Cây giáng hương trong rừng phòng hộ thời điểm đang bị đào - Ảnh: KLCC
Cơ quan chức năng khẳng định việc đào cây giáng hương khi đang sinh trưởng là vi phạm pháp luật.
Cổ thụ quý hiếm… biến mất
Người dân địa phương cho biết lâu nay tại tiểu khu 59, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có một cây giáng hương cổ thụ mọc tự nhiên, thuộc quản lý của Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nhưng không hiểu sao gần đây có một nhóm người mang máy móc, phương tiện đến đào đi trước sự chứng kiến của nhân viên bảo vệ rừng.
Vụ việc chỉ được phát hiện gần đây khi người dân đã chụp ảnh, quay phim nhóm người đào cây và tung lên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 10-8, một nhóm người đến khu vực có cây giáng hương, đào đất dưới gốc cây để bứng. Lúc này, ông Trần Hoàng Nam (nhân viên bảo vệ rừng) phát hiện nên ngăn cản không cho đào.
Đồng thời ông Nam gọi điện thoại cho ông Nguyễn Hoàng Ân (trưởng nhóm bảo vệ rừng) để thông báo sự việc, nhưng ông Ân không có mặt. Ông Nam báo cho một phó nhóm bảo vệ đến hiện trường.
Tại đây, hai nhân viên bảo vệ rừng yêu cầu nhóm người trên dừng đào cây, giữ nguyên hiện trạng để lập biên bản thì ông Ân gọi điện thoại nói để họ đào vì đã có giấy phép. Tuy nhiên, ông Nam không đồng ý mà yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh.
Nhóm này trình ra một giấy phép tận thu cây có đóng dấu và ký tên của phó giám đốc ban quản lý và phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Mập mờ giấy phép
Trong hồ sơ cấp phép có đơn xin tận thu của ông Nguyễn Văn Năm. Trong đơn, ông Năm trình bày cây giáng hương trên do gia đình ông tự trồng, nằm trên diện tích rừng trồng do ông nhận khoán tại khoảnh 20, tiểu khu 59.
Tuy nhiên, người dân và các nhân viên bảo vệ rừng khẳng định cây này mọc tự nhiên, có tuổi đời hàng trăm năm, việc ông Năm nói do ông tự trồng là sai sự thật.
Bên cạnh đó, theo quy định, cây rừng chỉ được xem xét cho tận thu khi bị chết hoặc gãy đổ. Ðối với cây thuộc nhóm gỗ quý (trường hợp này thuộc nhóm I) phải được sự cho phép của chi cục kiểm lâm và sở NN&PTNT cấp tỉnh.
Đối chiếu với quy định này, việc khai thác cây giáng hương khi đang sinh trưởng là vi phạm pháp luật.
Sự mập mờ trong vụ việc này còn thể hiện qua một số giấy tờ của cơ quan quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Cụ thể: trong bảng kê lâm sản khai thác do phó giám đốc ban quản lý và phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng ký không ghi ngày tháng cho tận thu cây, mà chỉ ghi vị trí cây giáng hương tại lô H, khoảnh 20, tiểu khu 59, cây có đường kính 113,1cm, khối lượng gỗ 3,615m3.
Trong khi đó, tại biên bản kiểm tra cây này trước đó chỉ một tuần thì đường kính của cây này là 115cm, chiều cao 8m.
Trả lời về vụ việc, ông Nguyễn Văn Quang - phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (người ký tên trong giấy phép) - xác nhận có ký vào giấy phép cho khai thác cây giáng hương tại vị trí nêu trên, tuy nhiên chưa ghi ngày tháng cụ thể vì đang trong thời gian trình lên cơ quan chức năng xin ý kiến.
Ngày 20-9, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho hay đã nhận được báo cáo về vụ việc.
Đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm cây giáng hương bị mất, trước mắt sẽ trích xuất camera an ninh xung quanh khu vực để xác minh, từ đó có căn cứ để xử lý nếu có sai phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận