Cầu Bình Khánh (gói thầu J1) dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã ngưng thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã 2 lần gia hạn thời gian hoàn thành. Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cho vay 636 triệu USD làm dự án này. Hiệp định vay lần 1 trị giá 350 triệu USD đã hết hạn vay vào ngày 30-6-2019, dự án đã mất khoản tiền vay trị giá khoảng 170 triệu USD chưa kịp nhận.
Hiệp định vay lần 2 là 286 triệu USD, theo đúng đã hết hạn vào ngày 30-6-2020, nếu ADB đóng hiệp định, tổn thất lớn hơn rất nhiều lần do các thủ tục gia hạn hiệp định vay quá chậm.
Vướng mắc lớn nhất ở dự án này chính là cơ chế cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư sau khi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đình trệ vì thiếu vốn trả nợ các nhà thầu.
Bộ GTVT từng có kiến nghị về việc cho phép VEC tạm sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ và các khoản vay để tiếp tục giải ngân cho dự án. Tuy nhiên, một số cơ quan không đồng tình với phương án này.
Trong khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho rằng: "Việc tạm sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay là không phù hợp quy định của pháp luật và các quyết định đầu tư, quyết định về phương án tài chính do Bộ GTVT phê duyệt". Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguồn vốn đối ứng nào. Dự án lận đận này vẫn chưa được giải quyết dứt khoát.
Do chưa được giao vốn, VEC và các địa phương không có nguồn thanh toán tiền đền bù giải tỏa 57 hộ dân ở TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, việc cưỡng chế giải tỏa cũng không thể thực hiện được.
Các gói thầu bị đình trệ. Gói thầu J1 xây cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp dừng thi công vào tháng 10-2019. Gói thầu J3 xây cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu đã dừng thi công từ tháng 9-2019. Theo đơn vị tư vấn C5 ở dự án, từ khi nhà thầu dừng dự án gói thầu J1 đến tháng 2-2020, chi phí phát sinh do kéo dài hợp đồng sẽ gây thiệt hại khoảng 32 triệu USD và gói thầu J3 là 38 triệu USD.
Mức độ thiệt hại ở các gói thầu J1 và J3 không chỉ dừng ở 70 triệu USD mà còn tiếp tục tăng cao cho đến khi dự án triển khai thi công lại. Dự án còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý cao đối với tất cả các bên, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ VN đối với các nhà tài trợ JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và ADB.
Hằng năm, Bộ Tài chính vẫn phải trả lãi theo hiệp định vay đã ký. Đây là dự án thu phí để hoàn vốn nên việc chậm tiến độ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Nợ chồng nợ trong khi đường chưa biết bao giờ mới làm xong.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, VEC cho biết đến nay (tháng 7-2020) dự án đã thi công giải ngân được 15.758 tỉ đồng/27.510 tỉ đồng, tương đương đạt khoảng 57,3% vốn đầu tư dự án. Hiện nay, dự án đang phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại từ các nhà thầu quốc tế, không phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Thiệt hại đủ kiểu, ai chịu trách nhiệm?
Bạn tôi là chủ một doanh nghiệp làm thầu phụ thi công tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang bất an với nguy cơ không được thanh toán chi phí đã thi công, có thể tạm dừng các công việc.
Dự án này khởi công từ tháng 7-2014, với niềm hân hoan có vốn vay từ ADB. Nguồn vốn và các nguồn lực khác đã sẵn sàng nhưng dự án không suôn sẻ là điều đáng tiếc. Thực tế một số gói thầu đã dừng thi công do chưa được giải ngân, dự án bị cắt vốn. Tham gia dự án lớn, hầu hết các nhà thầu đều đi vay ngân hàng, chịu lãi suất hằng tháng, ứng trước các khoản chi phí cho nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân công…
Thi công gói thầu có giá trị hàng ngàn tỉ đồng nếu bị kéo dài, chậm được thanh toán khối lượng đã thi công thì khó nhà thầu nào trụ nổi! Chưa kể chịu thêm các chi phí khác, kéo dài thời gian bảo lãnh hợp đồng, bảo hành công trình, lãng phí nguồn lực, tạm ngưng công việc.
Dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, bên cạnh tăng đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách, giải ngân nguồn vốn vay ADB được xem là một trong những giải pháp giúp kích thích phát triển các ngành, góp phần phục hồi kinh tế.
Nhà thầu hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký, làm xong khối lượng đạt yêu cầu nên được xem xét, kịp thời thanh toán chi phí, có thể tạm ứng ngân sách để giải quyết. Đây cũng là hình thức giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn dịch bệnh, hạn chế thất nghiệp.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là một con đường kết nối thông thương, góp phần phát triển cho cả vùng miền rộng lớn đang thiếu hạ tầng giao thông trầm trọng. Dự án trì trệ đã gần 2 năm, chưa ai dám chắc còn chậm trễ đến bao giờ. Thiệt hại, tổn thất lớn chưa thể đo lường hết.
Trong khi đó, người dân sốt ruột mong những trở ngại cho dự án này sớm được tháo gỡ, sớm có cao tốc kết nối Đông - Tây. Và mong thiệt hại, nợ nần từ dự án này được giảm thiểu.
Dự án giao thông chậm tiến độ có thể trở thành gánh nặng vì đội vốn, tăng nợ. Trong các kiểu thiệt hại chưa thể đo đếm được, chưa có tổ chức và cá nhân nào chịu trách nhiệm về sự trì trệ ở dự án này. Đã đến lúc cần có chế tài, xử lý trách nhiệm tổ chức và cá nhân chậm giải quyết trở ngại, giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài.
TRẦN VĂN TƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận