20/02/2014 08:32 GMT+7

Gia cầm tiêm phòng vẫn bị cúm

T.GIANG - M.KỲ - T. LŨY - L.DÂN - K.NAM - L.DUNG - M.VINH - H.ĐỒNG
T.GIANG - M.KỲ - T. LŨY - L.DÂN - K.NAM - L.DUNG - M.VINH - H.ĐỒNG

TT - Cúm gia cầm tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp. Nhiều gia cầm tại Cần Thơ và Quảng Ngãi đã tiêm phòng văcxin nhưng vẫn nhiễm cúm.

Lo gà Trung Quốc nhập lậuNguy cơ nhiễm cúm từ trứng gà nhập lậuBắt giữ 10 thùng gà thịt Trung Quốc nhập lậu

gXCjTTEF.jpgPhóng to
Tiêu hủy đàn vịt nhiễm cúm tại Quảng Ngãi - Ảnh: M.Kỳ
LIyLqJ3y.jpg
Cán bộ thú y huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tiêm văcxin ngừa cúm A/H5N1 tại trại gà 4.000 con của ông Lê Khả Lý, ấp Hòa Bình, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom chiều 19-2 - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Thông tin từ Cục Thú y cho biết ngày 19-2 dịch cúm gia cầm xuất hiện thêm ở hai tỉnh, thành nữa là Cần Thơ và Vĩnh Long, đưa số tỉnh, thành có dịch lên 16.

Vịt chết ngay sau khi tiêm văcxin

Khả năng cúm gia cầm lây từ chim

Ngày 19-2, ông Phạm Hồng Sơn, chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình, cho biết Quảng Bình đã xuất hiện điểm dịch cúm gia cầm tại trang trại của gia đình ông Trần Văn Sơn ở thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Kết luận này được trạm chẩn đoán - xét nghiệm thuộc Cơ quan Thú y vùng III đưa ra ngày 18-2 sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu vật phẩm lấy từ đàn gà của trang trại này. Theo ông Phạm Hồng Sơn, có khả năng ổ dịch này lây nhiễm từ chim trời, vì trang trại nuôi gà của ông Sơn vốn nằm biệt lập giữa rừng và thời gian qua không hề có mua bán gia cầm ra vào trang trại.

L.Giang

Sáng 19-2, trạm thú y huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho hay 108 con vịt nuôi 60 ngày tuổi của hai ông Lê Đức Điều và Trần Văn Giỏi ở xã Phổ Cường bị sốc thuốc và chết ngay sau khi tiêm văcxin cúm A/H5N1. Hiện trên địa bàn huyện Đức Phổ đã phát hiện bốn ổ dịch cúm A/H5N1 tại các xã Phổ Cường, Phổ Hòa, Phổ Văn và Phổ Vinh với số lượng gia cầm chết và tiêu hủy 10.383 con. Trạm thú y và chính quyền các xã, thị trấn đã tổ chức tiêm 289.000 liều văcxin và phun 900 lít hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ngày 19-2, Chi cục Thú y Cần Thơ cho biết từ cuối năm 2013 đến nay, tại Cần Thơ liên tiếp xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) nhỏ lẻ ở huyện Thới Lai, huyện Phong Điền. Gần đây nhất là bốn ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện Phong Điền, với hơn 2.800 con gia cầm bị tiêu hủy. Điều lo ngại ở đây là khi đi kiểm tra một số hộ dân có gia cầm chết, có hộ đã tiêm phòng văcxin đầy đủ nhưng đàn gà nuôi vẫn chết, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H5N1.

Lý giải về vấn đề đàn gia cầm đã tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn nhiễm cúm A/H5N1 tại Phong Điền, ông Nguyễn Anh Dũng - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Cần Thơ - cho biết có thể do văcxin không phù hợp với nhánh virút gây bệnh. Một nguyên nhân khác: không loại trừ khả năng xảy ra cúm A/H5N1 là do tiêm phòng thiếu liều lượng hoặc không đúng kỹ thuật, quy trình. “Hiện Cần Thơ tồn tại song song hai nhánh virút H5N1 gây bệnh cúm gia cầm”, ông Dũng nói. Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, trước năm 2013 tại Cần Thơ chỉ có virút nhánh 1.1 lưu hành, do đó theo hướng dẫn của Cục Thú y, Cần Thơ sử dụng văcxin Navet-Vifluvac do Việt Nam sản xuất. Văcxin này có hiệu quả đối với virút cúm A/H5N1 nhánh 1.1 và 2.3.2.1A, nếu virút gây bệnh thuộc nhóm khác (2.3.2.1B, 2.3.2.1C) thì không tạo được miễn dịch bảo hộ cho gia cầm sau khi tiêm chủng. Ngày 10-2 vừa qua, Cục Thú y công bố ba ổ dịch tại huyện Thới Lai và Phong Điền, gia cầm bệnh bị nhiễm virút nhánh mới là 2.3.2.1C.

Vịt chạy đồng lây bệnh

Ngày 19-2, ông Trương Văn Phú, phó trưởng Phòng Kinh tế quận Ô Môn (Cần Thơ), xác nhận đàn vịt khoảng 300 con tại phường Trường Lạc (quận Ô Môn) dương tính với cúm A/H5N1 và đang tiêu hủy, phun thuốc sát trùng. Ông Phạm Văn Chưởng, chủ tịch UBND phường Trường Lạc, cho biết đàn vịt được hơn một tháng tuổi của ông Đinh Văn Quí (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) chạy đồng sang khu vực Tân Thạnh và bắt đầu chết từ ngày 17-2. Ở xã Tân Thới đã xuất hiện ổ dịch trước đó nhưng người nuôi không thông báo cho địa phương biết khi cho vịt chạy đồng sang.

Trong khi đó, ông Trần Quang Củi - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết ngành nông nghiệp đã đề xuất chi ngân sách trên 4 tỉ đồng để tiêm phòng cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trước đó, ngày 16-1, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo tiêu hủy 4.700 con gia cầm sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 tại trại giống nông - lâm - ngư nghiệp huyện Hòn Đất. “Ngoài việc tiêm phòng cho gia cầm, chúng tôi đã tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm từ Campuchia sang thông qua hai cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành” - ông Củi nói.

Còn tại Hậu Giang, bà Hồ Thị Phương Loan, phó trưởng trạm thú y huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết kết quả mẫu bệnh phẩm gà chết của hộ anh Lê Văn Thiện (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân) dương tính với cúm A/H5N1 nên tiêu hủy ngay. Đàn gà bị tiêu hủy gồm 1.500 con. Tại Vĩnh Long, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại bảy hộ chăn nuôi thuộc bảy xã ở huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn và thị xã Bình Minh làm 5.705 con mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 12.942 con.

FVp13B3y.jpg
Dịch cúm gia cầm đã lan ra 16 tỉnh, thành tính đến ngày 19-2 - Nguồn: Cục Thú y - đồ họa: V.Cường

Nghi nhiễm cúm A/H5N1 ghép dịch tả

Chiều 19-2, ông Trân Nam Dân, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), cho biết: “6/6 mẫu bệnh phẩm được Trung tâm Nông nghiệp huyện gửi đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng V đều dương tính với virút A/H5N1. Đến nay, tổng số gia cầm bị tiêu hủy gần 10.500 con, tập trung chủ yếu tại các xã Mỹ Lâm, Phước Cát I, Đức Phổ và thị trấn Đồng Nai. Số lượng tiêu hủy này chiếm hơn 50% số lượng gia cầm có trên địa bàn toàn huyện. Riêng trong ngày 19-2, số gia cầm bị tiêu hủy gần 1.000 con”.

Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh (giáp ranh với huyện Cát Tiên), báo cáo của UBND huyện cho biết đã có hơn 12.500 con vịt thả đồng của sáu hộ gia đình tại ba xã, thị trấn đã bị tiêu hủy vì nghi nhiễm cúm A/H5N1. Bà Ngô Thị Nga, giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Qua điều tra dịch tễ, trung tâm đã xác định đàn vịt bố mẹ có nguồn gốc từ tỉnh Long An, nơi có dịch bệnh chủ yếu là dịch tả và bại huyết. Sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Thú y tỉnh cùng với trung tâm đã tiến hành mổ để chẩn đoán bệnh. Kết luận ban đầu vịt chết là do nghi nhiễm cúm A/H5N1 ghép dịch tả, trong đó triệu chứng dịch tả rõ nét hơn triệu chứng cúm A/H5N1.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Hưng, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng, cho hay kết quả phân tích mẫu gia cầm trên toàn tỉnh liên tiếp vào cuối năm 2013 và cuối tháng 1-2014 cho thấy 66,67% gia cầm trên địa bàn tỉnh dương tính với cúm A/H5N1. Một lượng lớn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã bị tiêu hủy, đặc biệt là các huyện giáp ranh Đồng Nai.

Tại Thanh Hóa, Sở NN&PTNT tỉnh này có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh đề nghị công bố dịch cúm gia cầm tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định.

T.GIANG - M.KỲ - T. LŨY - L.DÂN - K.NAM - L.DUNG - M.VINH - H.ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên