15/06/2020 09:45 GMT+7

Cây gãy làm chết người: xui phải chịu, khó quy trách nhiệm?

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Những ngày qua liên tiếp những vụ cây xanh ngã đổ, tét nhánh gây tai nạn chết người xảy ra trên địa bàn TP.HCM khiến người đi đường lo ngại về sự an toàn.

Cây gãy làm chết người: xui phải chịu, khó quy trách nhiệm? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ nhánh cây gãy làm chết người trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM chiều 13-6 - Ảnh: TRẦN VĂN THÔNG

Ngoài tác động do thiên nhiên như mưa gió, dông lốc, sâu bệnh, cây xanh trên đường phố tại TP.HCM chịu áp lực lớn từ việc đô thị hóa, giao thông... khiến cây sinh trưởng, phát triển không tốt dẫn đến các sự cố tét nhánh, bật gốc gây tai nạn cho người đi đường.

Vừa vào mùa mưa đã có tai nạn

TP.HCM vừa vào mùa mưa được một tháng đã xảy ra nhiều sự cố cây xanh bật gốc, tét nhánh liên tục trúng người đi đường.

Riêng trong cơn mưa chiều 13-6 với lượng mưa lớn nhất lên đến gần 100mm kèm theo dông gió đã khiến nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố bị bật gốc, tét nhánh làm một người chết và hai người bị thương.

Nạn nhân xấu số là ông T.M.L. (62 tuổi, ngụ quận 10). Trong cơn mưa chiều cùng ngày, ông đang đi trên đường Tô Hiến Thành thì bị một nhánh lim xẹt gãy khỏi thân rơi trúng đường dây điện rồi văng xuống đường đè lên cả người và xe máy khiến ông L. chết tại chỗ.

Theo ghi nhận, vị trí cành cây bị gãy nằm khá cao, cách mặt đất gần 10m, chỗ gãy còn tươi không có dấu hiệu sâu bệnh, mục ruỗng. Người dân khu vực cho hay thời điểm xảy ra vụ việc trên trời đang mưa dông.

Trong cơn mưa này, một cành cây dầu còn tươi khác trên đường 3-2 cũng bị tét nhánh rơi xuống đường khiến người đi đường bị gãy tay.

Qua kiểm tra, phía Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết đây là cây thuộc khuôn viên một phòng khám.

Tuy nhiên đến cuối năm 2019, công ty được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) bàn giao để chăm sóc.

Sở dĩ cây xanh trong khuôn viên nhà dân lại được bàn giao cho cơ quan chức năng chăm sóc vì tuyến đường này có dự án mở rộng, sau khi hoàn thành thì cây xanh này sẽ "nằm" ở vỉa hè.

Đại diện Công ty Công viên cây xanh TP xác nhận đã cắt cành, tỉa nhánh cây xanh này cách thời điểm xảy ra sự cố không lâu.

Vô tư chặt rễ, bức tử cây xanh

Ghi nhận một số tuyến đường tại TP.HCM, không khó bắt gặp hình ảnh cây xanh bị "bức tử" bằng nhiều cách khác nhau.

Thậm chí, trên đường phố vẫn còn nhiều cây xanh nằm trong danh mục cấm trồng như một số cây bàng, cây dừa trên đường Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng, quận 2.

Còn tại quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 7... có nhiều gốc cây ven đường đang bị phủ kín bằng ximăng, bêtông.

Một số trường hợp khác bị đóng đinh treo biển quảng cáo, chặt cành vô tội vạ. Việc bị xâm hại cộng với đô thị hóa, bêtông nhiều làm cây xanh bị "ngộp"... là những nguyên nhân khiến nhiều sự cố cây xanh xảy ra khi vào mùa mưa.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Thi, khoa sinh học - công nghệ sinh học Đại học Khoa học tự nhiên - cho biết cây xanh trên các đường phố ở TP.HCM chịu áp lực rất lớn. Bà Thi đưa ra ví dụ khi có sự cố cây xanh bật gốc, dễ thấy nhiều cây dù lớn nhưng bộ rễ rất nông và thưa.

Ngoài ra còn nhiều bất cập khác như đào đường, gắn cáp cứ trúng cây xanh là đơn vị thi công cắt luôn rễ.

"Có thời điểm xảy ra sự cố 5 cây lim xẹt bị ngã một lúc trên cùng tuyến đường, khi đơn vị chức năng tới kiểm tra mới phát hiện phần rễ bên lề đường bị cắt cụt trước đó vài năm để thi công ngầm hóa" - bà Thi chia sẻ.

Ông Lê Công Phương, giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, nhận định hiện tượng "bức tử" cây xanh trong đô thị tại TP.HCM rất nhức nhối. Nhiều cây xanh bị xâm hại thời gian dài (tưới nước sôi, đổ thuốc trừ sâu...) mới phát hiện được do cây không có biểu hiện ngay sau khi bị xâm hại.

Ông Phương đề nghị cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp xâm hại cây xanh trong đô thị để răn đe người dân.

Bị tai nạn do cây xanh: sự kiện bất khả kháng

Theo điều 604 Bộ luật dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do sự cố cây cối gây ra. Nhưng không phải sự cố nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường.

Bởi theo điều 584 bộ luật này quy định sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Sự kiện bất khả kháng được xác định là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được...

Theo đó, nếu đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa, mé nhánh, duy tu... nhưng vì dông gió, sét đánh khiến cây vẫn đổ gãy gây thiệt hại thì được xem là yếu tố bất khả kháng.

Để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người bị hại có lỗi hay không.

S.BÌNH - C.TUẤN

Cây xanh nhà dân nghiêng ngả gọi ai?

Nhiều người dân cho biết khi gia đình có các cây xanh trồng lâu năm nay bị sâu mọt, nghiêng gốc nhưng không biết gọi ai đến xử lý cho an toàn.

Ông Lê Công Phương, giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP, cho biết nếu người dân có nhu cầu có thể gọi đến đường dây nóng của công ty để được tư vấn.

Công ty sẽ cử nhân viên đến nhà để khảo sát tình hình và thỏa thuận với người dân về hướng xử lý. Trường hợp cây xanh đường phố có nguy cơ ngã, đổ thuộc sự quản lý của Nhà nước thì công ty sẽ khẩn trương xử lý.

L.P.

Vợ nạn nhân bị cây xanh đường Tô Hiến Thành đè chết: Vợ nạn nhân bị cây xanh đường Tô Hiến Thành đè chết: 'Mở cửa ra biết chồng bị nạn'

TTO - Gia đình ông L. cho biết ông chăm con gái bị bệnh trong bệnh viện, đến chiều về nhà ăn cơm cùng gia đình, khi gần đến nhà thì xảy ra tai nạn.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên