11/02/2020 09:24 GMT+7

Cậu học trò 0,8 mét 'ham học dữ thần'

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - "Thằng Đèo "gù" đó hả? Dân ở đây ai mà chẳng biết nó, ham học dữ thần. Như người ta chỉ biết con chữ là muốn nghỉ học rồi, nó bị vậy mà học tận đến lớp 12. Thiệt khâm phục ý chí của nó"

Cậu học trò 0,8 mét ham học dữ thần - Ảnh 1.

Võ Ngọc Đèo cùng thầy giáo chủ nhiệm - Ảnh: T.NHƠN

Em muốn trở thành gương cho các bạn giống mình, để thấy rằng người khuyết tật cũng có ích như bao người lành lặn khác.

VÕ NGỌC ĐÈO

Thân hình nhỏ xíu, chỉ cao 0,8 mét với cột sống gù vẹo, nhưng nghị lực sống của cậu học trò nghèo xứ bưng biền khiến nhiều người nể phục. Đèo "gù" đã dũng cảm bước ra khỏi vùng tối nghịch cảnh đời mình...

Võ Ngọc Đèo - học sinh lớp 12 Trường THPT Lấp Vò 2 (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) - đã lan truyền nghị lực sống không đầu hàng số phận.

Không đầu hàng số phận

6 giờ sáng, sau khi chuẩn bị xong cặp vở và lót dạ cấp tốc bằng ổ bánh mì mua đầu ngõ, Võ Ngọc Đèo di chuyển nhanh ra phía sau xe của cha rồi nhoài người ngồi lên yên. Với người bình thường, việc ngồi lên yên xe dễ như lấy kẹo trong túi áo, nhưng với cậu học trò bị chứng bệnh gù vẹo cột sống bẩm sinh thì rất khó nhọc. Do di chứng ảnh hưởng từ căn bệnh quái ác lúc nhỏ, Đèo chỉ cao khoảng 80cm, nặng cỡ 20kg.

Dáng người cậu học trò nhỏ thó, xiêu vẹo khuất gọn sau thân hình của cha. Người dân sống hai bên đường từ nhà đến trường nơi Đèo theo học dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh cậu học trò khuyết tật được cha và ông nội thay phiên nhau chở đi học ròng rã suốt 12 năm qua.

"Thằng Đèo "gù" đó hả? Dân ở đây ai mà chẳng biết nó, ham học dữ thần. Như người ta chỉ biết con chữ là muốn nghỉ học rồi, nó bị vậy mà học tận đến lớp 12. Thiệt khâm phục ý chí của nó" - ông Nguyễn Đình Khanh, người lái xe ôm khu vực chợ Đất Sét (xã Mỹ An Hưng B) gần nhà Đèo, thật lòng chia sẻ.

Hôm tôi tìm Đèo, hỏi người dân quanh khu vực hầu như ai cũng biết về cậu học trò khuyết tật và chỉ rành mạch đường vào nhà em. Từ ông xe ôm đầu ngõ đến cô bán rau trong nhà lồng chợ đều bày tỏ lòng thương mến và khâm phục đối với nghị lực sống của cậu học trò nghèo.

Đèo sinh ra nhỏ xíu, èo ọt tựa như những trái khổ qua, dưa leo đèo ngoài giàn khi hết vụ thu hoạch. Tên Đèo một phần cũng xuất phát từ đó. Ông Võ Ngọc Quyền - cha Đèo - trầm giọng trải lòng: "Đèo là con đầu, sinh được mới vài ngày thì tay chân bắt đầu co rút lại. Do không có kiến thức với lại nghèo khó nên vài tháng sau tui mới lên Bệnh viện Nhi Đồng hỏi dò bác sĩ về bệnh tình của con. Bác sĩ trách sao không đưa nó lên sớm, giờ xương cứng sao chỉnh lại được".

Rồi Đèo nhập viện, cứ mỗi đợt lại nằm điều trị ở Sài Gòn vài tháng. Cha thương Đèo. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng cứ sau mỗi lần ông bán lúa, bẻ xoài thì toàn bộ tiền bạc kiếm được đều dành chữa trị cho con. Tay chân cậu co quắp, bác sĩ phải dùng dây kéo ra, dùng nẹp cố định xương lại. Cha Đèo nhiều lần rơi nước mắt theo những cơn chữa trị đau đớn của con.

Nhiều lần muốn từ bỏ điều trị nhưng không nỡ thấy con tật nguyền suốt đời, ông tiếp tục đưa con lên bệnh viện. "Người ta kéo nó ra nhìn lọt thỏm tội nghiệp dữ lắm. Tui thương một, ông nội nó thương mười! Nghe đâu có bác sĩ hay là lại ẵm thằng Đèo đi chữa với hi vọng nó khỏi bệnh, đi đứng được chút bình thường" - ông Quyền nghẹn ngào.

Cậu học trò 0,8 mét ham học dữ thần - Ảnh 3.

Gặp nhiều khó khăn nhưng Đèo vẫn không ngừng vươn lên - Ảnh: T.NHƠN

Khát khao con chữ

Mỗi lần nghe có đoàn bác sĩ nước ngoài về Đồng Tháp khám bệnh miễn phí, ông Võ Văn The - ông nội Đèo - đều chở đứa cháu khuyết tật đi khám. Bao lần bác sĩ lắc đầu khuyên ông The bỏ cuộc là bấy nhiêu lần ông lặng lẽ chảy nước mắt. "Không chữa được cho Đèo lành lặn như trẻ bình thường thì cũng quyết tập cho nó đi đứng để đời bớt khổ phần nào" - ông The tâm sự.

Ông thuê thợ mộc trong xóm đóng cho cháu chiếc tay cầm, phía dưới có bánh xe để dễ di chuyển. Trời thương, 5 tuổi thì Đèo biết đi chập chững. Ông nội và cha cười nuốt nước mắt vào trong theo mỗi bước đi khó nhọc của thằng bé.

Lớn lên nhìn thấy bạn bè trong xóm đi học, Đèo cũng đòi: "Ba ơi, con muốn đi học". Thương đứt ruột, sợ Đèo tủi thân vì quá thiệt thòi với chúng bạn, nhưng thấy con ham học nên gia đình cũng chiều lòng. Tay cậu yếu, người thân phải phụ đỡ ngón tay, o bế từng nét chữ cho Đèo.

Đau! Mệt mỏi! Vứt bút rồi lại cầm bút! Cậu học trò khuyết tật vẫn cố luyện chữ sau mỗi giờ học. Rồi Đèo cũng quen dần, viết nhanh hơn và không lâu sau đã gần như theo kịp các bạn.

Từ những nét chữ nguệch ngoạc quá khó nhọc đầu tiên, ít ai tin hành trình của Đèo trên ghế nhà trường kéo dài được đến thế. 12 năm với Đèo "gù" là bao mồ hôi, nước mắt đẫm từng trang sách. Đèo càng học càng sáng dạ. Đầu năm cấp II, cậu đứng nhất lớp và từ đó đến nay luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. "Tuy rằng thua thiệt so với các bạn, nhưng em tin điều gì các bạn làm được thì em cũng sẽ làm được, chỉ cần có niềm tin vào bản thân" - Đèo quả quyết chắc nịch.

Ước mơ thành kỹ sư máy tính

Những giờ thực hành sau học lý thuyết, Đèo thường xin thầy cô cho lên phòng trước để không bị trễ lại phía sau vì không thể đi nhanh được. Thấy Đèo cực nhọc, nhiều thầy cô, bạn học chung trường gợi ý Đèo trèo lên lưng để cõng, cậu trả lời: "Em đi được, mắc gì phải cõng".

Thầy Nguyễn Văn Kiệt - hiệu trưởng Trường THPT Lấp Vò 2, người gắn bó với Đèo từ những ngày đầu cấp III - từng có ý khuyên gia đình cho Đèo chuyển sang học trường khuyết tật để dễ hòa nhập và có thể học nghề. Tuy nhiên, Đèo nhất quyết không chịu vì "bạn học được, em cũng học được". Thấy học trò "cứng đầu" nhưng đầy nghị lực, thầy Kiệt xiêu lòng.

Thương Đèo phải leo cầu thang khó nhọc, thầy Kiệt ưu ái bố trí nguyên khối lớp chuyển phòng học từ trên lầu xuống đất. Thầy cũng dặn thợ mộc làm riêng bộ bàn ghế chuyên biệt để Đèo có thể dễ dàng ghi chép, bớt mỏi lưng. "Trường có nhiều em khuyết tật, nhưng trường hợp của Đèo là đặc biệt nhất. Đặc biệt bởi ý chí và khát vọng phấn đấu của em, kiên trì theo đuổi ước mơ. Nhiều bạn cùng trường lấy em làm gương phấn đấu học tập" - thầy Kiệt chia sẻ.

Do năm học cuối cấp nên Đèo gầy xọp hẳn so với trước. "Em định theo học ngành kỹ sư máy tính mà chưa biết chọn trường nào. Em muốn đi Cần Thơ hoặc lên Sài Gòn để học, nhưng cha mẹ lại muốn em học gần nhà để tiện chăm sóc. Em nghĩ hoài, chưa biết chọn hướng nào" - Đèo cho biết.

Thầy Lê Trung Nghĩa - chủ nhiệm lớp 12 của Đèo - kể Đèo học tương đối khá, nhất là những môn khoa học tự nhiên. Những ngày này, thầy cũng "căng mình" chọn trường với cậu học trò kém may mắn. "Thầy trò chọn học kỹ sư máy tính hoặc công nghệ thông tin để phù hợp với em. Đèo cũng muốn theo học những ngành này nên đang rất cố gắng học" - thầy Nghĩa chia sẻ…

Giúp em học hành

Những năm qua, Đèo nhận được bằng khen tuyên dương về tài năng, nghị lực sống, cùng với đó là những học bổng biểu dương thành tích học tập từ nhiều nhà hảo tâm. "Đợt nào trao học bổng hầu như cũng có tên Đèo. Dù số tiền không lớn nhưng nó cũng giúp em giảm bớt khó khăn trong hành trình đeo đuổi tri thức" - thầy Nguyễn Văn Kiệt chia sẻ.

Học trò nghèo vùng hạn mặn nhận lì xì sớm Học trò nghèo vùng hạn mặn nhận lì xì sớm

TTO - Nhận được phần quà gồm bánh kẹo cùng bao lì xì tổng trị giá 700.000 đồng, em Trương Thị Kiều, học sinh lớp 1, chạy vội xuống góc sân trường đưa cho mẹ: 'Mẹ cất đi rồi sắm đồ tết cho em nhé'.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên