
Hãy lắng nghe cảm xúc chính mình, vun đắp tình cảm bằng sự chân thành - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Vừa qua, clip vụ việc một nam DJ bạo lực vợ được chia sẻ kèm lời tâm sự đẫm nước mắt của người vợ khiến nhiều người xót xa.
Điều khiến người ta hoang mang là cũng chính người chồng khi lên mạng xã hội lại đăng tải những hình ảnh, dòng trạng thái yêu thương, trách nhiệm hết mực với vợ con.
Trong mối quan hệ vợ chồng, cặp đôi, có lẽ ai cũng muốn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, thậm chí có người còn mong muốn được mọi người ngưỡng mộ qua những gì mình thể hiện trên mạng xã hội.
Thế nhưng, người trong cuộc càng chạy theo hình ảnh ảo càng giống như đang soi tình yêu trong chiếc gương thần kỳ hoặc đang dùng "ứng dụng" chỉnh sửa hạnh phúc quá đà mà thôi.
Mải miết chạy theo bề nổi
Đồng nghiệp ở trường mầm non thường khen ngợi, chọc ghẹo chị N.N. (31 tuổi, ngụ quận 12) vì số sướng, chồng cưng, hai con xinh xắn lanh lợi, trong công việc lại được cô hiệu trưởng vô cùng tín nhiệm.
Đều đặn sáng chiều, anh M. (33 tuổi) đưa đón chị và con trai út 3 tuổi đang học ở trường này. Anh cũng thường gọi Zalo hỏi thăm chị ăn trưa chưa, trước khi qua đón gọi điện dặn chị chờ.
Trên Facebook, Zalo, anh thường đăng hình ảnh vợ chồng con cái đi ăn uống, vui xuân, đám tiệc, ảnh nhận quà của nửa kia kèm những lời như "thương em", "sẽ cố gắng nhiều hơn"… và luôn nhận được nhiều lượt thả tim khen ngợi.
Nhưng ẩn sau thể diện người vợ và hạnh phúc tươm tất đó là những nỗi niềm buồn phiền của chị N..
Ngoài xã hội, anh là người chu đáo, hài hước nhưng khi về đến nhà như một con người khác. Anh không khác gì đứa trẻ ích kỷ, hay chì chiết và giận hờn thường xuyên, thậm chí có những lần "tác động vật lý" hoặc nhắn tin với những lời lẽ sỉ nhục như "cô là thứ mê trai".
"Mà nguyên nhân chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày trong ăn uống, hai đứa nhỏ nghịch ngợm, hoặc chuyện tiền nong, ghen tuông vô cớ", chị kể.
Mãi đến sau này, khi tinh thần kiệt quệ, đầu óc căng thẳng nhưng vẫn phải thể hiện ra ngoài là một gia đình hạnh phúc, chị mới phát hoảng tìm cách giải quyết.
Chị nhận ra bề ngoài anh yêu chiều vợ như một sự che đậy, để mọi người đứng về phía anh nếu chị có lỡ hé lộ chuyện cơm không lành canh không ngọt.
Tương tự, cuộc hôn nhân của anh M.P. và chị T.A. (40 tuổi, ngụ Bình Thạnh) như có tấm màn nhung phủ lên những bất ổn bên trong. Anh làm quản lý trong một công ty lớn, chị có mức lương cao.
Họ hay đăng hình những chuyến đi chơi, hình nhà cao cửa rộng và những phương châm sống nhẹ nhàng, tình cảm, dù ngoài đời gấu ó với nhau. Nhà vợ có máu mặt nên anh luôn thể hiện là người chồng, người cha hết lòng vì vợ con.
Nhưng những khi đưa gia đình nhỏ về bên nội chơi, anh mới lộ ra tính khí khó chịu, việc gì vợ làm cũng khiến anh không hài lòng.
Khi ở nhà, anh chẳng thiết việc gì, để chị thui thủi quán xuyến, lo liệu cho các con. Tiền bạc anh tiêu xài thả cửa, thậm chí lấy tiền chung của hai vợ chồng cho bạn mượn rồi bạn biến thành tiền của mình luôn.
Dù vậy, chị A. cho rằng đó chỉ là những mặt chưa tốt của chồng, cũng như con người không ai toàn vẹn cả. Công bằng mà nói anh giỏi giang ngoài xã hội, khiến chị tự hào. Thôi thì chị và chồng "sống ảo" trên mạng hoặc với người ngoài cũng chẳng gây tác hại gì lớn, ngoài sự tủi thân, ức chế trong lòng ngày càng đè nặng tâm hồn chị.
Sống thật và đối diện cảm xúc thực
Theo TS Nguyễn Hữu Long - giảng viên ngành tâm lý học Trường ĐH Mở TP.HCM, việc một số cặp đôi hay vợ chồng thường xuyên đăng tải hình ảnh long lanh - đôi khi là ảo - trên mạng xã hội có thể xuất phát từ nhu cầu khẳng định bản thân và mong muốn được công nhận.
"Những hình ảnh hôn nhân lý tưởng, chồng yêu vợ, vợ đảm đang… được chia sẻ như một cách tạo dựng hình ảnh hoàn hảo với cộng đồng. Điều này nhằm nhận về lời khen ngợi nhưng đôi khi giúp che đi những bất ổn thực sự trong mối quan hệ", TS Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, thời đại mạng xã hội bùng nổ, con người dễ cuốn vào cuộc đua so sánh. Thấy người khác thể hiện sự hạnh phúc, họ có xu hướng "đáp trả" hoặc hưởng ứng bằng những hình ảnh đẹp đẽ của mình.
Gốc rễ sâu xa, việc thể hiện quá mức đôi khi phản ánh sự bất an trong mối quan hệ, khi họ cần sự xác nhận từ bên ngoài để củng cố cảm giác an toàn bên trong. Từ đó, mạng xã hội trở thành sân khấu cho những màn trình diễn hạnh phúc.
Thật ra, việc chia sẻ về hạnh phúc thật sự của mình sẽ lan tỏa sự tích cực, tươi sáng. Nhưng với trường hợp gồng mình thể hiện, TS Long nhắn nhủ rằng hạnh phúc thật sự không nằm ở những gì phô bày trên mạng, mà từ sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành mỗi ngày.
Mỗi cặp đôi đều có thước đo riêng, không nên so sánh hay theo chuẩn mực người khác.
Hơn nữa, việc gượng ép tạo ra áp lực duy trì hình ảnh hoàn hảo khiến mỗi người dễ mệt mỏi khi thực tế không giống như vậy. Và khi sống mãi trong vai diễn hạnh phúc, họ dễ phớt lờ hoặc chối bỏ vấn đề thật sự trong mối quan hệ, dẫn đến những rạn nứt âm thầm.
Hạnh phúc với tình cảm của mình, đừng so sánh
Theo TS Nguyễn Hữu Long, việc đem chuyện của mình so sánh với những cặp đôi khác có thể khiến bản thân cảm thấy chưa đủ, dễ ghen tị, tự ti...
Về lâu dài, điều này ảnh hưởng sự ổn định cảm xúc, gây mất kết nối giữa hai người. Thay vì sống thật và đối diện cảm xúc thực, họ lệ thuộc sự công nhận ảo bên ngoài, khiến hạnh phúc mong manh dễ vỡ hơn.
"Hãy lắng nghe cảm xúc chính mình, vun đắp tình cảm bằng sự chân thành thay vì chạy theo hình ảnh ảo. Khi cả hai cùng xây dựng mối quan hệ dựa trên giá trị thật, hạnh phúc sẽ đến một cách tự nhiên và bền vững hơn", TS Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận