14/03/2022 17:50 GMT+7

Cần xác định thế nào là biển số đẹp đưa ra đấu giá, chống gian lận, đảm bảo minh bạch

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng trong nội dung dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa ra đấu giá, chống gian lận, đảm bảo công khai, minh bạch.


Cần xác định thế nào là biển số đẹp đưa ra đấu giá, chống gian lận, đảm bảo minh bạch - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo xây dựng dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 14-3, Bộ Công an tổ chức hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

"Trẻ hóa" người được cấp giấy phép lái xe máy?

Trình bày ý kiến tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay việc ban hành luật riêng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết.

Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự án luật cần đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong các quy định.

Bên cạnh đó phải đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý. Hạn chế phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Đảm bảo sự nghiêm minh trong thực hiện.

Trên cơ sở đó, ông Hiểu cho rằng vấn đề chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông.

Đối với quy định các hình thức cấp biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dụng, cần tiếp tục nghiên cứu quy định về đấu giá biển số.

"Cần xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa ra đấu giá, chống gian lận, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn thích hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước", ông Hiểu nói.

Về việc thay đổi hạng giấy phép lái xe, dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ chia giấy phép lái xe thành 11 hạng, thay vì 15 hạng như hiện nay. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe, phát sinh thủ tục cấp, đổi...

Từ đó, ông Hiểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc và nghiên cứu, làm rõ lý do, sự cần thiết để tránh phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu để "trẻ hóa" đối tượng được cấp giấy phép lái xe (hạng A01).

Giải thích về vấn đề này, ông Hiểu cho hay, hiện nay việc học sinh THPT đi xe máy nói chung và mô tô nói riêng đến trường là một nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn.

Vấn đề này còn xuất phát từ thực tế khi bước vào cấp THPT, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và đi học thêm khá nhiều, trong khi phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội…

Cần nghiên cứu, rà soát lại các vấn đề trùng lặp trong 2 luật

Cần xác định thế nào là biển số đẹp đưa ra đấu giá, chống gian lận, đảm bảo minh bạch - Ảnh 2.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Phát biểu tại hội thảo, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề, giúp việc bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Luật đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị 3 năm nên rất kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, trong hai luật hiện vẫn còn có một số vấn đề, nội dung có thể còn trùng lặp như phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng lòng đường, vỉa hè, tốc độ..., những vấn đề này vừa có trong Luật đường bộ vừa có trong Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

"Vì vậy ban soạn thảo của hai bộ cần nghiên cứu, rà soát các vấn đề này theo hướng những cái gì thuộc về trật tự an toàn giao thông và hoạt động của con người và phương tiện thì để ở Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn những gì "tĩnh" như đường bộ, vỉa hè, quy định về việc cấp phép... thì để ở Luật đường bộ", trung tướng Dũng nói.

Về vấn đề quản lý trật tự an toàn giao thông cần làm rõ trách nhiệm từng bộ, từng ngành, trách nhiệm đến đâu… Đặc biệt là trách nhiệm phân công phân quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã vì hiện ở trong dự thảo luật mới ghi chung là cấp chính quyền.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay sau khi xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Ban soạn thảo dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 3, để xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 4.

'Không nước nào tách Luật giao thông đường bộ thành 2 luật'

TTO - TS Vũ Anh Tuấn - Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức - chia sẻ như vậy tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ tổ chức ngày 14-2.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên