Báo chí quốc tế và Indonesia tác nghiệp tại trung tâm báo chí, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại một sự kiện bên lề G20 vào ngày 14-11 - Ảnh: DUY LINH
Có thể đo đếm sự quan tâm của G20 từ trung tâm báo chí quốc tế ở Bali. Hàng trăm ghế và máy tính phục vụ G20 đã kín chỗ từ sáng sớm 14-11. Các hãng thông tấn và đài truyền hình lớn như NHK, Reuters, AP đều cử số lượng lớn phóng viên đến đưa tin về Hội nghị G20 được đánh giá là căng thẳng nhất từ trước đến nay.
Thượng đỉnh Mỹ - Trung hâm nóng hội nghị
Không khí tại trung tâm thi thoảng trở nên sôi nổi khi một vài lãnh đạo nước lớn xuất hiện trên màn hình chính bên trong trung tâm. Hầu hết câu chuyện mà phóng viên Tuổi Trẻ nghe được tại trung tâm lẫn trên bàn ăn trưa là về Nga - Ukraine và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung bên lề G20.
Chủ nhà Indonesia kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 có thể cùng nhau thảo luận về cách hợp tác xây dựng một tương lai ổn định hơn. Nhưng trong khi hội nghị thượng đỉnh năm nay có chủ đề hậu đại dịch là "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", các vấn đề địa chính trị lại đang chiếm vị trí trung tâm chú ý.
Chiều 14-11, một ngày trước khi G20 khai mạc, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên gặp mặt trực tiếp sau 11 năm. Trong khi chuyên cơ Không lực Một của ông Biden đến Bali từ tối hôm 13-11, Chủ tịch Tập và đoàn tháp tùng hùng hậu của ông đến Bali trên hai chuyên cơ chỉ vài tiếng trước cuộc gặp với ông Biden.
Một quan chức Nhà Trắng giải thích ông Biden muốn làm rõ với ông Tập rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng cùng Trung Quốc xác định rõ các ranh giới "an toàn" cho quan hệ hai nước.
"Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo là một màn tập dượt hữu ích trong việc mở lại các liên lạc cơ bản. Các cuộc hội đàm trực tuyến trước đó giữa ông Tập với ông Biden nhìn chung mang tính xây dựng và chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp đối mặt lần này, sẽ không có chương trình nghị sự hợp tác mới nào được mở ra. Có quá nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ - Trung và một cuộc gặp không thể giải quyết hết được", ông James Crabtree, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nói với Tuổi Trẻ.
Indonesia kêu gọi quan tâm về kinh tế
Cuộc gặp Tập - Biden không phải là vấn đề địa chính trị duy nhất tại G20 lần này. Chính quyền Tổng thống Joko Widodo muốn biến chuỗi hội nghị thành cơ hội nâng tầm quốc gia, thành nơi ghi nhận những thỏa thuận giúp thế giới tái thiết sau đại dịch.
Song những mối quan tâm về địa chính trị lớn đến nỗi ông Widodo có lần buộc phải lên tiếng: "G20 không phải là một diễn đàn chính trị mà là về kinh tế và phát triển".
Phải chuẩn bị Hội nghị G20 trong bối cảnh thế giới chứng kiến những cạnh tranh địa chính trị gay gắt là một thách thức lớn cho Indonesia. Mặc dù tuyên bố là vậy, Tổng thống Widodo đã phải nương theo sự kỳ vọng khách quan.
Ông đến cả Nga và Ukraine, mời cả hai nhà lãnh đạo cùng đến Bali dù Ukraine không phải là một thành viên của G20, đồng thời khước từ khi phương Tây gây áp lực để không mời Nga đến sự kiện. Nhưng cuối cùng cả hai tổng thống đều không đến, đồng nghĩa không có một cuộc gặp trực tiếp nào như ông Widodo từng kỳ vọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Sarah Teo thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định việc Tổng thống Putin vắng mặt là điều dễ hiểu và dù có nhà lãnh đạo Nga hay không thì việc các nước chỉ trích Matxcơva vì cuộc chiến tại Ukraine là điều gần như khó tránh khỏi.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov, người thay ông Putin đến Bali, đã kêu gọi G20 quay về với đúng bản chất của mình là chỉ bàn về vấn đề kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đó dường như là một tiếng nói lẻ loi.
Theo bà Teo, mặc dù về mặt lý thuyết, các diễn đàn đa phương như G20 thường được coi là đem lại lợi ích công bằng hơn và bình đẳng cho các nước tầm trung và nhỏ, chính trị cường quyền vẫn sẽ đóng vai trò lớn trong định hình chương trình nghị sự và đã có nhiều tiền lệ cho thấy điều này là đúng.
"Trong bối cảnh hiện tại, các nước vừa và nhỏ có nhiều lo ngại về tác động kinh tế, chính trị và an ninh của cuộc xung đột Ukraine và cả sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ. Xét về tổng thể, các thành viên G20 cũng là 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới với tầm quan trọng ngoại giao tương ứng trong các vấn đề toàn cầu, do đó sự kiện năm nay sẽ là một diễn đàn phù hợp để thảo luận các vấn đề địa chính trị", tiến sĩ Teo nói với Tuổi Trẻ.
Khó có thông cáo chung?
Một quan chức Indonesia tại Bali chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng trong bối cảnh có sự bất đồng về nhiều mặt giữa các thành viên G20 như hiện tại, việc ra thông cáo chung là bất khả thi. Thông cáo chung đòi hỏi tất cả các lãnh đạo/đại diện thành viên cùng ký tên, do đó đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối về câu chữ. Theo vị quan chức này, khả năng cao sẽ chỉ có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo hoặc tuyên bố của Chủ tịch G20 năm 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi thừa nhận đây có thể là kỳ G20 căng thẳng nhất từ trước đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận