20/06/2021 06:46 GMT+7

Chấm dứt đại dịch COVID -19: Không chỉ vắc xin, phải có thuốc!

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Sau vắc xin, thuốc kháng virus có thể giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 và chuẩn bị ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai. Nước Mỹ đang đặt hy vọng vào 'vũ khí' này.

Chấm dứt đại dịch COVID -19: Không chỉ vắc xin, phải có thuốc! - Ảnh 1.

Bác sĩ Anthony Fauci của Mỹ mong đợi sẽ đến một ngày nào đó bệnh nhân COVID-19 có thể mua thuốc kháng virus từ hiệu thuốc để trị bệnh - Ảnh (minh hoạ): GETTY

Rõ ràng vắc xin vẫn giữ vị trí trung tâm trong kho vũ khí của chúng ta chống lại COVID-19, nhưng thuốc kháng virus có thể là thứ bổ sung quan trọng cho các vắc xin hiện có.

Bác sĩ ANTHONY FAUCI, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đánh giá.

Tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi 3,2 tỉ USD để đẩy nhanh phát triển thuốc kháng virus điều trị COVID-19 và các bệnh khác. Năm ngoái Washington đã đầu tư hơn 18 tỉ USD, giúp các hãng dược trong nước sản xuất vắc xin với tốc độ kỷ lục.

Lấp đầy khoảng trống

Kế hoạch có tên "Chương trình thuốc kháng virus dành cho các đại dịch", được Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ công bố hôm 17-6. Chương trình mới giúp tăng tốc các cuộc thử nghiệm lâm sàng với một vài loại thuốc nhiều triển vọng.

Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, một số thuốc trong đó có thể sẵn sàng sử dụng trước cuối năm nay. Chương trình cũng hỗ trợ nghiên cứu các thuốc hoàn toàn mới, không chỉ điều trị COVID-19 mà còn để đối phó các đại dịch trong tương lai.

Trước đây, nhiều loại virus khác như cúm, viêm gan C có thể được điều trị bằng thuốc viên. Tuy nhiên, với virus gây bệnh COVID-19, mặc dù đã hơn một năm nghiên cứu, đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào như vậy khả dụng.

Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã đầu tư nhiều tiền vào vắc xin hơn là thuốc điều trị. Điều này tạo ra khoảng trống mà chương trình mới vừa nêu dưới thời ông Biden muốn lấp đầy.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói ông mong đợi sẽ tới lúc các bệnh nhân COVID-19 có thể mua thuốc kháng virus từ các hiệu thuốc ngay khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc có triệu chứng bệnh.

Sự ủng hộ của bác sĩ Fauci dành cho việc nghiên cứu thuốc kháng virus điều trị COVID-19 bắt nguồn từ kinh nghiệm của ông trong cuộc chiến chống HIV/AIDS cách đây 3 thập niên. Vào những năm 1990, viện nghiên cứu của ông Fauci đã góp phần tìm ra một số thuốc kháng virus đầu tiên để đối phó HIV.

Nỗ lực tìm thuốc đặc trị

Vào giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, các bác sĩ, nhà nghiên cứu đã thử dùng nhiều loại thuốc kháng virus đã có để điều trị những bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm lúc đó đã không cho thấy lợi ích vượt trội từ những thuốc này.

Tới lúc này, các nhà khoa học hiểu rằng khoảng thời gian tốt nhất để ngăn chặn COVID-19 là trong những ngày đầu phát bệnh.

Theo báo New York Times, đến nay chỉ một loại thuốc kháng virus đã chứng minh được lợi ích rõ ràng với các bệnh nhân nhập viện - đó là remdesivir.

Thuốc này ban đầu được phát triển để trị bệnh do virus Ebola gây ra. Tháng 10 năm ngoái, remdesivir trở thành thuốc kháng virus đầu tiên (và duy nhất tới nay) được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, remdesivir không gây được ấn tượng với nhiều nhà khoa học. Tháng 11-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 nhập viện bất kể mức độ nghiêm trọng.

Nhiều nước đeo đuổi tìm thuốc đặc trị

Hiện nay, giới khoa học trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục thử nghiệm các thuốc kháng virus điều trị COVID-19. Các công ty như Pfizer (Mỹ), Roche (Thụy Sĩ) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) đang thử nghiệm thuốc kháng virus để điều trị bệnh này. Cuộc đua tới nay đã có cả những thành công và thất bại.

Tuần này, Hãng AstraZeneca thông báo thuốc AZD7442 chỉ đạt khoảng 33% hiệu quả điều trị trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Điều này đã không được như kỳ vọng và hãng sẽ tiếp tục thử nghiệm.

Trong khi đó, hôm 14-6 Hãng dược Celltrion của Hàn Quốc công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên toàn cầu loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể do tập đoàn này bào chế có tên Rekirona.

Kết quả cho thấy Rekirona rút ngắn đáng kể thời gian hồi phục và làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng ở người bệnh COVID-19. Celltrion tuyên bố thuốc của họ giúp giảm 54% nguy cơ bệnh nặng thêm so với những bệnh nhân không dùng thuốc.

Một ứng viên tiềm năng khác là thuốc kháng virus molnupiravir dạng uống được Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và đối tác Ridgeback Biotherapeutics hợp tác phát triển. Tuần trước, Chính phủ Mỹ công bố sẽ chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc molnupiravir nếu cuộc thử nghiệm hiện nay cho thấy thuốc có tác dụng và được phê duyệt.

Giúp chấm dứt đại dịch

Nhà nghiên cứu Daria Hazuda tại Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Merck của Mỹ cho rằng ngay cả khi đã có vắc xin COVID-19, thuốc kháng virus đường uống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chống lại COVID-19 để từ đó chấm dứt đại dịch này, theo báo Washington Post.

Nhiều quốc gia tới nay vẫn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, chưa kể vắc xin không phát huy tác dụng với tất cả mọi người. "Như chúng ta đang thấy, virus có thể biến đổi. Tôi nghĩ với việc các biến thể đang xuất hiện, hiệu quả của vắc xin với các biến thể trong tương lai là một câu hỏi bỏ ngỏ", bà Hazuda nói.

Các nước châu Á có thể nhận vắc xin của Pfizer, Moderna từ Mỹ thay vì AstraZeneca Các nước châu Á có thể nhận vắc xin của Pfizer, Moderna từ Mỹ thay vì AstraZeneca

TTO - Vì không có đủ lượng vắc xin AstraZeneca, Mỹ dự định thay hàng chục triệu liều vắc xin này bằng các loại khác như Pfizer, Moderna, BioNTech, Johnson & Johnson trong chương trình chia sẻ vắc xin COVID-19 cho thế giới.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên