19/10/2006 13:20 GMT+7

Chân dung Phạm Xuân Ẩn - Kỳ 2: Im lặng là nguyên tắc sống

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

TTO - Tôi muốn tìm ra cái chất “Người Việt trầm lặng”. Tôi muốn mọi người Việt Nam được đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương tươi cười nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy...

Ấy là vài nét hé lộ tính cách ông Phạm Xuân Ẩn. Cũng mới chỉ là lời của Peter Ross Range, của Morley Safer, hay là sau này Henry Kamm trong cuốn Dragon Ascending xuất bản năm 1996. Có vẻ như giới viết lách của Mỹ quan tâm đến ông nhiều hơn. Do trước đây họ đã làm việc với ông? Henry Kamm trong chương Heroes of war and peace đã nói rằng mình biết Ẩn đã một phần tư thế kỷ. Vậy mà Henry “không một phút giây nào tôi ngờ rằng trong suốt cuộc chiến tranh ông là đại tá của Mặt trận giải phóng dân tộc mà kẻ thù của họ gọi là Việt Cộng. Tôi biết ông là một đồng nghiệp hào phóng, hiểu biết và hóm hỉnh”. Henry đã đánh giá cao hơn nữa: “Tướng Ẩn - một trong những nhân viên tình báo Cộng sản bí mật gan dạ nhất ở Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ…” .

Trong cuộc nói chuyện với các đồng nghiệp cũ khi họ trở lại Việt Nam sau này, ông Ẩn quan tâm thăm hỏi tin tức của các đồng nghiệp cũ như Frank Mc.Culloch, giám đốc văn phòng tuần báo Time tại Sài Gòn, Richard M. Clurman, trưởng ban phóng viên cho Time - life có văn phòng tại New York. Những người Mỹ đã biết ông Ẩn tới một phần tư thế kỷ mà vẫn còn nhiều bất ngờ về ông. Sau nữa, chắc gì họ đã hiểu ông Ẩn như họ thường cho là họ hiểu. Như Morley chẳng hạn. Morley viết: “Tội nghiệp cho Ẩn. Anh đã chọn chỗ đứng giữa vùng đất không người, tùy thuộc vào sự hình thành của lực lượng thứ ba. Chẳng có chỗ đứng nào cho một tâm hồn nhạy cảm như anh…”. Mặc dù Morley cũng nhận ra rằng do ý nghĩa lịch sử, chỉ có một chỗ đứng như ông Ẩn đã đứng, dành cho những tâm hồn nhạy cảm. Nếu hiểu theo cách người Việt nghĩ thì do đất nước gặp ngoại xâm, tất cả những tâm hồn yêu nước, nhạy cảm, chỉ có một chỗ đứng giống nhau như vậy thôi, chỗ đứng trong đội quân những người cứu nước. Morley còn cho rằng nếu Graham Greene nhìn Việt Nam theo một cách nào đó, ông có thể viết cuốn tiểu tuyết Người Việt Nam trầm lặng với Phạm Xuân Ẩn là nhân vật mẫu.

Rõ ràng Phạm Xuân Ẩn có cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết. Nhưng các nhà báo Việt Nam cũng như nhà báo nước ngoài mới chỉ được “những chớp đèn flash” những nét thoảng qua nào đó của cuộc đời ông theo những sự kiện lịch sử lớn lao. Chưa ai có được tấm chân dung hay “bản hồ sơ về tâm hồn” với tính cách điển hình Việt Nam. Các thành tích của ông đã khắc ghi bằng danh hiệu Anh hùng cao quý do nhà nước tặng. Nhưng điều gì, hoàn cảnh nào đã tạo nên một người Việt đặc sắc như thế?

Đó là nỗi niềm mong ước của tôi, khi lưỡng lự bấm chuông một ngôi biệt thự ở vào vị trí rất đẹp nhưng chỉ vào hạng xoàng trên đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn. Tôi không thể đủ điều kiện viết về ông theo cách chuẩn xác của những điệp vụ. Càng không muốn liệt kê theo các bản khai lý lịch đơn thuần. Tôi muốn tìm ra cái chất “Người Việt trầm lặng” mà Morley hình dung, hoặc là chất honor trong cuộc đời ông mà Peter Ross Range đề nghị. Nhưng sau hết, tôi muốn mọi người Việt Nam được đón lấy những gì dịu dàng nhất, can đảm nhất, yêu thương tươi cười nhất, từ cuộc đời của một con người cao gầy, mỏng manh như cây sậy. Sức mạnh của con người ấy được lấy từ mỏ năng lượng quý báu và thần diệu nào đã ban cho? Nếu như bạn đọc nào ao ước cùng tôi điều đó thì hãy đọc cuốn sách này. Nó là một phần chân dung để chúng ta tự hiểu, hình ảnh người Việt cao quý giống như chúng ta đang vẽ ra bản đồ của một tâm hồn. Một việc thật khó làm!

Được gặp ông, nếu như có hình ảnh nào có thể liên tưởng từ cuốn sách của Morley thì đó là cái dáng ông Ẩn lòng khòng nay gầy thêm và khô đét. Tôi để ý xem có đúng là ông mang cặp kính dày cộp trông giống trí thức gia thường gặp nơi các quán café quanh khu đại học Sorbonne không, nhưng tất nhiên là không hình dung ra, bởi tôi chưa hề đến Pháp. Ông có thói quen gỡ kính ra khi nói và đeo vào khi lắng nghe không? Tôi cũng cố hình dung ra cái góc bàn nơi Morley ngồi và đã mô tả từ chiếc máy chữ xách tay cũ kỹ hiệu Oliveti để nơi góc bàn. Ông không có điếu thuốc Lucky Strike kẹp giữa những ngón tay xương. Trên mặt bàn thấp giữa sofa và hai ghế ngồi, ông cũng không bày các ly với chai Whisky White Horse và xô nước đá như khi tiếp Morley.

Nhưng nhận xét của Morley khi nói rằng: “Anh ta nói chuyện duyên dáng thoải mái với phong cách của một thi nhân” thì vẫn luôn luôn đúng. Chính ở căn nhà này, ông Ẩn đã cùng hai con chó quấn quýt dưới chân để đưa tiễn Morley ra xe. Morley cũng nói rằng Ẩn đã sống những cuộc sống rất đặc biệt, tại sao không viết ra. Đó sẽ là cuốn sách rất hấp dẫn, và cũng là cuốn sách quan trọng nữa. Ông Ẩn trả lời: “Trong những năm tôi làm phóng viên, không ai bảo tôi phải làm gì ở hãng thông tấn Reuters hoặc Time. Tôi đã quá già để học thêm những luật lệ mới rằng điều gì cho viết điều gì không. Tôi e rằng những ngày làm phóng viên của tôi đã qua rồi”.

Không biết tới hôm nay, những năm cuối cùng của thế kỷ 20 này, liệu lời từ chối ấy của ông có lặp lại, và tôi sẽ thất bại hay không. Điều này khiến tôi thật sự lo lắng khi đã ngồi ở bộ sofa, chuẩn bị cuộc trao đổi. Đôi bàn tay xương của ông rót nước trà. Cái bình trà cũng ngộ nghĩnh: ở gần vòi của bình, có đeo một chiếc rổ nhỏ xíu bằng kim loại, làm nhiệm vụ giữ lại những sợi bã chè nhỏ theo dòng nước chảy xuống, không cho chúng rơi vào tách trà mời khách.

Tất nhiên là ông lại từ chối việc viết sách. Đã từ lâu ông ít bộc lộ mình với giới báo chí. Nhưng ông không nói rằng do cái gì là luật lệ kiềm chế hay không. Ông nói như giải thích để mong nhận được sự thấu hiểu:

- Nghề tôi có hai cái kỵ: Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết. Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối.

- Như vậy thì không bao giờ nhân dân, người đọc rộng rãi biết được cụ thể chiến công của anh là gì và làm thế nào anh có được nguồn tin tình báo?

- Đúng vậy.

- Ngay cả khi cuộc chiến tranh qua đi đã mấy chục năm, nhiều tư liệu, nhiều sự thật rắc rối bí ẩn cũng đã được đưa ra ánh sáng, lên báo chí và phim ảnh?

Ông quay ra than phiền rằng trước đây có một nhà báo được ưu tiên tiếp xúc tài liệu và ông đã ra sức can thiệp để không đưa lên công khai, nhưng cuối cùng ngăn không được. Đấy là một sự kiện khiến ông phiền lòng nhất.

- Tôi hứa gì, giữ đúng. Bao nhiêu năm sau cũng vậy. Có phải điều gì cũng viết ra hết cả đâu. Cái nghề tình báo nó vậy, đừng ai đụng tới. Những chuyện thất bại, đổ bể mới kể ra. Thế giới, hoặc Mỹ nó cũng vậy. Cái nào êm cho êm luôn.

- Nhưng ở Mỹ người ta cũng viết về những trường hợp tình báo chống Anh. Còn những cuốn Tass được quyền công bố,Hội tam hoàng hoặc Người từ xứ lạnh đến của John Care và cả Người không có mặt của tác giả Đức?

- Thì nói tượng trưng thế thôi. Hoặc như Graham Greene (tác giả Người Mỹ trầm lặng) ông ta là tình báo Anh Thế chiến thứ hai. Daniel Defoe viết Robinson cũng là một tay tình báo giỏi… Thông thường thì ít ai đụng tới viết về những gì tình báo làm. Lâu lâu lòi ra một trường hợp bị đổ bể, người ta mới viết…

Có vẻ như lý lẽ này của ông không được vững cho lắm, dù trong nghề của ông, người ta hành xử như vậy. “Lấy làm nhân vật tiểu thuyết thì nhiều hơn”. Ông Nguyễn Khải có viết hai cuốn tiểu thuyết lấy mẫu từ Phạm Xuân Ẩn, thì ông không lo lắng gì. Tiểu thuyết hư cấu mà. Còn với tay nhà báo mà ông phiền lòng kia, lại viết hết ra những “đồ” mà ông lấy được, kể tỉ mỉ cả những nguồn cung cấp tin…

Nó tai hại ở chỗ nào?

- Thường người viết cứ cho rằng viết ra những tài liệu lịch sử. Nhưng người ta tốt với mình, dù là họ vô tình không biết mà mang lỗi với công việc của họ, tổ chức của họ. Người ta giúp mình những việc nguy hiểm. Sao lại đưa người ta ra?

Thì ra là vậy - Ở đây có nguyên tắc sống, thái độ ứng xử, sự trung thành với con người chứ không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật. Ông giữ nguyên tắc sống này cho vĩnh viễn. Bảo vệ nguồn tin mãn đời. Đến hôm nay, sau cuộc chiến tranh đã lâu, có cả lứa sinh viên trẻ nghiên cứu khoa học Mỹ sang Việt Nam, ngay đó là con trai một thống đốc bang sang liên hệ tài liệu để làm luận án, ông cũng từ chối ngay.

“Mình xài đồ. Nếu nay dù họ có chết đi rồi, cũng không nên nói họ ra. Mình viết ra, con người ta lại trách con mình sao? Lối cư xử Á Đông, ông bà mình dạy, không thể xong việc mình rồi thì mặc kệ việc người”. Rõ ràng ông giữ một nguyên tắc sống, nguyên tắc cư xử của con người được giáo dục về nhân văn rất kỹ. “Có được một người bạn là khó khăn lắm, công phu lắm. Một người quan hệ bao lâu mới thân, bao lâu mới đủ tới mức họ giúp đưa đồ, đâu phải dễ. Có cả những người bạn tốt, tin cậy tới mức đưa máy bay rước tôi lên Buôn Mê Thuột đọc tài liệu. Nay dù chiến tranh đã qua rồi nhưng các thế hệ lãnh đạo của nước Mỹ đều ít nhiều dính vô chiến tranh Việt Nam. Đám đẻ sau Thế chiến thứ hai là dính vô Việt Nam đủ các lĩnh vực. Hội chứng này nặng lắm. Cho nên những mối quan hệ sâu sắc giúp mình làm nhiệm vụ, mình không thể nói người ta ra. Lúc giúp mình, người ta tin rằng đã giúp tài liệu cho một nhà báo để xài tài liệu phân tích hiểu biết thời cuộc. Mình không thể làm hại đến họ bất kể kiểu gì”.

Ông đã nghĩ tới nguyên tắc của nghề, và nguyên tắc sống. Chỉ có hiểu ông điểm này mới biết vì sao ông oán tay nhà báo nọ. Mình kể nguồn tin ra, Mỹ nó sẽ truy người ta liền, dù là chuyện qua đi đã lâu. “Ổng đòi đăng, tôi không chịu mà không can thiệp được. Lệnh trên là phải cung cấp tài liệu cho nhà báo đặc biệt đó để phục vụ công tác chung. Nhưng đăng lên thì không được. Tôi có can thiệp nhờ ông Mười Hương lúc đó, nhưng ông Mười Hương đứt mạch máu não là ông này chơi liền. Thế mới đau…”. Không phải chỉ đau về nguyên tắc sống giữ gìn sự trong sạch của nghề, một lý do ông không muốn nói hết công việc đã làm là: Ông tự nhận “có tật” luôn luôn nhìn tới chứ không nhìn lui. Tương lai của mình là do mình quyết định hiện tại. Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi, ngoái lại sau lưng để làm gì. Mình không thể làm thay đổi quá khứ được.

Ông thường nói: “Bệnh người già là hay nói chuyện cũ. Cuộc sống bây giờ lại găng lắm. Ngày xưa cá nhận xuồng, nhắc vô kho. Vài con trùn, nhái rê rê là có cá ăn. Nay đấu kinh tế thị trường dữ lắm. Người già sống buồn thất nghiệp, tụi trẻ ưa nói cái mới. Kể chuyện mình cũ xì tụi trẻ nó không thích đọc đâu”.

Ông đùa hay ông nói nghiêm chỉnh? Tôi tự hỏi: Có thể nào tụi trẻ nó không thích nghe những chuyện như cuộc đời ông Ẩn?

(còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên