Phóng to |
Ông Lang (trái) khi tiếp xúc với người làng - Ảnh: V.Minh |
Phóng to |
PGS – TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên trưởng khoa nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - Ảnh: Mỹ Dung |
*Sau khi chính quyền đưa hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang về lại với cộng đồng, đã có không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí có ý kiến đề nghị trả cha con họ về với đại ngàn. PGS đánh giá như thế nào về việc này?
- Để đánh giá chính xác hành động của chính quyền, chúng ta phải hiểu đúng về sự việc này. Tôi không đồng ý với việc gọi hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang là “người rừng.” Khái niệm “người rừng” làm cho chúng ta liên tưởng đến đây là những người lạc hậu, hoang dã dưới con mắt của người thuộc nền văn hóa khác.
Trong khi thực tế, họ không phải là những người lạc hậu như một số người nghĩ. Vì tuy vào rừng sinh sống nhưng ông Thanh đã có thời gian 40 năm sống với cộng đồng và còn tham gia quân đội nữa.
Ông có được những thói quen và kinh nghiệm như biết làm rẫy, trồng lúa, trồng bắp, trồng mì, đi săn thú, lấy vỏ cây để làm khố, biết nấu chín thức ăn… và lâu lâu còn gặp gỡ với những người thân của mình.
Ở góc độ nhân học sinh thái, cư dân Trường Sơn và Tây nguyên sống với rừng, văn hóa của họ là văn hóa rừng. Rừng là bản thể, bản sắc của người Thượng. Họ sinh ra lớn lên với rừng và chết lại trở về với rừng. Khác với người Kinh là văn hóa đồng bằng rất sợ “rừng thiêng nước độc”.
Tôi cũng cho rằng việc đưa hai cha con ông Thanh về với cộng đồng không phải là việc “giải cứu” mà đó là công việc phải làm, nên làm của chính quyền. Chính quyền phải quan tâm đến đời sống của người dân, trong đó có trường hợp hi hữu của cha con ông Thanh.
Dẫu vậy, đó vẫn là việc làm hết sức nhân đạo. Bởi vì, chính quyền đã đón cha con ông Thanh vào thời điểm mà sức khỏe của ông Thanh có vấn đề, cần được chữa trị kịp thời và họ đã sống tách biệt với cộng đồng đã lâu.
*Thế nhưng từ ngày về với cộng đồng đến nay, hai cha con ông Hồ Văn Thanh vẫn rất nhớ rừng, hằng ngày vẫn không nguôi cất tiếng gọi về đại ngàn. Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng nên trả cha con ông Hồ Văn Thanh lại với rừng?
- Tâm thức của người đã quen sống với rừng, sống biệt lập rồi thì họ vẫn có suy nghĩ muốn duy trì thói quen cũ, không dễ gì dứt bỏ ngay được. Đó là điều dễ hiểu.
Nhưng nếu trả họ về rừng, để họ sống nguyên sơ như trước thì tôi đã hình dung ra một viễn cảnh rất bi đát. Đó là ông bố chắc chắn sẽ chết vì trên 80 tuổi, tuổi già thì sự chống chọi với bệnh tật ngày càng yếu đi, lại không được chăm sóc y tế thì rất khó để “cưỡng” lại những ảnh hưởng của tuổi tác và môi trường.
Với các biện pháp y học dân gian thì những bệnh hiểm nghèo rất khó chữa trị và để ông Thanh chết trong rừng là chúng ta có tội.
Còn anh Hồ Văn Lang thì đã rõ ràng phải hứng chịu một tương lai cô độc ở phía trước. Để người con sống bơ vơ như vậy thì chúng ta đã phạm một trọng tội là không tôn trọng quyền làm người của họ, nói chính xác là vô hình chung tước đoạt quyền làm người của họ.
Bởi vì con người không phải chỉ sống với tự nhiên, không chỉ có sinh tồn mà còn sống trong môi trường xã hội. Con người khác với loài vật là sống thành xã hội, sống thành gia đình, thành bản làng, thành cộng đồng.
Khi tách khỏi xã hội, cộng đồng thì rõ ràng nhân cách con người sẽ không hoàn thiện, không thể thành người đúng nghĩa của nó. Thời gian sống ở rừng 40 năm do hoàn cảnh tạo nên, họ đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi. Khi đã biết chuyện đó, chúng ta đã đưa họ về với cộng đồng rồi, nếu bây giờ chúng ta trả họ lại với rừng là việc làm vô nhân đạo.
Nếu chúng ta đã đưa họ về rồi mà chúng ta không giúp họ tái hòa nhập cộng đồng được thì là một cái tội là chúng ta đã tước đoạt đi quyền làm người, quyền công dân của những người mà do hoàn cảnh đặc biệt, do cú sốc tâm lý mà họ phải trốn vào rừng.
Trách nhiệm của chúng ta là phải bù đắp những thiệt thòi, giúp họ được sống trong môi trường văn hóa đủ đầy, được giao tiếp với mọi người, được ăn, được mặc, được sinh hoạt như người bình thường. Cho nên muốn hay không thì vẫn phải đưa họ trở lại với cộng đồng.
*Rõ ràng không thể để hai cha con ông Hồ Văn Thanh trở lại với ngôi nhà cũ nhưng người ta vẫn lo lắng về việc tái hòa nhập cộng đồng với người con trai đã hơn 40 tuổi đầu của ông. Ông đánh giá về điều này như thế nào?
-Trước khi vào rừng ông Hồ Văn Thanh đã có 40 năm sống với buôn làng nên bây giờ quay về sống cùng cộng đồng sẽ dễ thôi. Còn với anh Hồ Văn Lang, con trai của ông, thì mọi việc sẽ phức tạp hơn. Bởi khi vào rừng, anh Lang chỉ chưa đầy 2 tuổi và đã có gần 40 năm sống với rừng, anh lại chỉ tiếp nhận văn hóa con người qua một mình người bố trao truyền lại.
Một mình người bố thì không thể trao trả cả di sản văn hóa của con người cho anh Lang được. Nên các khả năng như ngôn ngữ, giao tiếp cộng đồng, thích nghi văn hóa… của người con là ít.
Nhưng bù lại anh cũng không phải thật sự lạc lõng giữa cộng đồng bởi anh cũng đã được người bố trao truyền cho những thứ văn hóa như kỹ năng săn bắt, trồng trọt, hái lượm, nấu nướng, tìm kiếm thực phẩm…
Mặt khác, trước đó thi thoảng họ cũng có những người thân thăm viếng, đã liên lạc với nhau. Như vậy, anh Lang cũng đã từng tiếp nhận những văn hóa của cộng đồng rồi, bây giờ khi trở về sống cùng buôn làng thì anh được học hỏi nhiều và vốn văn hóa mở rộng hơn và khả năng thích nghi ngày càng cao hơn.
Nên tôi tin việc tái hòa nhập cộng đồng của hai cha con ông Thanh cũng không quá khó khăn nếu chúng ta biết cách hỗ trợ và giúp đỡ anh. Nhưng rõ ràng đây là những con người “nhạy cảm” nên cần nhiều thời gian để thích nghi từ từ.
*Chính quyền dự tính sẽ xây nhà cho cha con ông Hồ Văn Thanh cư ngụ. Theo PGS thì việc này có phù hợp không?
-Tôi muốn nhắc lại ông Thanh từng bị một trận bom giáng xuống gia đình và người thân nên đã tìm đến rừng để sống, để tránh cú sốc tâm lý đó. Giờ nếu chúng ta làm không khéo sẽ tạo tiếp cú sốc cả tâm lý và văn hóa cho cha con ông.
Làm nhà cho cha con ông là đúng, nhưng làm ngôi nhà sàn nhỏ thôi gần giống với cái chòi của ông ở rừng và gần ngay thôn bản để người thân qua lại. Không cần thiết phải làm nhà khang trang, lợp tôn hay xây ximăng, cha con ông sẽ không ở đâu. Phải tái tạo lại không gian văn hóa lâu nay họ đã quen.
Tôi lấy ví dụ, một số dự án làm sai mà tôi quan sát được ở Tây nguyên. Chính quyền xây nhà ngói, nền gạch ở ngay mặt mặt đường, làm toilet tự hoại cho một bộ phận cư dân nghèo người dân tộc thiểu số ở. Nhưng cuối cùng họ không ở, họ lại vào rừng.
Bởi vì sao? Những người này quen sống với rừng, vì rừng là không gian văn hóa - xã hội của họ. Nay ra mặt đường xe cộ ồn ào, họ không quen. Thứ hai, ra đó toàn người nghèo ở với nhau, không hỗ trợ gì được cho nhau.
Những người sống trong buôn làng được bà con buôn làng hỗ trợ. Trước đây, họ quen với phong tục tập quán sinh hoạt ở nhà sàn, nay lại xây nhà trệt cho họ. Nhà sàn nằm ngủ họ chỉ cần một cái chiếu, sinh hoạt lại không lo chó, gà, động vật “bủa vây”, còn với nhà xây họ dọn cơm ra thì chó, gà (do tập tục nuôi vật theo kiểu thả rông) đã vào ăn trước người.
Nhà sàn là sản phẩm sáng tạo văn hóa của người dân tộc nhưng chúng ta cứ nghĩ rằng nhà ngói, gạch mới là văn minh. Nghĩa là chúng ta không hiểu họ. Xây dựng các dự án phát triển cho người dân tộc thiểu số lại không căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của chính họ mà đưa cách nghĩ, cách làm của người Kinh để áp đặt cho họ.
Ý định của những người làm công tác dự án thì rất tốt nhưng vì thiếu hiểu biết thì nên cuối cùng không đạt được kết quả. Với trường hợp của cha con ông Thanh, tôi liên tưởng đến việc làm trên.
*Chúng ta phải làm gì để tránh cú sốc tâm lý thứ hai với cha con ông Thanh và giúp họ tái hòa nhập cồng đồng?
- Anh Hồ Văn Lang đã được cha nuôi dạy 40 năm. Nhưng khả năng ngôn ngữ của anh Lang vẫn chưa hoàn thiện, kỹ năng sống cũng không thể đầy đủ được. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì, đừng tạo nên cú sốc tâm lý với cha con ông Thanh. Thời gian để hòa nhập không phải tính bằng tháng mà bằng năm mà phải là hàng năm.
Để không tạo thêm những cú sốc lớn mang hậu quả ngược, chúng ta không nên làm ồn ào chuyện này, không nên làm thái quá mà phải ứng xử đúng.
Thích nghi văn hóa phải là một quá trình. Giải pháp tôi cho là phù hợp nhất, giúp cha con ông Thanh tái hòa nhập được với cộng đồng là chúng ta phải tái hiện lại không gian văn hóa rừng trong đời sống ở cộng đồng cho cha con ông. Đó là việc chúng ta không phải cắt đứt hẳn môi trường sinh hoạt trước đây trong ăn, mặc, sống của cha con ông.
Theo tôi, nên làm cho ông một căn chòi hoặc nhà sàn nhỏ ở giữa cộng đồng hoặc gần buôn làng cho cha con ông. Vẫn để ông đi rẫy, đi rừng như bình thường. Trong ăn uống thì có bổ sung thêm thức ăn mới nhưng vẫn nên có những món ăn quen thuộc, gần gũi như cuộc sống ở rừng trước đây.
Ngay cả đối với phác đồ điều trị cho cha con ông Thanh cũng phải khác, có những loại thuốc hiện nay chúng ta đã dùng chưa chắc đã hợp với ông nên ngay cả thuốc cũng phải cân nhắc. Và có những người bà con qua lại, làm họ quen dần với văn hóa cộng đồng, để họ vơi đi nỗi nhớ rừng, vơi đi nỗi nhớ cuộc sống trước đây.
Nhưng phải làm từ từ, phải rất thận trọng và phải rất theo dõi hành vi của hai cha con đó để hiểu họ. Và khi hiểu họ, chúng ta sẽ có cách làm đúng. Tuyệt đối tránh những cú sốc văn hóa mới như khách khứa đông, tiếp xúc ồn ào, tiếp nhận quá nhanh với các phương tiện văn hóa hiện đại.
Trước mắt, đối với trường hợp của ông Hồ Văn Thanh, vấn đề quan tâm lớn nhất là sức khỏe. Chính quyền cần phải chữa trị cho ông khỏe mạnh lên. Đối với trường hợp của anh Hồ Văn Lang, năm nay đã 41 tuổi rồi, thì bắt đầu hành trình thích nghi văn hóa để anh tái hòa nhập với cộng đồng và trở thành một người dân bình thường như bao người khác.
Đừng áp đặt văn hóa Trong nghiên cứu nhân học, chúng ta đã từng biết đến việc áp đặt văn hóa mới dưới dạng đồng hóa văn hóa sẽ khiến con người chết dần chết mòn. Chẳng hạn, việc áp đặt văn hóa mới, văn hóa phương Tây của thực dân Anh lên thổ dân Úc đã khiến văn hóa thổ dân Úc bị mai một, lại mắc nhiều bệnh tật hiểm nghèo như bệnh đậu mùa, các tệ nạn như nghiện rượu, hút chích, làm cho họ chết dần chết mòn. Tôi nhấn mạnh rằng quá trình thích nghi văn hóa là quá trình lâu dài, chúng ta không nên áp đặt. Bởi vì nếu chúng ta đưa ra những giải pháp theo quan niệm của chúng ta có thể là tốt, là đúng nhưng khi áp vào nền văn hóa khác khi chúng ta không hiểu nhu cầu và nguyện vọng của họ và xa lạ với tập quán của họ lại gây nên những tác hại khôn lường. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Chuyển viện cha con "người rừng", đốt chòi "tổ chim" Bị làm phiền, gia đình "người rừng" đòi tiền phỏng vấnĐưa "người rừng" về làng, nên không?Xác minh lại thông tin “người rừng”Ngày về lại làng xưa của hai cha con “người rừng”Đưa hai “người rừng” về làng“Người rừng” trở về sau 40 năm sống nơi thâm sơn cùng cốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận