Gà nhập lậu từ Trung Quốc được bày bán công khai tại chợ Giếng Vuông (Lạng Sơn) - Ảnh: Quang Thế chụp ngày 18-2 |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết chỉ trong gần hai tháng đầu năm 2014, số gia cầm mắc cúm H5N1 và bị tiêu hủy đã tương đương cả năm 2013, đến nay có 17 tỉnh thành có dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Dù có quy định hỗ trợ gia cầm bị cúm H5N1 là 70% giá thị trường, nhưng nhiều địa phương khi công bố dịch vẫn không đồng thời công bố cho người chăn nuôi về chính sách hỗ trợ, khiến tình trạng người nuôi vứt gia cầm chết ra mương máng, các khu vực công cộng dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch ra các đàn gia cầm khác và lây dịch sang người.
Nhiều chủng cúm cùng xuất hiện
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN Takeshi Kasai nhận định VN nằm trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm cúm gia cầm H7N9 trên gia cầm, do lưu lượng gia cầm nhập lậu từ biên giới Trung Quốc vào nội địa khá cao. VN cũng có nguy cơ nhiễm cúm H7N9 ở người tại các khu vực có đông khách du lịch như Hà Nội, TP.HCM do gần đây có những trường hợp ở Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) bị lây nhiễm H7N9 khi đi du lịch tại Trung Quốc lục địa.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đáng chú ý là cùng lúc tại Trung Quốc rất nhiều chủng cúm mới H7N9, H6N1, H10N8 cùng xuất hiện và đều gây bệnh trên người. Trong đó, H7N9 vừa gây bệnh với số lượng lớn trên người vừa gây thiệt hại rất lớn tới công nghiệp chăn nuôi gia cầm ở Trung Quốc. Tính đến nay, H7N9 gây thiệt hại khoảng 26 tỉ USD cho chăn nuôi gia cầm ở Trung Quốc.
Không để xảy ra dịch cúm trên người
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Thái, năm 2013 có đến 30% mẫu gia cầm ở tỉnh có mầm bệnh H5N1, nhưng hiện tỉ lệ này hạ xuống 11%, do có 88% gia cầm của Đồng Tháp được tiêm ngừa cúm. “Khó khăn của chúng tôi là người dân có nhận thức về nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm nhưng lại không chuyển đổi hành vi, vẫn ăn tiết canh, có gia cầm chết thì tiếc không bỏ đi mà mang về chế biến, sử dụng” - bà Thái nói.
Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện tỉnh đang duy trì 14 chốt trực 24/24 giờ ngăn chặn gia cầm lậu, nhưng đường biên giới với Trung Quốc dài, nhiều đường mòn, lối mở nên gia cầm lậu vẫn xâm nhập dù có giảm so với trước.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục nhắc các địa phương về trách nhiệm điều phối chống dịch. Ông Đam nhấn mạnh hiện có 9/28 máy đo thân nhiệt đặt tại các cửa khẩu bị hỏng, trong khi giá máy chỉ dưới 1 tỉ đồng/chiếc, chưa có dịch thì địa phương không sửa chữa, bảo dưỡng, không đề xuất mua máy, đến khi có dịch thì cuống lên. Phó thủ tướng yêu cầu các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương tăng cường phối hợp, mục tiêu là không để xảy ra dịch H7N9 trên gia cầm, nếu xuất hiện dịch trên gia cầm thì không để xảy ra dịch trên người. Trước đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống cúm, ông Đam cho biết hiện có hai ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm ở Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quan trọng là làm tốt, phối hợp tốt trên cơ sở những ban chỉ đạo hiện có.
Tháng 4-2014 hoàn tất tiêm vét ngừa sởi Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chiến dịch tiêm vét ngừa sởi sẽ được triển khai trong hai tháng 3 và tháng 4-2014, trong đó các địa phương phải tập trung rà soát các cháu dưới 2 tuổi chưa tiêm sởi hoặc chưa tiêm đủ hai mũi để tiêm vét ngừa dịch. Chiến dịch này phải đảm bảo tiêm đủ cho 200.000 trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ mũi. Để đảm bảo ngừa dịch tại khu vực miền núi hoặc vùng sâu vùng xa, bà Tiến yêu cầu tái lập các tổ tiêm chủng lưu động. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu bên cạnh tổ tiêm chủng lưu động cần có cán bộ y tế hỗ trợ nếu có trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ có thể xảy ra với trẻ em. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Gà vịt mà biết nói năng...Gia cầm tiêm phòng vẫn bị cúmLo gà Trung Quốc nhập lậuNguy cơ nhiễm cúm từ trứng gà nhập lậuBắt giữ 10 thùng gà thịt Trung Quốc nhập lậu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận