30/03/2013 11:47 GMT+7

Chặn dòng vốn "đắng"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bên cạnh những tác động tích cực của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không thể phủ nhận, thời gian qua VN cũng đã phải hứng chịu nhiều “quả đắng” từ vốn FDI như vụ Vedan xả thải, hiện tượng chuyển giá, doanh nghiệp chiếm đất rồi bán lại dự án, hay nghi vấn nhiều nhà máy công nghệ thấp, dễ thấy là ximăng, thép..., vào VN chỉ để tận dụng điện giá rẻ của VN rồi xả khói gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế những tồn tại của việc thu hút FDI thời gian qua cần chỉ rõ một nguyên nhân quan trọng chính là từ cơ chế. Như vấn đề dư luận bức xúc về những dự án gây ô nhiễm môi trường thì VN đã có cơ chế thẩm định dự án, nhưng lại... chưa có nội dung yêu cầu giải trình về công nghệ. Hay từ quý 4-2006, Chính phủ đã giao chính quyền địa phương và ban quản lý các dự án của tỉnh cấp phép các dự án FDI (trừ một số dự án chuyên ngành và dự án lớn có tầm quan trọng quốc gia). Nên có thực tế nhà máy thép công nghệ Trung Quốc vào bị tỉnh H từ chối do tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ môi trường... Nhưng ngay lập tức, tỉnh T lại đồng ý. Bởi ai cũng biết, dự án này dù thế nào cũng sẽ giúp làm đẹp các bản báo cáo của tỉnh, như: nâng cao số vốn FDI vào tỉnh, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng GDP, tăng thu thuế... Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đã phải thốt lên: có tỉnh chạy đua cạnh tranh thu hút FDI, thậm chí thu hút cả dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến... an ninh quốc gia.

Theo GS Nguyễn Mại - chủ tịch Hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không đảm bảo điều kiện cần thiết, có các dự án ximăng, sắt thép quy mô lớn được địa phương cấp phép... không phù hợp với quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ. Từ khi phân cấp quyền cấp phép dự án FDI, dù có địa phương vi phạm pháp luật do vượt quá thẩm quyền nhưng chỉ bị “nhắc nhở”, không có cá nhân nào bị xử lý. Vì vậy, ông Nguyễn Mại cho rằng có nhiều phương án, trong đó cần có phương án chỉ cho chính quyền địa phương cấp phép các dự án có vốn đến 50 triệu USD, còn lại Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp phép.

VN luôn định hướng thu hút dự án FDI có công nghệ cao, nhưng thực tế số dự án này chỉ chiếm khoảng 5-6% chứng tỏ VN cần cơ chế ưu đãi công nghệ cao mạnh, linh hoạt hơn. Trong khi VN đang đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng như thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, hiện đại hóa... thì với hơn 90% doanh nghiệp dùng công nghệ trung bình trở xuống, thật khó đạt mục tiêu nhanh nếu không thay đổi.

Dự án FDI không chỉ là trái ngọt, nên cần cơ chế sàng lọc để tránh trái đắng, trái độc. Cần quy định rõ nội dung giải trình về công nghệ như điều kiện bắt buộc khi nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư để có thể ngăn chặn ngay từ đầu những công nghệ thấp, lạc hậu; tránh khi gây hậu quả người dân mới biết và khi đó cũng không ai chịu trách nhiệm. Những bài học hạn chế ảnh hưởng xấu của vốn FDI đã được nêu ra nhiều, như thỏa thuận cơ chế tính giá để chống chuyển giá trước khi cấp phép... cần được nghiên cứu triển khai nhanh. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của cấp trung ương trong cấp phép đầu tư. Bởi chừng nào thu hút đầu tư ở VN vẫn nặng về thành tích lấp đầy khu công nghiệp, thì sẽ khó tránh tình trạng nhiều tỉnh đạt thành tích cao trong thu hút FDI, nhưng với xã hội thì chi phí môi trường, sức khỏe người dân... có thể còn lớn hơn nhiều những giá trị mà dự án FDI đem lại.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên