn lây mới từ biên giới tây nam

B.SƠN - Đ.TRONG - B.LIÊM - S.LÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - N.TÀI - K.NAM
B.SƠN - Đ.TRONG - B.LIÊM - S.LÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - N.TÀI - K.NAM

TTO - Ngày 23-3, Bộ Y tế đã công bố 3 người Việt về từ biên giới tây nam mắc bệnh COVID-19. Diễn biến mới này đặt ra yêu cầu siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn nguồn lây qua tuyến biên giới tây nam và miền Trung.

Chặn nguồn lây mới từ biên giới tây nam - Ảnh 1.

Lực lượng kiểm dịch y tế đo thân nhiệt người dân từ biên giới tây nam vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Hai ca bệnh COVID-19 là người Việt (ca thứ 117 quê Long An, ca thứ 118 quê An Giang) đều về từ biên giới tây nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) đã kịp thời được cách ly ngay tại biên giới.

Trong khi đó, lượng người nhập cảnh từ biên giới tây nam những ngày qua khá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm qua biên giới.

Tây Ninh, Bình Phước cách ly toàn bộ khách qua cửa khẩu

Ngày 23-3, ông Nguyễn Văn Cường - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh - cho biết sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với hai bệnh nhân thứ 117 và 118, các trường hợp tiếp xúc gần ở khu cách ly hai người này đã được cách ly riêng và tiếp tục lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, ông Nguyễn Thanh Ngọc - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết tỉnh đã đóng cửa toàn bộ đường mòn, lối mở biên giới. Đồng thời tất cả các trường hợp từ các nước Đông Nam Á về qua cửa khẩu đều phải cách ly để theo dõi y tế.

Theo ghi nhận, những ngày gần đây có hàng ngàn người từ biên giới tây nam về nước, cá biệt trong ngày 19-3 cửa khẩu Mộc Bài có khoảng 1.000 người nhập cảnh vào Việt Nam. Đại tá Nguyễn Tài Sơn - chính ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Tây Ninh - cho biết BĐBP tỉnh được tăng cường lực lượng từ Bộ tư lệnh BĐBP đã triển khai trực, tuần tra kiểm soát 24/24 giờ để phòng tránh lây lan của dịch.

Tại Bình Phước, giám đốc Sở Y tế Quách Đức Ái cho biết trước khi các cửa khẩu biên giới giữa Bình Phước giáp với Campuchia tạm thời ngừng hoạt động đã có 239 người về nước và đều được cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo đó có 115 người được cách ly tại các cơ sở trên địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh, 97 người cách ly tại huyện Đồng Phú, 26 người tại huyện biên giới Bù Đốp và 1 người được cách ly tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

Bà Trần Tuệ Hiền - chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho hay đã đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với tất cả người nhập cảnh từ biên giới tây nam. Mặt khác tăng cường việc kiểm soát các cửa khẩu, lối mòn, lối mở, không để xảy ra tình trạng người qua lại trái phép ở khu vực biên giới.

"Chúng tôi yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; lên phương án sẵn sàng khi số trường hợp cách ly tăng. Việc tổ chức cách ly phải đảm bảo các điều kiện, có biện pháp tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly và đảm bảo an ninh trật tự" - bà Hiền nói.

Theo ghi nhận, tại các huyện biên giới Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, nhiều người dân hay buôn bán, qua lại khu vực biên giới tây nam đã được cơ quan chức năng thông báo hạn chế qua lại cửa khẩu từ nhiều ngày nay và người dân đã chấp hành tốt.

Ngoài ra thời gian qua các lực lượng biên phòng, công an cũng túc trực 24/24 giờ để kiểm soát tình hình, đảm bảo tốt an ninh khu vực biên giới.

Chặn nguồn lây mới từ biên giới tây nam - Ảnh 2.

Nhiều người Việt về từ biên giới tây nam chờ đưa đi cách ly sau khi làm thủ tục khai báo y tế tại cửa khẩu Khánh Bình, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

An Giang, Long An: dựng lán trại kiểm soát 24/24 giờ

Chiều 23-3, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) - nơi có lượng người qua lại lớn nhất của tỉnh này, trở nên vắng lặng.

Hai đầu trạm kiểm soát liên hợp đã được dựng hàng rào chắn và lực lượng biên phòng, hải quan lúc nào cũng túc trực chỉ cho hàng hóa qua lại dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.

Trung tá Trần Hòa Hiệp - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - cho biết đồn đã hình thành 10 tổ công tác dựng lán trại trực 24/24 giờ ven biên giới dài 9,2km.

Đặc biệt có 1 tổ tuần tra suốt đêm dọc theo tuyến biên giới để đảm bảo không có người nào "lọt" vào biên giới Việt Nam.

Đại tá Trần Quốc Khánh - phó chỉ huy trưởng BĐBP An Giang - cho biết từ ngày 11-3, BĐBP tỉnh đã triển khai đóng các đường mòn, lối mở qua biên giới. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã bố trí 74 tổ chốt chặn trên tuyến biên giới để ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

Song song đó, các cửa khẩu phối hợp với các lực lượng để sàng lọc, phân loại, tiếp nhận và cách ly theo quy định.

Tại Long An, ông Nguyễn Thành Vững - chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An - cho biết từ 0h ngày 22-3, Long An đã tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh đối với tất cả các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với người Việt Nam trở về không vì lý do dịch bệnh thì vẫn tiếp nhận và cách ly 14 ngày theo quy định.

Trung tá Phạm Thành Trung - đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu hai tỉnh Svay Riêng và Long An - cho biết lực lượng biên phòng đang tăng cường kiểm soát tất cả 7 chốt, không để người dân vì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa... qua lại theo các đường mòn, lối mở tự phát.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đã thực hiện cách ly theo quy định 11 trường hợp trở về từ biên giới tây nam.

Còn tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mỹ Quý Tây (Đức Huệ, Long An), có đến 283 trường hợp cách ly, do đây là lối cửa khẩu quen thuộc của nhiều người đi từ các tỉnh trung tâm Campuchia về địa bàn Long An.

Chặn nguồn lây mới từ biên giới tây nam - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồng Tháp, Kiên Giang: "soi" hàng và người qua biên giới

Tương tự các tỉnh có biên giới Tây Nam, ngày 23-3, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo đối với đường bộ, tiến hành tiêu độc khử trùng hàng hóa, xe cộ trước khi bốc dỡ tại cửa khẩu. Người lái xe tạm cách ly trong thời gian bốc dỡ hàng hóa, sau khi hoàn thành người và xe sẽ quay trở về Campuchia.

Trên đường thủy, đối với tàu, sà lan lớn cũng tiêu độc, khử trùng, tạm cách ly nhóm tài công nhập cảnh qua biên giới, thay thế nhóm tài công mới để vào nội địa.

Ngày 23-3, tại khu vực ghi nhận 4 bệnh nhân dương tính với COVID-19 trong khu cách ly đầu tiên của ĐBSCL tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh thành lập bệnh viện dã chiến đầu tiên đặt tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp (quốc lộ 80, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc).

Trên tuyến biên giới Kiên Giang giáp với tỉnh Kam Pot của Campuchia, ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho thấy vẫn còn vài chục lượt người Việt trở về.

Theo thông báo của ngành y tế Kiên Giang, toàn bộ người trở về đều được kiểm tra thân nhiệt, tầm soát dịch COVID-19 và cách ly để phòng dịch.

Chỉ riêng Hà Tiên đến nay đã cách ly tập trung 205 người, phần lớn là lao động từ Campuchia trở về. Hiện tất cả các trường hợp cách ly tập trung đều âm tính với virus SARS-CoV-2, tình trạng sức khỏe ổn định, không sốt, ho...

Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Tây Ninh

Đánh giá Tây Ninh là nơi có nhiều cửa khẩu, nhiều người qua lại, diễn ra nhiều hoạt động giao thương, từ tối 22-3 Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai kế hoạch phản ứng nhanh hỗ trợ tỉnh này phòng chống dịch COVID-19.

Sau 30 phút nhận lệnh chỉ đạo từ Bộ Y tế, đội phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy do ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - lãnh đạo đã tức tốc lên đường ngay trong đêm đến Tây Ninh.

Trước đó, vào ngày 11-3, đội phản ứng nhanh số 1 đã được điều động đến Bình Thuận và trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Lần này được điều động đến Tây Ninh sẽ do đội phản ứng nhanh số 2 luân phiên đảm nhiệm. (H.LỘC)

Hà Tĩnh xét nghiệm diện rộng tất cả người nhập cảnh

anh covid 2 3(read-only)

Người dân Hà Tĩnh, Nghệ An làm việc ở Lào, Thái Lan về qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) được đo thân nhiệt - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Tối 23-3, ông Nguyễn Lương Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh - cho biết tỉnh đã thành lập các khu cách ly tập trung cấp tỉnh và cấp huyện với trên 7.500 giường để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể: khu cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh ở Cẩm Xuyên 200 giường, Trường Quân sự tỉnh 134 giường, khu nhà hải quan tại cổng B cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 381 giường, Trung tâm GDTX Hương Khê 100 giường.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chuẩn bị phương án khu cách ly tập trung tuyến xã để nhận người trên địa bàn đi từ các vùng dịch về. Ước tính mỗi khu cách ly tập trung tuyến xã sẽ có khoảng 50 giường, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly đáng kể số người đi từ vùng dịch về.

Đây là phương án nhằm giảm áp lực cho các khu cách ly y tế tập trung của tỉnh trong bối cảnh người từ Lào, Thái Lan trở về ngày một đông.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch xét nghiệm diện rộng cho tất cả những người đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 1-3.

Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người để xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR. (VĂN ĐỊNH)

Đại sứ quán VN tại Campuchia sẵn sàng bảo hộ công dân

Chiều 23-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Minh - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia - cho biết sứ quán thường xuyên thông báo đến cộng đồng người Khmer gốc Việt và các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia về tình hình mới nhất cũng như các khuyến cáo của chính phủ hai nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên quan đến dịch COVID-19.

Vừa qua, Đại sứ quán và CLB Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) đã hỗ trợ khẩn cấp để trên 200 công dân Việt Nam kịp thời được gia hạn visa và yên tâm ở lại làm việc hợp pháp tại Campuchia.

Việc này vừa đảm bảo nhân lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh ở Campuchia ổn định hoạt động, người lao động không phải về nước trước hạn cấm xuất nhập cảnh của Campuchia, đồng thời không gây thêm gánh nặng cách ly trong nước.

Chiều cùng ngày, ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia (KVA), cho biết KVA đã tuyên truyền trong cộng đồng người Khmer gốc Việt rộng khắp 25 tỉnh thành ở Campuchia các biện pháp phòng chống COVID-19.

"Bà con ban đầu chủ quan nhưng sau đó đã ý thức được phải tuân thủ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Riêng chuyện đeo khẩu trang, ở Campuchia có khoảng 30% người đeo, trong cộng đồng người gốc Việt có trên 90% người đeo", ông Chi cho biết. (TIẾN TRÌNH)

123

Đó là tổng số người bệnh COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam tính đến cuối ngày 23-3. Trong ngày có 10 ca nhiễm mới, gồm các ca từ 114 đến 123.

Đáng chú ý là bệnh nhân thứ 116 là nam bác sĩ 29 tuổi, làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội). Hai bệnh nhân thứ 117 (30 tuổi, quê Long An, nhân viên công nghệ thông tin) và 118 (23 tuổi, quê An Giang, nhân viên casino) từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) ngày 19-3.

Bệnh nhân thứ 122 là nữ nhân viên người Việt (24 tuổi, quê Hà Tĩnh) tại một quán rượu ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) về sân bay Đà Nẵng ngày 20-3.

Có hai bệnh nhân nam người nước ngoài (thứ 119, quốc tịch Mỹ và thứ 120, quốc tịch Canada) cùng có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 91 (phi công người Anh) tại quán bar Buddha, quận 2, TP.HCM.

Bệnh nhân thứ 123 là cô gái từ Malaysia về sân bay Tân Sơn Nhất rồi đi xe khách về thẳng huyện Bình Đại, Bến Tre ngày 17-3. Đến ngày 21-3 mới được lấy mẫu kiểm tra và ngày 22-3 có kết quả dương tính.

Việt Nam có 2 ca bệnh từ Campuchia về nước, nâng lên 118 ca COVID-19 Việt Nam có 2 ca bệnh từ Campuchia về nước, nâng lên 118 ca COVID-19

TTO - Thêm hai ca bệnh COVID-19 vừa được ghi nhận tại Việt Nam, một người ở Long An và một ở An Giang, đều từ Campuchia về.

B.SƠN - Đ.TRONG - B.LIÊM - S.LÂM - B.ĐẤU - T.LŨY - N.TÀI - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên