13/08/2013 13:20 GMT+7

Đưa "người rừng" về làng, nên không?

K.NGỌC tổng hợp
K.NGỌC tổng hợp

TTO - Trong những ngày qua, từ khi câu chuyện và hình ảnh cha con ông Hồ Văn Thanh được đăng tải, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến. Không ít người đề nghị đưa hai cha con ông quay lại rừng.

Những bạn đọc này cho rằng cha công ông Hồ Văn Thanh không thể thích nghi được môi trường sống ngoài rừng trong một sớm một chiều.

RnTz9TFG.jpgPhóng to
“Người rừng” Hồ Văn Lang được dắt về làng - Ảnh: TTO

Tôi khóc khi nghe tiếng gọi "người rừng"

Việc cộng đồng phát hiện ra hai cha con cựu chiến binh Hồ Văn Thanh sống với nhau trong rừng sâu 40 năm là việc làm rất cảm động. Nhưng cách "giải cứu" thì tôi nghĩ có vấn đề.

Không thể nói là cha con ông Thanh không mừng vui khi gặp được người làng mình. Đến sói hoang cũng sung sướng khi tìm thấy bầy đàn nữa huống chi là con người.

Nhưng nếu "ép" cha con họ vốn quen thuộc với cuộc sống trong rừng sâu ngót 40 năm để về hòa nhập ngay với nơi chốn mới mẻ, đi đứng, tiếp xúc... rầm rộ với đám đông thì rõ là khiến họ bất an, hoảng sợ. Tâm sinh lý, thói quen bị đảo lộn quá nhanh.

Con người ai cũng mong tìm được môi trường sống tốt, ít nhất là phù hợp với chính bản thân mình. Có thể trong rừng sâu, hai cha con ông Thanh sống không thể nói là sung sướng (theo cách nhìn của chúng ta), nhưng đối với họ lại là yên ổn, tự chủ và quen thuộc. Họ đã quen được với môi trường rừng sâu núi thẳm.

Giờ họ tiếp xúc một môi trường sống khác, có thể vật chất đầy đủ hơn, mạng sống ít đe dọa hơn, nhưng thói quen, không gian sống, miếng ăn, giấc ngủ, cách sinh hoạt đã chắc gì tốt hơn khi họ ở trong rừng.

Thiết nghĩ những người thân và có trách nhiệm xung quanh cha con ông Thanh ở địa phương cần có thái độ hết sức cẩn thận, kiên nhẫn và khoa học trong việc giúp đỡ họ hòa nhập và thích nghi với môi trường mới. Có thể cử người vào nói chuyện, gợi nhớ kỉ niệm, giúp đỡ miếng cơm, manh áo, che chắn chỗ ở...

Cộng đồng không bỏ rơi họ nhưng trước hết phải tôn trọng cuộc sống tự do của họ. Rồi từng bước một, đưa họ thật sự hòa nhập với làng quê của mình.

Hàng ngày, ông Hồ Văn Lang vẫn tha thiết bật kêu lên: "Tra xú mờ gót" bằng tiếng Cor, nghĩa là muốn về lại rừng, ai nghe mà không ứa nước mắt. Tôi đang nghe tiếng gọi rừng của ông bên tai mình. Và tôi đã khóc.

VÕ TÁ LUÂN

Đừng nóng vội!

Họ là nạn nhân của chiến tranh, và cũng là những con người đáng khâm phục. Hãy giúp họ bằng cách hiểu đúng về họ và đừng để họ "shock" vì chúng ta. Cơ thể, tâm trạng, thói quen, lối sống của họ không thể sớm hòa nhập được với cộng đồng. Xin đừng nóng vội.

VĂN LÊ LINH

Tưởng là nhân bản

Tôi cho rằng việc chính quyền xã Trà Phong đưa cha con ông Thanh chuyển ra khỏi nhà họ mà không hề hỏi ý kiến của họ, không được sự đồng ý của họ là một sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do của những người này.

Chúng ta cứ tưởng tượng xem họ đang sống yên ổn với cuộc sống của mình, bỗng đâu một đoàn người lạ rập rực ập đến bắt dời đi chỗ khác. Đồ đạc cũng bị lấy đưa đi hết. Cảm giác sẽ ra sao?

Dẫu biết rằng việc làm của chính quyền với mục đích tốt đẹp là muốn "giải cứu" cho họ, muốn giúp họ hội nhập xã hội. Nhưng vấn đế ở chỗ người ta không muốn "được" "giải cứu" theo cách đó. Nói trắng ra là họ không muốn trở về hòa nhập xã hội và như thế thì tại sao chúng ta lại xăm xăm đi làm một chuyện người ta không muốn. Ánh mắt của "người rừng" vẫn ngóng về rừng sâu thăm thẳm, nơi đã cưu mang họ trong 40 năm.

Họ sợ hãi, hoảng loạn trước người lạ. Họ không biết giao tiếp xã hội. Thậm chí họ không thể ăn được các món ăn đãi đằng cho họ. Đọc những chi tiết trên, tôi cảm thấy thật sự ái ngại cho cha con"người rừng". Rồi đây, họ sẽ sống như thế nào? Họ sẽ làm gì để có "miếng ăn"?

Họ có hòa nhập được với xã hội hay không hay chúng ta lại gán cho họ một cuộc sống khiên cưỡng mà họ chẳng hề muốn? Sai lầm lớn nhất là chúng ta đã không hiểu họ, không hiểu họ muốn gì mà đã ùn ùn hành động. Cách tốt nhất là nên trả họ lại về rừng sâu. Xin hãy tôn trọng quyền tự do của "người rừng".

NGUYỄN TIẾN TÀI

Ông Thanh gắn bó cả nửa đời người với rừng rồi, nay đưa ông ấy về làng đột ngột thế này thì rất khó thích nghi. Nên chiều theo ý bố con ông ấy, để ông trở lại môi trường xưa. Tuy nhiên nên tạo điều kiện giúp bố con ông ấy như làm lại ngôi nhà, thêm dụng cụ sản xuất, quần áo để ông đỡ khó khăn.

THOAN NÔNG QUÝ

Nên dựng lại chòi trên cây ở trong vườn

Nên tháo dỡ căn chòi trên cây rừng của Ông Thanh đưa về lại nhà ở xã, sau đó tìm một gốc cây vững chắc trong vườn để dựng lại nhà trên cây cho hai cha con ngày ngày leo lên leo xuống cho đỡ nhớ rừng.

HUỲNH MINH HOÀNG

Cho cha con ông Thanh về nơi cũ

Hãy cho cha con ông Thanh về lại nơi ông đã sống 40 năm qua. Muốn giúp đỡ thì hàng tuần, hàng tháng vào thăm và hỗ trợ ông ấy.

BÔNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Xác minh lại thông tin “người rừng”Ngày về lại làng xưa của hai cha con “người rừng”Đưa hai “người rừng” về làng“Người rừng” trở về sau 40 năm sống nơi thâm sơn cùng cốc

K.NGỌC tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên