Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25 - Ảnh: K.T.
Sáng 21-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho biết "bất đắc dĩ", ông mới lên tiếng giãi bày chuyện đem gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 dự thi năm 2020.
"Tôi lo tập trung chuyện nghiên cứu, có thời gian rảnh đâu. Kể ra đã hơn 4 tháng trôi qua, tưởng mọi chuyện đã ổn. Nhưng gần đây trên mạng vẫn còn ồn ào chuyện đã đạt danh hiệu hoa hậu rồi còn đi dự thi. Do vậy, tôi đành phải lên tiếng", ông Cua chia sẻ.
Ông Cua cho biết chỉ mới 4 ngày sau khi hưởng niềm vui đoạt giải nhì thế giới (7-12-2020), ông thực sự rất sốc khi trên mạng có bài phê bình sự kiện đem gạo hoa hậu gạo thế giới 2019 - ST25 đi thi.
"Gần đây lại nhắc tới, buộc tôi phải xới lên chuyện cũ vì tầm ảnh hưởng của 'quan điểm người viết' vẫn còn tác động tới nhiều người, một công việc mang tính 'chuyên môn', nếu hiểu sai có thể gây di hại về sau rất lớn", ông Cua cho biết.
Ngon cho ra ngon
Theo ông Cua, việc chọn tạo giống và thi gạo với quan điểm "chọn tạo giống ngon cho ra ngon, thơm cho ra thơm" được nhóm nghiên cứu thực hiện từ hơn 20 năm về trước đã tận lực tìm kiếm nguồn gen để lai tạo. Một trong những may mắn là có được nguồn gen từ giống lúa Tám Hải Hậu có mùi thơm cốm, từ một dự án do Viện Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) tài trợ.
"Sau khi được chiếu xạ từ Viện Nguyên tử Đà Lạt, giống này phân ly ra nhiều dòng khác nhau và đều thành giống lúa thơm ngắn ngày (dù năng suất rất thấp) nên dễ lai tạo. Tiến sĩ Lê Xuân Thám đã mang bộ giống này xuống đồng bằng và tới gần cuối đất nước hình chữ S này mới có người nhận hợp tác.
Cơ duyên đó đã tạo nên những giống lúa ST19, 20 nổi tiếng một thời sau khi dò dẫm đi sản xuất thử từ năm 2008. Với công trình này, anh Trần Tấn Phương - một thành viên của nhóm nghiên cứu - đã bảo vệ xuất sắc luận văn tiến sĩ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội năm 2011. Trên nền tảng đó, từ lúc ST19 và ST20 đưa ra sản xuất thử, tôi đã đầu tư, chủ trì lai tạo nâng cấp. 11 năm sau (2008 - 2019), được Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn công nhận".
Ông Cua cho biết hàng ngàn dòng lúa đã được phân tích mùi thơm, hàng trăm loại cơm đã được nếm thử, hàng ngàn tấn lúa đã được xay xát thăm dò ý kiến khách hàng. Các cuộc thi nội bộ đã được tổ chức sau từng vụ thu hoạch, một cuộc thi do tỉnh tổ chức và hai cuộc thi do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức, 4 lần dự thi quốc tế liên tục từ 2017 đến 2020 và 4 lần đều được xếp hạng cao nên gạo thơm Việt Nam lọt vào top đầu gạo ngon nhất thế giới.
Ông Cua cho biết "vấn đề rất hay mà tiến sĩ Vallop Manathanya - chủ tịch Công ty Bangsue Chiameng (Thái Lan) - đặt ra cho chúng tôi trong chuyến thăm ngày 16-1-2020 (chỉ vừa mới hơn 2 tháng sau khi chúng tôi trở về từ Philippines) là: "Vì sao gạo của các anh (ST25) lại đoạt giải cao hơn gạo Thai Hom Mali?".
Vị giám đốc trên đặt ra câu hỏi này là vì người Thái luôn xem gạo thơm của họ là số một thế giới.
Tôi trả lời đó là nhờ "tính khác biệt". Gạo Thái chỉ có mùi thơm lá dứa, còn gạo ST25 của chúng tôi vừa có mùi thơm lá dứa, vừa có mùi thơm cốm. Chưa kể gạo thơm ST24 và ST25 của chúng tôi có độ bền thể gel (thể hiện sự ưa chuộng của người dùng) là 90mm +/-1mm hơn hẳn gạo thơm Thái 13%".
Ông Cua cho biết "sau nhiều lần tổ chức vòng thi nội bộ chúng tôi đều chỉ chọn loại ngon nhất, đặc sắc nhất để dự thi các vòng cao hơn, chưa kể chúng tôi luôn luôn chú ý các đặc tính khác như chu kỳ sinh trưởng, tính chịu mặn, tính kháng đổ ngã, tính kháng bệnh, năng suất lúa, mức độ yêu thích của người tiêu dùng để tạo nên tính bền vững của giống lúa khi phóng thích ra sản xuất.
Tổ chức TRT (viết tắt của The Rice Trader) phối hợp với ICI (International Commodity Institute) đều là các tổ chức thương mại nên họ rất lưu ý đến các yếu tố sản lượng, doanh số để thúc đẩy thương mại lúa gạo toàn cầu, cho nên chúng tôi chỉ chọn dự thi một giống ngon nhất".
Yếu tố bền vững
Ông Cua cho biết giống có tính bền vững nhất có yếu tố quan trọng. Theo ông, nếu giống có đặc tính thơm ngon nhưng thiếu tiềm năng phát triển (ví dụ như dễ đổ ngã) mà đem dự thi quốc tế, nếu đoạt giải mà sau đó không có doanh số trên thương trường quốc tế thì chỉ làm hại mình thôi.
"Do tính chất của thi quốc tế chỉ là chọn loại ngon nhất để trao giải cho nên không dự thi theo cơ cấu "mặt trận" vì nó kéo kết quả xuống chứ không nâng lên", ông Cua cho biết.
Ông Cua nêu vấn đề, có nên thay đổi giống dự thi không?
Theo ông, giống thơm ngon là tinh túy của quốc gia. Thơm, ngon, mềm, dẻo không phải tất cả mọi người đều chuộng. Tuy nhiên nó vẫn được xem là tinh túy, là biểu tượng để xây dựng thương hiệu quốc gia.
"Hơn 60 năm qua, sau cuộc bình chọn công phu kéo dài nhiều năm, giống lúa Khao Dawk Mali vẫn là 'duy ngã độc tôn' của Thái Lan. Qua 12 năm tổ chức thi gạo ngon nhất thế giới, các nước lừng danh về gạo thơm mùi dứa vẫn gởi dự thi một giống: Thái Lan đoạt giải nhất sau 6/12 lần dự thi, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần, Myanmar 1 lần, Việt Nam 1 lần. Việt Nam là nước đầu tiên được xếp hạng nhì với ST25, trước đó chỉ là hạng nhất sau đó là top 3.
Nếu cứ thay đổi giống để đi thi, làm sao xây dựng nền tảng sản xuất để kinh doanh, chả lẽ lấy giống đã được đánh giá thấp hơn đi thi sao?", ông Cua giãi bày.
Bị "ném đá"
"Tôi đau đầu với ngôn từ trên mạng", ông Cua chia sẻ.
Ông cho biết "20 năm trước, khi bắt đầu chương trình chọn tạo lúa thơm, bản thân tôi cũng đã bị "ném đá" rất nhiều, cũng may là mạng xã hội chưa phát triển ở Việt Nam, nhưng đó là một bài học để ông trui rèn ý chí, tổ chức công việc tốt hơn và giải pháp duy nhất là im lặng, nhẫn nhục lo công việc cho tới ngày hôm nay".
"Cách đây hơn bốn tháng, tôi đang vui mừng vì kết quả thi quốc tế, vừa nghe những lời vinh danh trên cuộc họp trực tuyến đã được vài hôm thì lại được xem trên mạng những lời thô tục, hạ cấp nhất của một số người nổi tiếng. Nhưng do bản thân tôi đã chịu như thế ít nhiều nên cũng chịu đựng được", ông Cua chia sẻ.
Ông cho rằng lần này ông giãi bày qua bốn lần dự thi quốc tế, ông đã dày công tìm hiểu thể lệ của họ và đã làm đúng như tất cả các nước khác đã làm. Các nước không tổ chức thi nội bộ nữa mà mỗi năm đến cuối quý 3 khi The Rice Traders thông báo cuộc thi, hiệp hội lương thực hoặc liên đoàn lúa gạo của họ lại gửi mẫu dự thi của cùng một giống đã được khẳng định giá trị, chất lượng và đã tạo dựng được ít nhiều niềm tin của khách hàng trên thế giới dựa trên số lần đoạt giải quốc tế.
"Tôi khẳng định, tôi là người chủ động hoàn toàn trong việc đưa giống dự thi quốc tế trên cơ sở kết quả thi trong nước và do có sự đồng thuận với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tôi đã ký giấy ủy nhiệm cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam đem gạo ST25 dự thi quốc tế", ông Cua khẳng định.
Ngày nào còn sống, tôi vẫn đem ST24, ST25 đi thi
Nay qua vụ đông xuân, đồng ruộng thanh lọc, nâng cấp ST24 và ST25 để lưu trữ cho đời sau đã xong rồi, tôi phải viết những lời này để xác quyết, ngày nào còn sống tôi vẫn đem gạo ST24 và ST25 đi thi để khẳng định vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam. Tôi làm công việc này theo chuyên môn và cũng không làm khác được và tôi cũng phản bác chuyện dùng "quan điểm cá nhân" để thóa mạ người khác. Tôi chăm chỉ làm vì tôi thích làm, nếu có kết quả cao thì xã hội hưởng nhiều, tôi hưởng được niềm vui cũng như thu hồi công sức đã bỏ ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận