14/02/2025 15:07 GMT+7

Cầu gỗ lim ở Huế bị mục sau 7 năm sử dụng: Nhà thầu lên tiếng

Trước những nghi ngờ của dư luận về chất lượng gỗ lim Nam Phi được sử dụng để lát cầu đi bộ dọc sông Hương, đại diện Công ty CP Xây dựng thủy lợi Huế - đơn vị thi công cây cầu - đã lên tiếng về vấn đề này.

Cầu gỗ lim ở Huế bị mục sau 7 năm sử dụng: Nhà thầu lên tiếng - Ảnh 1.

Khu vực cầu gỗ lim dọc sông Hương đoạn lối dẫn lên công viên Lê Lợi ở TP Huế. Đây là khu vực có nhiều đoạn gỗ lim lát mặt sàn bị hư hại - Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 14-2, ông Văn Viết Thành - giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Huế, đơn vị thi công cầu gỗ lim dọc sông Hương - đã trả lời những câu hỏi của Tuổi Trẻ Online liên quan đến quá trình thi công cây cầu.

Gỗ lim Nam Phi dùng để làm cầu có giá hơn 36 triệu đồng/m³

Ông Thành cho biết công ty chịu trách nhiệm thi công cầu gỗ lim dọc sông Hương vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2018. Sau khi bàn giao, công ty đã tự nguyện bảo hành cầu trong 2 năm tiếp theo (theo quy định chỉ 1 năm).

Về chất lượng gỗ lim Nam Phi dùng để lát cầu, ông Thành khẳng định các thanh gỗ được nhập khẩu dưới dạng gỗ thô từ nước ngoài, sau đó trải qua quá trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trước khi xẻ thành phẩm.

Khi xây dựng cầu, mặc dù trên thị trường có nhiều loại gỗ lim, công ty vẫn quyết định chọn gỗ lim Nam Phi nhập khẩu do có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm định chất lượng.

Giá thành loại gỗ này rất cao, lên tới 36 triệu đồng/m³. Tổng kinh phí cho số gỗ lim sử dụng trong dự án là hơn 5,7 tỉ đồng.

Ông Thành cũng nhấn mạnh rằng gỗ lim Nam Phi dùng để lát cầu là gỗ lim đỏ, chứ không phải gỗ lim trắng.

Cầu gỗ lim ở Huế bị mục sau 7 năm sử dụng: Nhà thầu lên tiếng - Ảnh 3.

Nhà thầu thi công cầu gỗ lim dọc sông Hương khẳng định gỗ được sử dụng để lót sàn cầu là loại gỗ đã được kiểm tra chất lượng trước khi xẻ thành phẩm - Ảnh: NHẬT LINH

Hơn 4.000 thanh gỗ lim Nam Phi đã được sử dụng để lát sàn cầu đi bộ dọc sông Hương. Ngay từ khi thi công, đơn vị tư vấn (một công ty Hàn Quốc do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA - lựa chọn) đã tính toán phương án thay thế gỗ theo thời gian.

Theo đánh giá của các chuyên gia Hàn Quốc, việc thay thế các thanh gỗ lim bị hư hỏng do tác động của thời tiết sẽ bắt đầu sau khoảng 3 năm sử dụng. Tuy nhiên, vì một số lý do, đến năm thứ 7, việc phát hiện hư hỏng và thay thế gỗ mới được triển khai.

KOICA đã chuẩn bị sẵn 400 thanh gỗ lim Nam Phi để thay thế. Hiện số gỗ này vẫn được lưu kho tại KOICA ở Huế và đang được sử dụng để thay thế hơn 50 thanh gỗ bị hư hại trong đợt này.

Chỉ hư hại cục bộ, không phải toàn bộ cầu

Sau khi nhận thông tin về việc cầu gỗ lim bị mục nát, dù đã hết thời gian bảo hành, ông Thành vẫn trực tiếp đến hiện trường kiểm tra.

Qua quan sát thực tế, ông nhận định phần gỗ lim bị hư hại chủ yếu tập trung ở khu vực bậc cấp dẫn lối xuống cầu tại công viên Lê Lợi, phía trước Bệnh viện Trung ương Huế.

"Chúng tôi đặt nghi vấn rằng khu vực này có thể chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi trời mưa. Nước từ mặt đường Lê Lợi chảy xuống bậc cấp, đổ thẳng ra sông Hương với lưu lượng lớn hơn so với các khu vực khác. Điều này có thể khiến gỗ lim lát cầu ở đây bị hư hại nhanh hơn", ông Thành phân tích.

Cầu gỗ lim ở Huế bị mục sau 7 năm sử dụng: Nhà thầu lên tiếng - Ảnh 4.

Cầu gỗ lim Nam Phi dọc sông Hương - Ảnh: NHẬT LINH

Ông cũng cho biết sau 7 năm sử dụng, cầu gỗ lim dọc sông Hương chỉ bị hư hại hơn 50 thanh gỗ trên tổng số hơn 4.000 thanh, điều này phần nào chứng minh chất lượng của công trình.

"Khi thi công cây cầu, chúng tôi và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chịu rất nhiều áp lực từ dư luận, vì đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam sử dụng gỗ lim ngoài trời, sát mặt nước sông Hương.

Chúng tôi đã đặt toàn bộ tâm huyết để hoàn thiện cây cầu với mong muốn tạo nên một công trình để đời, khai thác vẻ đẹp của mặt nước và bờ sông Hương. Vì vậy, không có chuyện chúng tôi gian dối, sử dụng gỗ tạp hoặc gỗ kém chất lượng để ăn chênh lệch" - ông Thành nói.

Cầu gỗ lim ở Huế bị mục sau 7 năm sử dụng: Nhà thầu lên tiếng - Ảnh 5.Cầu gỗ lim ở Huế sau 7 năm bị mục: Chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia thực vật học Đỗ Xuân Cẩm - nguyên giảng viên Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế), gỗ lim Nam Phi được sử dụng để lót trên cầu gỗ lim dọc sông Hương có khả năng chống chịu với nước kém và không phù hợp để làm vật liệu lót cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên