Cây xanh đang có những thay đổi lớn trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - Ảnh: Gunnisson
Cơ chế sinh học của thực vật là hấp thụ cacbon điôxít (CO2) và nhả ra khí oxy (O2). Nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Twente (Hà Lan) vừa phát hiện trong đợt nắng nóng vào cuối tháng 7 vừa qua, rừng ở nước này đã thải ra CO2.
Lượng khí thải CO2 trong những ngày nắng nóng lên tới 60kg trên diện tích rừng bằng một sân bóng đá. Khí thải này tương đương với khí thải CO2 của một người trên chuyến bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến London (Anh)
Vào ban ngày, cây sử dụng ánh sáng mặt trời, nước và CO2 để phát triển, trong khi vào ban đêm, chúng nhả ra CO2. Số cây rừng trên diện tích một sân bóng đá thải ra 4,8 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải hàng năm của hai chiếc xe chạy xăng.
Tiến sĩ Christiaan van der Tol, Khoa Khoa học Thông tin và Quan sát Trái đất (ITC) của Đại học Twente, thành viên nhóm nghiên cứu nói thông thường khi trời quá nóng thì cây cối sẽ phát triển chậm lại, nhưng hiếm khi nóng đến mức cây hấp thụ CO2 và biến nó thành khí thải.
Sau đợt nắng nóng, cây rừng lại quay lại phát triển bình thường, nhả O2 và hấp thụ CO2. Nhưng tình hình có thể tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, khí hậu tăng lên và các đợt nắng nóng khắp thế giới đang kéo dài.
Điều này buộc các nhà khoa học phải nghiên cứu sâu rộng hơn về việc các loài cây rụng lá, lá kim khác trên toàn thế giới có nhả ra khí CO2 như ở Hà Lan hay không và tìm cách thay đổi cây trồng rừng nhằm giúp các nhà quản lý rừng phản ứng tốt hơn với khí hậu thay đổi.
Cây xanh đóng vai trò rất lớn trong việc điều tiết khí hậu toàn cầu. Những khu rừng được coi như lá phổi xanh của Trái đất. Biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng hơn, khí hậu tăng và cây cối cũng phản ứng lại với sự thay đổi đó để thích nghi.
Tuy nhiên, chiều hướng thay đổi này sẽ không tốt cho bầu khí quyển. Điều gì sẽ xảy ra khi lá phổi xanh ấy không còn, hoặc còn mà không nhả O2 nữa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận