17/10/2013 06:55 GMT+7

Cấp cứu 115 chỉ đáp ứng gần 1% nhu cầu người dân

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Tại TP.HCM, số ca bệnh, nạn nhân được vận chuyển, cấp cứu bởi 115 chiếm dưới 1% trong tổng số ca vào cấp cứu tại các bệnh viện trên toàn TP.

Cấp cứu 115 chưa đáp ứng được nhu cầu Cấp cứu 115: xe chờ, người bệnh đợiSẽ có 5 chốt cấp cứu 115 ở TP.HCM

ijY5Fs5h.jpgPhóng to
Một ca cấp cứu đo điện tim cho bệnh nhân ngay trên đường chuyển đến bệnh viện - Ảnh: Thanh Đạm

Thực tế này được bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Trang - phó phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM - báo cáo tại hội nghị khoa học kỹ thuật của bệnh viện ngày 16-10. So với những thông tin Tuổi Trẻ từng phản ánh. số người biết và gọi cấp cứu 115 chưa cải thiện là bao.

Chờ lâu xe mới đến

Kết quả nghiên cứu, khảo sát trên 2.025 người ở 24 quận, huyện TP.HCM về sự hiểu biết và sử dụng cấp cứu 115 do Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thực hiện (từ tháng 9-2012 đến tháng 6-2013) cho thấy chỉ hơn 33,4% người dân TP biết có cấp cứu ngoại viện và gần 34% người dân biết số điện thoại gọi cấp cứu là 115. Theo bác sĩ Thanh Trang, sau khi được can thiệp truyền thông bằng nhiều hình thức, tỉ lệ người dân hiểu biết về cấp cứu 115 tăng lên đáng kể nhưng tỉ lệ sử dụng cấp cứu 115 vẫn không tăng hoặc tăng rất ít.

Nguyên nhân người dân ít gọi cấp cứu 115, bác sĩ Thanh Trang cho rằng do mạng lưới cấp cứu 115 chưa phủ kín và thường trực, cấp cứu 115 chưa thiết lập được quy chế hoạt động chuyên trách, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương không điều phối trực tiếp, thống nhất mạng lưới cấp cứu ngoại viện... Đặc biệt, mạng lưới cấp cứu 115 chỉ đáp ứng dưới 1% nhu cầu cấp cứu của người dân (chưa tính đến nhu cầu vận chuyển trong khám, chữa bệnh) và cũng không đủ khả năng ứng phó trước thiên tai, thảm họa. Đơn cử năm 2010 số ca cấp cứu trong toàn TP gần 751.000 ca, nhưng số cuộc gọi cấp cứu 115 chỉ có 6.159 ca, với số lần đi cấp cứu là 5.225 ca.

Lý do khiến người dân không gọi cấp cứu 115 chiếm tỉ lệ cao nhất là phải chờ lâu xe cấp cứu mới đến. Một nghiên cứu tại TP.HCM cho thấy đa số cuộc gọi cấp cứu xuất phát từ địa bàn gần Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nhưng thời gian từ lúc nhận cuộc gọi đến khi cấp cứu 115 có mặt chỉ gần 11% là dưới 10 phút. Nếu người dân ở những quận, huyện xa Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thì thời gian này dài hơn. Vì vậy người dân khi có trường hợp cần cấp cứu thường đưa người bệnh đến bệnh viện bằng xe máy, taxi...

Trách nhiệm của ai?

Đây là vấn đề bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đặt ra tại hội nghị. Theo ông Dũng, với thực tế cấp cứu 115 hiện nay, một mình Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương không thể giải quyết được. Tổ chức mạng lưới cấp cứu cho cả TP theo mô hình nào, cách nào tốt nhất là vấn đề lớn phải ở tầm UBND TP và Bộ Y tế mới giải quyết được.

Ông Nguyễn Thế Dũng cho hay Sở Y tế TP đã có đề án về tổ chức cấp cứu ngoại viện từ lâu, khi có chuyện gì về vấn đề cấp cứu thì cấp cứu 115 được xới lại, khi không có gì lại buông. Chưa kể TP có mạng lưới y tế rất lớn, nhưng phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt nên chưa tổ chức được hệ thống cấp cứu phù hợp. “Câu hỏi người dân đặt ra là gọi cấp cứu 115 thì bao lâu mình có mặt ở hiện trường? Mình nói thời gian vàng trong cấp cứu nhưng người dân nói tôi alô thì cấp cứu bảo đợi... Đến nay chúng ta vẫn chưa làm được, chúng ta nói rất nhiều rồi và đã đến lúc phải bắt tay vào làm thôi” - ông Dũng đề nghị. Theo ông Dũng, để có mạng lưới cấp cứu đáp ứng được nhu cầu của người dân TP, cần có mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của VN; cần phối hợp lực lượng cấp cứu, giáo dục truyền thông về sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi cơ bản cho người dân biết... để sơ cứu người bệnh trong lúc chuyển cấp cứu.

Ông Trần Hồng - nguyên giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - cũng nói tổ chức, sắp xếp mạng lưới cấp cứu 115 để đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân TP đã được nói đến rất nhiều, có cả đề án từ khi ông còn làm giám đốc bệnh viện này nhiều năm và ông nghỉ hưu đã mấy năm nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Sở Y tế TP đã có kế hoạch xây dựng mạng lưới cấp cứu toàn TP nhưng kế hoạch này vẫn chưa nhúc nhích. Với mô hình cấp cứu hiện nay, khi xe cấp cứu đến thì bệnh nhân đã được chuyển đi bằng phương tiện khác hoặc đã tử vong. Theo ông Trần Hồng, TP.HCM có đặc thù là thường xuyên kẹt xe nên phải có mạng lưới cấp cứu rộng khắp ở nhiều địa bàn.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Xuân - phó hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - nói ngay trong ngành y tế vẫn còn nhầm lẫn tưởng số cấp cứu 115 là của Bệnh viện Nhân dân 115. Do vậy thông tin cho người dân biết và hiểu về cấp cứu 115 rất quan trọng. Ngoài ra, do TP luôn kẹt xe nên PGS Ngô Minh Xuân đề nghị nên tập huấn cho lực lượng tài xế taxi biết cách sơ cứu cho bệnh nhân và biết cách chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nào cấp cứu cho đúng chuyên khoa...

Hai năm qua, khoa cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện, nhưng số lượng cuộc gọi 115/ngày và số chuyến xe cấp cứu 115/ngày vẫn không tăng (trung bình một ngày có gần 15 cuộc gọi). Ở VN hiện chỉ khoảng 20% các ca cấp cứu (cả nội khoa và ngoại khoa) tại nhà và đường phố được thực hiện bởi hệ thống cấp cứu 115, còn lại 80% là do người dân tự vận chuyển người bệnh.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên