09/02/2022 16:42 GMT+7

Cha mẹ cần chuẩn bị gì để trẻ quay trở lại trường tốt nhất?

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Từ ngày 14-2, khoảng 1 triệu trẻ mầm non, tiểu học ở TP.HCM quay trở lại trường sau thời gian dài gián đoạn để phòng dịch COVID-19. Cha mẹ cần chuẩn bị như thế nào để trẻ quay trở lại trường tốt nhất?

Cha mẹ cần chuẩn bị gì để trẻ quay trở lại trường tốt nhất? - Ảnh 1.

Trẻ cần được tập dần thói quen để trở lại trường. Trong ảnh: cô trò Trường mầm non Mặt trời nhỏ (Bình Tân) - Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Chuyên gia tâm lý, TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thời điểm này là thích hợp để gia đình chuẩn bị cho trẻ thích ứng lại với môi trường ngoài xã hội, môi trường học đường.

Đầu tiên, cha mẹ, người lớn cần nói với trẻ về thời điểm trẻ trở lại trường học và hỏi trẻ về những ký ức trước đó khi đến trường. Có thể là ngày đến trường mấy buổi, đến trường phải thực hiện những việc gì, học tập và ngồi như thế nào, quy định ở trường ra sao…

Qua trao đổi với trẻ, cha mẹ, người lớn sẽ hiểu trẻ nắm bắt quá trình đó như thế nào, những ký ức đó còn thiếu những điều gì… Và cha mẹ, người lớn cần giải thích cho trẻ đến trường mang lại cho trẻ những hữu ích gì, trẻ được chơi ra sao và học thêm những điều gì hay.

"Quan trọng nhất là cha mẹ cần truyền cho trẻ tình yêu với trường lớp; khơi gợi những câu chuyện trong quá khứ để kết nối tâm trí trẻ với ngôi trường nhiều kỷ niệm và có bạn bè trước đó" - TS Ngô Xuân Điệp nói. 

Sau khi đã nói chuyện với trẻ về những ngày sắp tới, gia đình bắt đầu lại các thói quen sinh hoạt để trẻ thích ứng với việc đến trường những ngày tới. Cụ thể, cha mẹ cần từ từ đưa con vào thời gian biểu quy định như tập thức dậy sớm. Mỗi ngày sớm hơn một ít, để trẻ không bị "sốc" và khó thực hiện.

Việc ngồi học trực tuyến ở nhà lâu sẽ khiến nhiều trẻ lười vận động. Một số trẻ có thể quen với việc sử dụng điện thoại, chơi game, ngại giao tiếp… Vì thế, gia đình cần theo dõi và chỉnh đốn lại các thói quen này để trẻ bước vào học trực tiếp dễ dàng hơn.

Để trẻ thích vận động hơn, cha mẹ và gia đình cần cho trẻ cùng ra ngoài, đi chơi hoặc đi du lịch, cả nhà cùng tham gia hoạt động để trẻ trở nên năng động khi trở lại trường học.

Đây cũng là thời điểm cha mẹ cần tách trẻ từ từ khỏi các thiết bị điện tử, các trò chơi qua mạng, chơi game… Việc này cần thực hiện từ từ, theo giới hạn thời gian cho phép, để trẻ không phản ứng mà hợp tác với người lớn trong cải thiện thói quen của bản thân.

Để hạn chế việc trẻ ngại giao tiếp khi đến trường hoặc chỉ thích tương tác với điện thoại, màn hình, máy tính, thời gian này gia đình nên tăng cường trao đổi, nói chuyện về các vấn đề trường lớp, bạn bè của các con và người lớn cũng nên hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, màn hình làm gương cho trẻ. Đồng thời có thể cùng trẻ kết nối với bạn bè ở trường để các con kết nối trở lại với nhau.

Ngoài những vấn đề trên, vấn đề chơi ở trường ra sao cho an toàn, đi lại thế nào cũng cần được cha mẹ, người lớn quan tâm, hướng dẫn lại cho trẻ, nhất là với những trẻ tự đến trường. Sau một thời gian dài không đi lại xe đạp, đi bộ… cha mẹ cũng cần có thời gian chuẩn bị xem các kỹ năng này của con như thế nào và tập luyện, hướng dẫn lại cho trẻ.

Đồng thời, việc chơi ở trường như thế nào cũng cần được hướng dẫn lại. Vì trẻ con dễ nhớ nhưng cũng nhanh quên, nhất là một thời gian dài trẻ ở trong nhà, ít tương tác với xã hội như thời gian qua.

Những quy định lưu ý của nhà trường cần được giáo viên hướng dẫn. Trong trường hợp cha mẹ muốn hướng dẫn trước có thể hỏi giáo viên để đồng hành với con tốt hơn trong việc trở lại trường.

Khác với những lần nghỉ học trước đây, việc nghỉ học vì dịch bệnh thời gian qua diễn ra quá dài, chắc chắn sẽ khiến rất nhiều trẻ bỡ ngỡ khi quay trở lại trường. Trong đó, có việc trẻ phải quen với đeo khẩu trang, thực hiện quy tắc 5K. 

Để trẻ nghiêm túc thực hiện 5K, cha mẹ cũng có thể góp phần hình thành thói quen đeo khẩu trang cho trẻ và hướng dẫn trẻ cách đeo vào, tháo ra như thế nào là đúng cũng như trong trường hợp nào cần sự trợ giúp của người lớn (ví dụ, trong trường hợp trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, tập thể thao… mà thấy khó thở thì cần tháo khẩu trang như thế nào…).

"Tuy nhiên, cha mẹ và người lớn đừng quá lo lắng về quá trình con hòa nhập ở trường vì tâm lý chung của trẻ con là rất thích đến gặp bạn bè, thầy, cô, được tới trường, lớp. Chỉ là người lớn làm cách gì để chỉ trong thời gian ngắn việc trở lại trường của con đạt hiệu quả tốt nhất mà thôi", TS Ngô Xuân Điệp nói.

Tránh gây áp lực, quá tải khi học sinh trở lại trường học trực tiếp Tránh gây áp lực, quá tải khi học sinh trở lại trường học trực tiếp

TTO - Ngày 8-2, trong công điện của Bộ GD-ĐT gửi giám đốc các sở GD-ĐT trên cả nước, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lưu ý cần tránh gây áp lực, quá tải khi học sinh trở lại trường.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên