Vào tháng 10-2024, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có tờ trình gửi Cục Đường bộ Việt Nam về phê duyệt phương án tổ chức giao thông để đưa vào khai thác tạm hai đoạn tuyến thuộc đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tháng 11-2024.
Đó là đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Long An) đến quốc lộ 1 (TP.HCM) dài 3,4km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) dài 6,1km. Tuy nhiên đến nay, hai đoạn này vẫn chưa đưa vào khai thác.
Có đường, bao giờ khai thác?
Trả lời Tuổi Trẻ vì sao đến nay chưa đưa vào khai thác các đoạn đã hoàn thành như kế hoạch, đại diện Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (đơn vị quản lý dự án) cho hay toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đạt khối lượng 89%.
Đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài 6,1km đã hoàn thành nhưng đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông.
Còn đoạn nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Long An) đến quốc lộ 1 (TP.HCM), dài 3,4km, dù đã hoàn thành nhưng còn chờ khoảng 250m đoạn ráp nối của dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An hoàn thành.
Đối với đoạn từ nút giao quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo vẫn theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2025.
Trong công văn khẩn gửi tỉnh Long An mới đây, Bộ GTVT cho biết tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 15-12 cho thấy khối lượng của hạng mục kết nối dài 250m với dự án Bến Lức - Long Thành thuộc gói thầu XL3 của dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An còn lại không nhiều nhưng chưa hoàn thành.
Việc chậm thi công đoạn tuyến trên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác đoạn tuyến dài 3,4km thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành.
"Để sớm đưa đoạn tuyến phía Tây vào khai thác để từng bước hoàn thành toàn bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, phát huy hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đề nghị UBND tỉnh Long An quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đoạn tuyến 250m thuộc nhánh kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (nhánh A) trước ngày 31-12.
Các hạng mục nhánh H, cầu vượt ngang và đường hai đầu cầu vượt ngang trước ngày 30-3-2025", Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Long An.
Vậy khi nào hoàn thành đoạn 250m? Đại diện Sở GTVT tỉnh Long An cho biết dự kiến đoạn 250m sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 5-1.
Cũng theo vị này, gói thầu thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa phương triển khai sau so với các gói thầu của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Thời gian qua các nhà thầu đã rất cố gắng, chạy đua tốc độ để sớm hoàn thành gói thầu, nhất là đoạn 250m ráp nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Toàn tuyến dự kiến tháng 9-2026 mới xong
Hai năm qua sau khi được gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, hầu hết các gói thầu tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã tăng tốc thi công sắp về đích, ngoại trừ gói thầu J3 cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Những vướng mắc gói thầu này sau một thời gian dài chưa thể tháo gỡ đang làm cho toàn dự án không thể về đích vào 30-9-2025 như kế hoạch.
Gói thầu J3 cầu Phước Khánh trước đây do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Cienco 4 (Việt Nam) thực hiện.
Đến năm 2022, chủ đầu tư và nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng, khi khối lượng gói thầu đạt 80,7%.
Do gói thầu dùng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nên phải tuân thủ theo các quy định về nhà thầu chính từ Nhật Bản. Để tìm nhà thầu làm tiếp, tháng 12-2023, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ đấu thầu rộng rãi quốc tế gói thầu J3-1.
Tuy nhiên sau 90 ngày mời thầu, không có bất kỳ nhà thầu Nhật Bản nào quan tâm và tham gia đấu thầu.
Tại tờ trình đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT cho biết sau khi không có nhà thầu Nhật Bản nào tham gia đấu thầu, VEC đã xin ý kiến nhà tài trợ về nới lỏng điều kiện ràng buộc về quốc tịch hợp lệ của nhà thầu để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia với tư cách nhà thầu thi công xây lắp chính, nhà thầu độc lập.
Quá trình đàm phán với phía Nhật Bản về hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu quốc tế, sửa đổi điều kiện về quốc tịch hợp lệ của nhà thầu diễn ra trong thời gian dài, nhưng không đạt được kết quả, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai hoàn thành gói thầu J3-1, trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều.
Do vậy VEC đã đề xuất dùng vốn tự huy động thay cho vốn ODA để triển khai nốt công việc còn lại của cầu Phước Khánh.
Để có thể tổ chức đấu thầu, triển khai thi công gói thầu J3-1, chủ đầu tư cần phải thực hiện thủ tục điều chỉnh từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản sang sử dụng vốn của VEC.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, sau khi hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh dự án, VEC sẽ khởi công gói thầu J3-1 vào tháng 3-2025 và hoàn thành vào tháng 9-2026.
Chờ cầu Phước Khánh đến bao giờ?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, gói thầu J3-1 (phần việc còn lại của gói thầu J3 cầu Phước Khánh) đã được VEC phát hồ sơ mời thầu từ 30-7 với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Giá dự toán gói thầu là 683,994 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 13 tháng. Đến ngày 6-8-2024, chủ đầu tư đã mở thầu và có nhà thầu trong nước nộp hồ sơ tham gia.
Tuy nhiên gói thầu chưa được trao thầu vì đang phải chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Trong báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ KH&ĐT đánh giá đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30-9-2026 là có cơ sở để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án.
Bộ này cũng lưu ý thời gian thực hiện dự án không còn nhiều nên đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC kiểm tra, rà soát, tính toán rõ hơn về khối lượng công việc còn lại, đánh giá cụ thể các tình huống phát sinh, khả năng cung ứng vật liệu, biến động giá vật liệu...
Đồng thời Bộ GTVT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, xác định thời gian hoàn thành thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; tránh việc phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận