Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào đầu tháng 5-2024, ông Putin đã triển khai một chuỗi các hoạt động thăm viếng ngoại giao đến các quốc gia đối tác và đồng minh chủ chốt của Nga. Trong đó có chuyến công du quốc tế đầu tiên nhằm củng cố trục quan hệ "không giới hạn" Nga - Trung Quốc từ ngày 16 đến 17-5 với trọng tâm hợp tác được chia đều vào cả ba nhóm lợi ích an ninh, phát triển và ảnh hưởng.
Từ kiến trúc "một trục, hai cánh"...
Hai điểm đến tiếp theo của ông Putin đều thuộc về các đối tác chủ chốt thuộc "cánh ảnh hưởng" phía tây của Nga là Belarus (từ 23 đến 24-5) và Uzbekistan (từ 26 đến 27-5).
Trong khi chuyến thăm đến đồng minh quân sự Belarus đề cao các mục tiêu an ninh nhằm cảnh giác khối NATO, thì chuyến thăm đến Uzbekistan - quốc gia đã rút khỏi Tổ chức An ninh tập thể (CSTO) thuộc quỹ đạo an ninh của Nga từ năm 2012 - lại tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế.
Với 27 văn kiện ở đa dạng các lĩnh vực hợp tác phát triển được ký kết sau chuyến thăm Uzbekistan, ông Putin đã xây dựng thành công thiện cảm với dư luận quốc tế. Từ đó mở đường giúp Nga tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 (SPIEF-2024) từ ngày 5 đến 8-6, thu hút sự tham gia của 18.600 đại biểu đến từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hai chuyến thăm tiếp theo của ông Putin đến Triều Tiên (ngày 19-6) và Việt Nam (ngày 20-6) vừa qua cũng có nhiều chỉ dấu cho thấy cách tiếp cận kiến tạo "cánh phía đông" của phía Nga tương tự như "cánh phía tây" trong tháng 5.
Trong đó, Triều Tiên đảm nhận "đồng minh phòng thủ" và Việt Nam trở thành "trung tâm hợp tác phát triển" trong chiến lược "hướng đông" của ông Putin.
Tuy nhiên, trong khi Nga gặp sức ép bao vây trực tiếp từ khối NATO ở "cánh phía tây" thì "cánh phía đông" lại bao gồm hầu hết các nước có quan điểm ôn hòa với Nga. Nên mặc dù có hai điều khoản về phòng thủ chung được ghi nhận trong Hiệp ước chiến lược mới giữa Nga - Triều Tiên, tất cả 18 điều khoản còn lại đều về hợp tác phát triển song phương, đảm bảo hòa bình, thúc đẩy sự hội nhập của Triều Tiên ở quy mô khu vực và toàn cầu, chiếm tỉ lệ áp đảo.
Nói cách khác, ngay khi nhóm lợi ích an ninh được hiệp ước xác định rõ ở điều 4 (về tham vấn song phương khi có nguy cơ bị xâm lược vũ trang) và điều 5 (về cung cấp hỗ trợ quân sự khi bị xâm lược) thì nhóm lợi ích phát triển lập tức được cam kết triển khai.
Cụ thể là các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm vũ trụ, sinh học, năng lượng nguyên tử hòa bình, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin (điều 11); nông nghiệp, giáo dục, y tế công cộng, thể thao, văn hóa, du lịch... và hợp tác với nhau trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai (điều 14).
Bên cạnh đó, nội dung hợp tác thương mại xuyên biên giới cũng được nhắc đến trong hiệp ước ở điều 9 (đảm bảo nỗ lực tăng khối lượng thương mại song phương, hải quan và dịch vụ tài chính), điều 10 (hỗ trợ các khu kinh tế đặc biệt của hai nước), điều 12 (hỗ trợ phát triển toàn diện các khu vực biên giới hai bên cùng quan tâm).
Và cuối cùng là các điều khoản về sự đồng thuận trong việc giảm các áp lực cấm vận từ bên thứ ba (điều 15, 16), cùng đảm bảo chống lại các thách thức an ninh phi truyền thống (điều 17) và tôn trọng luật pháp quốc tế (điều 1).
... đến quỹ đạo hòa bình mở rộng
Do đó, dù cho khối NATO đang dần tăng cường ảnh hưởng đến khối AP4 (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand), Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên ký kết ngày 19-6 vẫn tập trung chủ yếu vào các hoạt động hợp tác cùng phát triển.
Với lớp "vỏ bọc" mang tính răn đe về khả năng Nga thay đổi học thuyết về vũ khí hạt nhân hoặc sẽ chuyển giao vũ khí cho Triều Tiên, trên thực tế nhóm dự án được bàn luận sôi nổi nhất lại là sự phát triển của dự án hậu cần chung "Rajin-Hasan" và thỏa thuận xây dựng cầu đường biên giới bắc qua sông Tumannaya liên quan trực tiếp đến dự án này.
Thêm vào đó, Triều Tiên cũng bày tỏ mong muốn gắn kết với tuyến hành lang hàng hải phía đông (EMC) nối liền Vladivostok (Nga) và Chennai (Ấn Độ), cùng lúc với nguyện vọng trở thành thành viên khối BRICS mở rộng. Từ đó góp phần mở rộng "cánh hòa bình" phía đông của Nga, tạo tiền đề quan trọng cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế phương đông tại Vladivostok vào tháng 9-2024.
Nỗ lực kiến tạo "cánh hòa bình"
Nhìn chung, với các nội dung về lợi ích phát triển vượt trội trong chương trình nghị sự giữa Nga với Triều Tiên và Việt Nam, có thể nhận thấy sự định hình một kiến trúc "cánh hòa bình" ở phía đông mà Nga đang xây dựng. Đứng trước các xu hướng căng thẳng leo thang ở nhiều "điểm nóng" cùng một lúc, sự hiện diện của "cánh hòa bình" lúc này cần phải được nhìn nhận một cách tổng thể, góp phần vào công cuộc kiến tạo hòa bình mà các quốc gia Nam Bán cầu với Việt Nam và Triều Tiên là những đại diện quan trọng đang cùng thúc đẩy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận