Người dân và du khách vui chơi trên cầu đi bộ - Ảnh: NHẬT LINH
Phóng viên Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND thành phố Huế, đơn vị chủ dự án này.
Không rẽ xuống sông thì phải xây cầu vượt
* Thưa ông, đường đi bộ ven sông Hương có lẽ là công trình của Huế tạo nên dư luận nhiều nhất từ vài chục năm trở lại đây. Ông có theo dõi các ý kiến bàn luận ấy không?
- Rất nhiều ý kiến phản đối lẫn đồng tình, nhưng đều cho thấy mọi người chưa nắm thông tin đầy đủ về dự án này cũng như các quy hoạch liên quan.
Công trình mà mọi người đang nhìn thấy là hạng mục cầu đi bộ, nó là một phần của con đường đi bộ ven bờ sông Hương đã có từ trong quy hoạch chung xây dựng TP Huế và quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Con đường này cũng đã có trên thực tế, nhưng là những đoạn nhỏ và đứt đoạn.
Vì vậy, dự án này nhằm kết nối các đoạn đường đó tạo thành một tuyến đường đi bộ ven sông kéo dài từ bến Tòa Khâm đến cầu Dã Viên. Và cầu đi bộ trên sông chỉ là một đoạn của con đường này với chiều dài 452m.
* Nhưng dư luận thắc mắc vì sao đường đi bộ không đi trên bờ, mà đến đoạn này lại rẽ xuống đi trên mặt nước sông Hương?
- Nếu tiếp tục đi trên bờ thì phải phá bỏ ngôi nhà Trung tâm dịch vụ Festival, vốn là câu lạc bộ thể thao được xây từ thời Pháp (Cercle Sportif). Ngôi nhà này đã đưa vào danh mục bảo tồn kiến trúc Pháp nên không thể phá bỏ. Mặt khác, nếu tiếp tục đi trên bờ thì phải làm cầu vượt cho người đi bộ qua cầu Phú Xuân.
Chiếc cầu vượt này sẽ phá hỏng không gian bờ sông Hương và tầm nhìn sang kinh thành Huế. Vì vậy, chúng tôi mới đưa con đường rẽ ra bờ sông, đi dưới gầm cầu Phú Xuân rồi lên bờ tiếp tục đi theo con đường ven sông.
* Các ý kiến phản đối cho rằng gỗ lim sẽ khó thích nghi với thời tiết nắng nóng và mưa lũ của Huế, đồng thời chặn dòng chảy của sông sẽ không chịu đựng được sức đẩy của nước lũ. Vậy khi thiết kế và phê duyệt đã tính đến các tác động này chưa?
- Việc chọn gỗ lim để lát mặt cầu là lựa chọn rất kỹ của cả nhà tư vấn của Hàn Quốc lẫn hội đồng phê duyệt của TP và tỉnh. Vì lát gỗ thì mới đẹp, gỗ lim chịu thời tiết ngoài trời và chịu nước tốt nhất trong các loại gỗ.
Thích ứng với bão lũ và nói chung là thiên nhiên, đó là điều kiện bắt buộc của mọi công trình xây dựng ở Huế, nên các chuyên gia thiết kế đã tính toán rất kỹ. Sau khi thi công xong sẽ nạo vét lòng sông ở những điểm xung yếu gần đó để tăng cường thoát lũ.
Nước lũ dâng cao thì con đường sẽ chìm dưới nước, nhưng chỉ một thời gian ngắn vài ngày thôi. Hiện đầu nguồn sông Hương đã có các hồ chứa lớn, nên lũ lụt đã được cắt giảm đáng kể.
Quy hoạch bờ sông Hương không thể chậm trễ
* Có ý kiến từ giới quy hoạch cho rằng do khó khăn kinh phí nên Huế đã chọn các nhà quy hoạch Hàn Quốc, vì kèm theo là khoản viện trợ hơn 6 triệu USD?
- Tôi xin khẳng định: không có Hàn Quốc viện trợ thì chúng ta cũng phải làm. Trước đó, đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất về quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương nhưng đều chưa đạt yêu cầu. Chuyên gia Hàn Quốc nhưng thực hiện theo đơn đặt hàng của Huế.
Kiến thức, kinh nghiệm của họ nhưng quan điểm, bản sắc là của mình; đánh giá, phản biện của các nhà nghiên cứu và chuyên gia Việt Nam, tham vấn ý kiến của cộng đồng Huế và cuối cùng chúng ta là người thẩm định, phê duyệt.
* Các chuyên gia quy hoạch cho rằng sông Hương đã được xác định là linh hồn của "bài thơ đô thị Huế", vì sao tỉnh Thừa Thiên - Huế không bỏ ra một số tiền lớn để tìm cho được chuyên gia quy hoạch giỏi của quốc tế, để làm một bản quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương cho muôn đời sau?
- Việc này vượt quá khả năng của tỉnh và TP Huế, đồng thời cũng không thể được đồng ý theo cơ chế tài chính hiện nay. Trong bối cảnh như thế thì chọn chuyên gia Hàn Quốc cùng với sự ủng hộ nhiệt thành của Chính phủ và các nhà khoa học nước này là lựa chọn hợp lý nhất. Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương là việc không thể chậm trễ hơn nữa.
Cần tiếp tục điều chỉnh
Định hướng kiến tạo tuyến đường kết nối bờ nam sông Hương sẽ tạo sự gắn kết hữu cơ giữa các phân khu chức năng đô thị với cảnh quan tuyệt đẹp của dòng sông là phù hợp với đô thị di sản Huế.
Tuyến đường đi bộ này rất dài nên phải được thiết kế đa dạng theo từng đoạn để tạo sự khác biệt, hấp dẫn và gắn kết hài hòa cảnh quan dòng sông cùng với các công trình kiến trúc thời hiện đại. Theo cách nhìn này thì cầu đi bộ chỉ là một phân đoạn được bố trí dưới mặt sông, nhằm tránh giao cắt với cầu Phú Xuân và Cercle Sportif.
Lựa chọn này là một giải pháp mang tính kỹ thuật, chú trọng chức năng lưu thông mà chưa tính toán kỹ lưỡng đến yếu tố thẩm mỹ và bền vững. Về mặt thẩm mỹ: cấu trúc cầu phải uốn lượn theo nhịp điệu dòng sông (thực tế hình dáng cây cầu quá thẳng và thô nặng).
Về mặt bền vững: vật liệu sử dụng bằng gỗ sẽ tăng chi phí bảo trì trong khi không tìm thấy cơ hội gia tăng nguồn thu bù đắp. Do vậy, cần phải tiếp tục điều chỉnh để hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật và thẩm mỹ; tổ chức các hoạt động tạo nguồn thu để bù chi phí bảo trì; bổ sung các tiện ích cần thiết như: nhà vệ sinh, chỗ bỏ rác...
Ông Hồ Viết Vinh (giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm kiến trúc & xây dựng Đại học Kiến trúc TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận