21/08/2023 05:32 GMT+7

Chặn lỗ hổng quản lý y tế ra sao?

XUÂN MAI
và 1 tác giả khác

Lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM xây dựng bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các quận, huyện trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Nếu được UBND TP duyệt sẽ áp dụng đánh giá hằng năm.

Pha chế thuốc để tiêm cho khách tại một spa chui trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Pha chế thuốc để tiêm cho khách tại một spa chui trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Số điểm trừ cao nhất rơi vào nhóm công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân tại các quận, huyện. Đây cũng là thách thức lớn đối với các đơn vị quản lý cho đến thời điểm hiện nay.

"Đội lốt" dịch vụ thẩm mỹ, không giấy phép

Thời gian qua đã có nhiều cơ sở tư nhân không phép, trái phép trên địa bàn TP.HCM lộng hành hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, thậm chí đã có người mất mạng. Với số lượng cơ sở tư nhân khá lớn, TP đối diện nhiều thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước.

Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay TP có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ nhưng chỉ có 598 cơ sở do Bộ Y tế quản lý và cấp phép hoạt động, còn lại có đến hơn 85% cơ sở thẩm mỹ là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều đáng nói, nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận kinh doanh "đội lốt" dịch vụ thẩm mỹ (spa, gội đầu, phun xăm...) để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 67 cơ sở, ra 77 quyết định xử phạt phòng khám vi phạm với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỉ đồng.

Bác sĩ Lê Hồng Tây - trưởng Phòng Y tế quận 10 - cho biết hằng năm quận đều có kế hoạch kiểm tra các cơ sở đã được cấp phép và các cơ sở mới phát sinh. Bên cạnh đó, còn tổ chức kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của người dân, báo đài... nếu có sai phạm. Việc UBND quận, phường phối hợp tích cực trong hoạt động y tế đóng vai trò rất quan trọng nhằm giám sát, ngăn ngừa các cơ sở chui.

Theo bác sĩ Tây, hiện nay việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân, thẩm mỹ trên địa bàn quận còn gặp rất nhiều khó khăn, điển hình như những người đầu tư thường ở miền Bắc nhưng lại thuê người thân quen đứng tên các chủ hộ kinh doanh tại TP.HCM, dẫn đến khi kiểm tra lại không tìm được chủ đầu tư. Thậm chí ,nhiều cơ sở thuê nhà riêng để mở dịch vụ nên khi bị kiểm tra thì không hợp tác với lực lượng chức năng...

"Vai trò của địa phương rất quan trọng, UBND phường, công an phường phải phối hợp với các đơn vị chuyên môn như phòng y tế để thực hiện kiểm tra, nếu đơn lẻ sẽ còn rất nhiều các hạn chế. Ngoài ra cần tăng mạnh hình thức xử phạt đối với các cơ sở trái phép để có sức răn đe. Xử phạt hành chính nhẹ cơ sở tiếp tục đến địa điểm khác hoạt động, rất khó cho cơ quan quản lý", bác sĩ Tây cho hay.

Địa phương chịu trách nhiệm nếu có vi phạm

Để giám sát hoạt động chăm sóc sức khỏe của địa phương, trong bảng điểm Sở Y tế TP.HCM vừa lập có 8 nhóm và 30 tiêu chí cho từng quận, huyện. Đặc biệt, tại nhóm "Hiệu quả công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn" có điểm trừ cao nhất.

Theo đó, sở này yêu cầu các địa phương phải đảm bảo được tất cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu các quận huyện không phát hiện kịp thời cơ sở y dược tư nhân hoạt động không phép hoặc để phòng khám tư nhân bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hoạt động lén lút sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ông Lê Đức Thanh - chủ tịch UBND quận 1 - cho hay quận đã nhận được công văn của Sở Y tế yêu cầu góp ý cho dự thảo "Bảng điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về hoạt động chăm sóc sức khỏe của địa phương".

Hiện các đơn vị chuyên môn của quận 1 đang nghiên cứu, tham mưu góp ý. Bảng điểm là tổng hợp các hoạt động liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn của nhiều đơn vị chuyên môn vào chung với nhau.

"UBND quận 1 vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế trong công tác quản lý cơ sở làm đẹp trên địa bàn", ông Thanh nói và cho biết sẽ xử lý theo quy định nếu cơ sở nào sai phạm.

Một lãnh đạo phường tại quận Gò Vấp cho biết hiện nay UBND phường không có thẩm quyền cấp phép một loại hình kinh doanh hay ngành nghề nào, phường nằm ngoài quy trình cấp đăng ký kinh doanh nói chung.

Đối với hoạt động kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ hoặc cơ sở y tế tư nhân, phường sẽ phối hợp với các cơ quan cấp trên khi có yêu cầu chứ không có chuyên môn đi kiểm tra.

Trường hợp nếu người dân phát hiện và phản ảnh cơ sở y tế đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh vi phạm thì bắt buộc cơ quan chuyên môn như phòng y tế phải cùng đi.

"Về nguyên tắc, phường vẫn có thể xử phạt được. Tuy nhiên, các khâu xác minh vi phạm phải đúng ngành nghề hoạt động ở dạng nào, kể cả khi xác định được chủ cơ sở, thời gian xử phạt còn phải tùy vào sự hợp tác của cơ sở", vị này cho hay.

Không để đào tạo thẩm mỹ mà không có giấy phép

Trong văn bản vừa gửi đến các đơn vị về quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm mỹ, UBND TP yêu cầu các quận huyện phải rà soát việc cấp phép kinh doanh, đăng ký tên của loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải thực hiện đúng quy định.

Bên cạnh đó, quận huyện phải tăng cường hậu kiểm sau khi cấp phép kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Đặc biệt là chấn chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thêu, phun, xăm, spa... đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép kinh doanh.

UBND TP.HCM nhấn mạnh kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo nghề thẩm mỹ không có giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề trên địa bàn quản lý.

Phẫu thuật thẩm mỹ khi chưa có giấy phép, một cơ sở bị xử phạt 90 triệu đồngPhẫu thuật thẩm mỹ khi chưa có giấy phép, một cơ sở bị xử phạt 90 triệu đồng

TTO - Mặc dù chưa có giấy phép hoạt động nhưng một cơ sở thẩm mỹ ở TP Biên Hòa, Đồng Nai vẫn thực hiện phẫu thuật môi tim, thu gọn môi trên cho khách hàng dẫn đến bị lệch môi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên