02/03/2022 16:30 GMT+7

Cấp phép cho Sun Group ra Hãng hàng không Sun Air chuyên chở khách VIP, doanh nhân

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ngày 2-3, Bộ Giao thông vận tải đã cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại cho Công ty TNHH Sun Air thuộc Tập đoàn Sun Group. Tháng 3-2022, Hãng hàng không Sun Air sẽ ra mắt, hướng tới hành khách là giới thượng lưu.

Cấp phép cho Sun Group ra Hãng hàng không Sun Air chuyên chở khách VIP, doanh nhân - Ảnh 1.

Loại máy bay phản lực Gulfstream G650ER mà Sun Air sẽ khai thác - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Công ty TNHH Sun Air là doanh nghiệp được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn là 100 tỉ đồng - trụ sở tại số 13 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - kinh doanh dịch vụ hàng không chung (không bay thường lệ), phạm vi cung cấp dịch vụ gồm nội địa và quốc tế.

Thông tin từ Tập đoàn Sun Group ngày 2-3 cho biết trong tháng 3-2022 Hãng hàng không Sun Air sẽ chính thức ra mắt với mục tiêu trở thành một hãng hàng không cung cấp dịch vụ máy bay phản lực thương gia (private jet).

Sun Air cung cấp các dịch vụ bay được cá nhân và chuyên biệt hóa, với hai loại hình: dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ.

Sun Air hướng tới nhóm khách hàng thượng lưu có khả năng chi trả cao trong và ngoài nước đi giao dịch công tác, khảo sát dự án, chữa bệnh, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng xa xỉ.

Theo lộ trình, từ quý 3-2022, Sun Air sẽ khai thác 2 máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER.

Giai đoạn 2023-2025, Sun Air dự kiến khai thác 4 máy bay Gulfstream G650ER (sức chứa tối đa 17 hành khách ngồi hoặc 6 - 8 giường nằm), 1 máy bay Gulfstream G700 (chở tối đa 21 hành khách ngồi, trang bị giường nằm cho 10 người), 1 trực thăng và 2 thủy phi cơ.

Trong tương lai, Sun Air dự kiến sẽ khai thác thêm các máy bay phản lực thương gia siêu lớn và siêu xa (như Boeing BBJ và Airbus ACJ).

Trước đó, trên cơ sở thẩm định của Cục Hàng không, ngày 14-2, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty TNHH Sun Air.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá Sun Air chọn sân bay Vân Đồn làm sân bay căn cứ và đỗ máy bay qua đêm cho đội máy bay của hãng là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không và không gây áp lực lên vị trí đỗ máy bay, cơ sở hạ tầng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Về phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm, trong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, Sun Air xác định rõ khách hàng mục tiêu là khách có nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân bao gồm: lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách VIP, khách có khả năng chi trả cao, khách hàng là thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Bên cạnh đó, Sun Air cũng sẽ cung cấp các dịch vụ: bay thuê chuyến, dịch vụ quản lý máy bay tư nhân, dịch vụ khai thác tại cảng và hậu cần. Do loại hình hoạt động là cung cấp dịch vụ các chuyến bay thuê chuyến nên mạng đường bay của Sun Air sẽ được thiết lập dựa vào nhu cầu của khách hàng.

Thị trường mục tiêu của Sun Air sẽ là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Kiến nghị trình Thủ tướng xem xét cấp giấy phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo Kiến nghị trình Thủ tướng xem xét cấp giấy phép cho hãng hàng không IPP Air Cargo

TTO - Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kết quả thẩm định hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chuyên chở hàng hóa cho IPP Air Cargo và trình Thủ tướng xem xét việc cấp giấy phép.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên