Bà Nguyễn Thị Nghĩa (bìa trái) trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, đại diện cho lãnh đạo Bộ lắng nghe và trao đổi với các đại biểu. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, diễn ra tại Hà Nội từ 10 đến 12-12.
Đưa nội dung khởi nghiệp vào chính khóa
Anh Phạm Ngọc Hải, trưởng ban TNTH, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đưa ra con số đáng suy nghĩ: "Khánh Hòa có trên 25.000 sinh viên, nhưng thống kê số lượng ý tưởng khởi nghiệp khả thi của sinh viên chưa vượt qua con số 50".
"Hiện tại, các nhà trường chưa có bộ phận chuyên trách phụ trách lĩnh vực liên quan đến khởi nghiệp (cả cơ sở vật chất và con người). Các hoạt động chủ yếu là do giáo viên kiêm nhiệm hoặc mời khách mời từ bên ngoài nhà trường, nên khó đảm bảo tính lâu dài, bền vững và chuyên sâu", anh Lâm Đình Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư quận ủy quận Bình Thạnh (TP.HCM) phân tích những bất cập dẫn tới vấn đề khởi nghiệp chưa được quan tâm.
Anh Lâm Đình Thắng cho rằng Bộ GD-ĐT cần có cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người làm công tác khởi nghiệp trong các nhà trường. Giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng tài liệu khởi nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kĩ năng cho học sinh, sinh viên, tài liệu cho cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp cũng rất cần thiết.
Anh Phạm Ngọc Hải, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học tỉnh đoàn Khánh Hoà phát biểu tại diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Anh Nguyễn Ngọc Hải đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như tổ chức mô hình "chuyến xe khởi nghiệp" nhằm đưa sinh viên đi thực tế, trải nghiệm, tham gia sâu hơn vào các dây chuyền sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần thành lập các diễn đàn về khởi nghiệp trên mạng, tương tự như "sàn giao dịch" để sinh viên trao đổi ý tưởng.
Các diễn đàn này cần có giải thưởng, hoặc hỗ trợ cụ thể cho những ý tưởng tốt để thu hút sinh viên tham gia.
Anh Nguyễn Ngọc Hải
Một số ý kiến của đại biểu về khởi nghiệp cho rằng Bộ GD-ĐT cần đưa nội dung khởi nghiệp vào các nhà trường, và chỉ đạo các nhà trường bắt buộc phải thực hiện như chương trình chính khóa.
Việc "bắt buộc" này mới khiến các nhà trường đặt nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp ở vị trí quan trọng, từ đó đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và có kế hoạch bài bản hơn trong việc đưa ra các hình thức hỗ trợ học sinh, sinh viên.
Chị Nguyễn Thị Thuý Lam, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi trường học tỉnh đoàn Đồng Tháp - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Theo anh Hải, nhà trường cần có bộ phận kết nối với các trung tâm khởi nghiệp của tỉnh, thành phố. Bộ phận này cũng kết nối với các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên về kinh phí hoặc tư vấn, tập huấn miễn phí. Với sự kết nối này thì những ý tưởng sáng tạo tốt mới có cơ hội tiếp tục được nuôi dưỡng.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, đại biểu của Tỉnh Đoàn Bến Tre, cho rằng Bộ GD-ĐT cần triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hơn việc dạy học tích hợp từ bậc phổ thông để học sinh vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó, lồng ghép giáo dục hướng nghiệp, giáo dục về khởi nghiệp ngay đối với đối tượng học sinh trung học.
"Cần xem giáo dục kinh doanh là một phần của nội dung hướng nghiệp", chị Nhung nhấn mạnh.
Một số đại biểu khá thẳng thắn khi cho rằng nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ cách "học để thi" như hiện nay, trường phổ thông sẽ chỉ tập trung luyện thi mà không dành thời gian để dạy học những nội dung thiết thực nhằm giúp người trẻ có kiến thức, kĩ năng để khởi nghiệp.
Cùng với việc hỗ trợ khởi nghiệp, các đại biểu cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần có các giải pháp tích cực hơn trong việc chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc hỗ trợ học sinh, sinh viên đưa nghiên cứu khoa học ứng dụng được vào cuộc sống, đưa các sản phẩm ứng dụng ra được thị trường.
Muốn như vậy, rất cần sự kết nối giữa các bộ, ngành, giữa các nhà trường, ngành GD-ĐT với các quỹ hỗ trợ tài năng, các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này không chỉ ở việc cấp kinh phí mà còn cần chọn lọc, phát hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu có triển vọng để giúp học sinh, sinh viên tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, tránh việc để lãng phí nhiều ý tưởng sáng tạo tốt chỉ dừng lại ở các cuộc thi lấy giải thưởng như hiện nay.
Thiếu thời gian cho trải nghiệm
Chị Nguyễn Thị Hương, Phó bí thư huyện Đoàn Yên Dũng, Bắc Giang, đánh giá hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thời gian qua đã được ngành GD-ĐT chú trọng hơn.
Việc này thể hiện qua đổi mới nội dung sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, các hoạt động chuyên đề, các chương trình dã ngoại, hoạt động từ thiện, các diễn đàn, câu lạc bộ đa dạng trong các nhà trường...
Tuy nhiên, theo chị Hương, việc trải nghiệm, nhằm giáo dục kĩ năng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vẫn gặp hạn chế, do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí và đặc biệt không có thời gian do các nhà trường phải học hai ca/ngày, chương trình học văn hóa nhiều, học sinh phải tập trung vào học ở trường và học thêm bên ngoài phục vụ thi cử nên rất khó khăn nếu muốn đẩy mạnh nội dung này.
Đại biểu Vương Toàn Thu Thủy, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hải Phòng, cũng cho biết công tác tư vấn tâm lý cho học sinh từ lâu gần như bỏ ngỏ trong nhà trường. Nếu có, chỉ là những dự án nhỏ lẻ, manh mún, chưa chuyên nghiệp.
Các đại biểu đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường sớm đưa nội dung trải nghiệm, các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào chương trình chính khóa. Trên cơ sở đó, các Sở GD-ĐT có kế hoạch đề xuất đầu tư về con người và các điều kiện thực hiện.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh đề nghị: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quan tâm không chỉ là cải cách phương pháp giảng dạy, đổi mới sách giáo khoa mà chỉ đạo đầu tư cho việc trau dồi đạo đức nghề giáo của đội ngũ giáo viên làm gương cho học sinh noi theo; đầu tư về kinh phí và thời gian (cố định) cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngoài giờ lên lớp, phong trào thanh thiếu nhi trong trường học.
Các hoạt động giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần phải hướng đến không chỉ dành cho học sinh, mà mở rộng ra cho thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cùng tham gia với các em để trải nghiệm, đồng cảm, gắn kết và yêu thương".
Chọn nghề gì - trăn trở lớn của học sinh
Đại biểu Nguyễn Thị Phượng, Bí thư Đoàn trường THPT Bắc Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cho rằng câu hỏi chọn nghề gì luôn là trăn trở của học sinh cuối cấp phổ thông.
Trong khi đó, công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sau THPT chưa được quan tâm đúng mức, vẫn hình thức, thiếu thực chất.
Chủ yếu việc tư vấn hướng nghiệp hiện nay mới chỉ là tư vấn để chọn ngành thi đại học trước khi kì thi THPT quốc gia diễn ra. Đa số học sinh không có hiểu biết cần thiết về các ngành nghề trên thực tế, và không có trải nghiệm để thực sự thấy mình chọn nghề gì phù hợp với sở thích, tố chất của bản thân.
Đam mê thực sự của học sinh rất ít, khi các em không có sự cọ xát với thực tiễn cuộc sống và các ngành nghề.
Chị Nguyễn Thị Phượng đề nghị công tác hướng nghiệp cần được làm sớm và phải được xây dựng nội dung bài bản. Ngoài các thông tin về nghề nghiệp, học sinh cần được trải nghiệm thực tế bằng nhiều hình thức.
Có cùng suy nghĩ như đại biểu Nguyễn Thị Phượng, một số đại biểu khác cũng cho rằng do vấn đề dự báo nhu cầu nhân lực, dự báo về quy mô, cơ cấu ngành nghề không tốt nên tình trạng "Học nhưng không được cống hiến" rất lãng phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận