Tại cuộc làm việc, ông Trần Thọ - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - kiến nghị với Bộ Nội vụ nên có hướng dẫn cụ thể trong việc thực thi Luật tổ chức chính quyền địa phương khi có hiệu lực vào năm 2016.
Theo luật, người dân sẽ bầu ra HĐND và từ đó HĐND sẽ bầu ra chức chủ tịch UBND, nhưng hiện nay huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính không có dân nên không thể bầu ra HĐND huyện.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thái Bình yêu cầu Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phải nhanh chóng làm việc với các cơ quan của Bộ Nội vụ để bàn phương án cụ thể, xin ý kiến để khi bước vào bầu cử năm 2016 thì đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp đối với chức danh chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa.
Trước đó, ông Nguyễn Đăng Hải - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng - cũng nói Đà Nẵng lâu nay được Nhà nước giao nhiệm vụ thiêng liêng quản lý Hoàng Sa, quy định rõ Hoàng Sa là một huyện của TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, kỳ họp Quốc hội vừa qua đã ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương và có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Với luật này, UBND TP nên cho tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái (Q.Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa là hợp lý và hợp lòng dân.
Theo ông Hải, với việc nhập hai phường này thì huyện Hoàng Sa sẽ được hoàn thiện bộ máy chính quyền với dân số khoảng 35.000 dân.
Hai phường này cũng là một trong những phường của Đà Nẵng có nhiều ngư dân và tàu thuyền thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Làm được việc này, chúng ta sẽ kéo được Hoàng Sa về gần với đất liền.
Khi được trung ương giao thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường (từ năm 2009), chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa.
“Nhưng với việc Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 thì Đà Nẵng sẽ quay lại thực hiện việc tổ chức HĐND tất cả các cấp. Và chỉ có HĐND bầu ra UBND, chủ tịch UBND cùng cấp chứ không có cơ chế bổ nhiệm. Như vậy, liệu Đà Nẵng có bổ nhiệm được chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa?” - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận