
Cúm mùa là bệnh nhiễm vi rút, chủ yếu do vi rút cúm A hoặc B gây ra - Ảnh do AI tạo
Cúm mùa là bệnh nhiễm vi rút, chủ yếu do vi rút cúm A hoặc B gây ra, lây truyền qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm vi rút.
Triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi và trong trường hợp nặng có thể khó thở hoặc suy hô hấp.
Cúm mùa ảnh hưởng thế nào đến bệnh tim mạch?
Trong hai thập kỷ qua, mối liên hệ giữa nhiễm cúm và các bệnh lý tim mạch ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Nhiều nghiên cứu phát hiện cúm mùa làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, đặc biệt ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2018 tại Canada đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine (một trong những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới) cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp sáu lần trong tuần đầu sau khi nhiễm cúm. Năm 2023, các nhà nghiên cứu từ Hà Lan đã công bố nghiên cứu với kết quả tương tự.
Một nghiên cứu khác của CDC Mỹ được công bố năm 2020 trên tạp chí Annals of Internal Medicine báo cáo rằng các biến cố tim mạch cấp tính nghiêm trọng thường gặp ở người lớn nhập viện vì cúm.
Nghiên cứu này đã phân tích hơn 80.000 bệnh nhân trưởng thành nhập viện do cúm trong tám mùa cúm và phát hiện rằng gần 12% bệnh nhân, tức 1 trên 8 người, gặp biến cố tim cấp tính, chẳng hạn như suy tim cấp hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính. Trong số đó, 30% phải vào khoa hồi sức tích cực (ICU) và 7% tử vong khi đang nằm viện.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim thường tăng trong giai đoạn đầu sau khi mắc nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng làm rối loạn quá trình đông máu và kích thích giải phóng các phân tử gây viêm. Điều này có thể làm mất ổn định mảng xơ vữa trong động mạch, khiến mảng xơ vữa vỡ ra, dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành.
Ngoài ra, tình trạng cơ thể sốt cao, thiếu oxy, gây tăng nhịp tim cũng gây gánh nặng cho tim, thúc đẩy người bệnh vào đợt suy tim cấp mất bù trên nền suy tim mạn.
Cách phòng ngừa rủi ro tim mạch trong mùa cúm

Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp sáu lần trong tuần đầu sau khi nhiễm cúm - Ảnh minh họa: AI
Tiêm vắc xin cúm: CDC khuyến nghị tất cả mọi người trên 6 tháng tuổi nên tiêm phòng cúm mỗi năm, đặc biệt là bệnh nhân tim mạch.
Một phân tích tổng hợp được công bố vào tháng 11-2023, tổng hợp dữ liệu từ hơn 9.000 bệnh nhân, cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 26% ở những người đã tiêm vắc xin cúm và tỉ lệ tử vong do tim mạch giảm 33%.
Bệnh nhân tim mạch nên tiêm vắc xin cúm bất hoạt (IIV - Inactivated Influenza Vaccine) hoặc vắc xin cúm tái tổ hợp (RIV - Recombinant Influenza Vaccine) vì đây là những loại vắc xin an toàn, không chứa vi rút sống, giúp giảm nguy cơ mắc cúm cũng như biến chứng tim mạch do cúm gây ra.
Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi cần thiết.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống cân bằng các loại thực phẩm có lợi, uống đủ nước, ngủ 8 tiếng mỗi ngày, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường hệ miễn dịch.
Tránh tiếp xúc với người mắc cúm: Hạn chế đến nơi đông người khi dịch cúm bùng phát.
Chăm sóc bệnh nhân tim mạch khi mắc cúm
Theo dõi triệu chứng: Nếu có dấu hiệu cúm, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt theo hướng dẫn bác sĩ.
Dùng thuốc theo chỉ định: Bệnh nhân tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng vi rút cúm điều trị cúm A (Oseltamivir), hoặc thuốc giảm đau NSAIDs/corticoid (có thể gây bất ổn huyết áp hoặc rối loạn đông máu đối với những bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông, tránh tự ý dùng chích thuốc có thể ảnh hưởng tim mạch).
Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm: Cần đến bệnh viện ngay nếu thấy: khó thở, đau ngực; cảm giác nhịp tim không đều, hồi hộp đánh trống ngực; huyết áp giảm, hoa mắt, gần ngất hoặc ngất; triệu chứng cúm kéo dài trên 7 ngày hoặc trở nặng.
ThS.BS Nguyễn Lê Phương Thảo là bác sĩ điều trị tại khoa phòng khám, Bệnh viện Tim Tâm Đức, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch. Ngoài chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nội tim mạch như bệnh van tim, bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, và rối loạn mỡ máu, bác sĩ Thảo còn thành thạo các kỹ thuật siêu âm tim hiện đại như siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim 3D...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận