31/03/2023 08:17 GMT+7

Cần sớm chấn chỉnh chuyện học ngoại khóa

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn (TP.HCM) được nhiều người quan tâm đến thế. Bởi tình trạng ép học sinh phải đi học ngoại khóa đã diễn ra nhiều năm nay, khiến các phụ huynh bức xúc, dồn nén.

Học sinh lớp 6 ở TP.HCM trong một tiết hoạt động trải nghiệm tại Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: G.H

Học sinh lớp 6 ở TP.HCM trong một tiết hoạt động trải nghiệm tại Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: G.H

Học ngoại khóa hay học tập trải nghiệm bên ngoài nhà trường (sau đây gọi tắt là học ngoại khóa), vốn dĩ mục tiêu ban đầu của nó rất tốt đẹp: là cách hiện thực hóa chủ trương học đi đôi với hành, tạo điều kiện cho học sinh được học tập theo phương pháp trực quan sinh động, rèn luyện kỹ năng mềm...

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường phổ thông đã làm cho nó biến tướng và sai lệch.

Đó là các chuyến học ngoại khóa được tổ chức hàng loạt với mức phí "cắt cổ"; tuy trong thông báo nhà trường ghi rõ học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện nhưng thực tế các em bị ép buộc bằng nhiều cách.

Một trong những cách ép buộc khiến học sinh sợ hãi nhất là em nào không tham gia sẽ phải lên trường làm bài kiểm tra. Ở lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" - chẳng em học sinh nào lại muốn ở trường làm bài kiểm tra trong khi các bạn cùng lớp được đi chơi.

Nhưng điều khiến các phụ huynh phẫn nộ nhất chính là cách tổ chức học ngoại khóa một cách hời hợt, qua loa, không lấy học sinh làm trung tâm. Nhiều chuyến ngoại khóa có số lượng học sinh từ 500 - 1.000 em thì không thể tránh cảnh "cưỡi ngựa xem hoa".

Khủng khiếp hơn nữa là người ta sắp xếp chương trình một cách thiếu khoa học, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà tổ chức.

Như việc cho học sinh xuống tắm ở hồ bơi khi các em vừa ăn trưa xong, trong điều kiện trời nắng chang chang, hồ bơi thì không có mái che. Hậu quả là sau khi đi học ngoại khóa về, nhiều em đổ bệnh, phải nghỉ học.

Đó là chưa kể đến sự tắc trách của những người làm công tác tổ chức dẫn đến những trường hợp đau lòng như đã có trường hợp học sinh tử vong. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành và gần như năm nào cũng có.

Chính vì thế, phụ huynh rất lo lắng khi nghe con em phải đi học ngoại khóa. Nhiều bậc cha mẹ - sau khi bị ép buộc - đành phải đóng tiền đồng thời xin nghỉ phép để đi theo con.

Từ những chuyện mắt thấy tai nghe khi đi theo con em ở những chuyến đi ấy, họ càng bất an, lo lắng hơn. Bởi hoạt động đã không đạt hiệu quả về mặt giáo dục mà mức phí lại quá cao so với chi phí thực tế, trong khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho con trẻ.

Thêm nữa, từ cấp bộ đến cấp sở đã có khá nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết về cách thức tổ chức cho học sinh học ngoại khóa. Thế nhưng, tình trạng ép buộc học sinh đi học ngoại khóa vẫn cứ diễn ra khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nhà trường được gì từ các đơn vị lữ hành?

Nghề giáo chính là nghề "trồng người", người làm giáo dục cần phải có tâm. Chính vì vậy, càng không thể thả nổi tình trạng học ngoại khóa như hiện nay.

Chẳng lẽ các cơ quan quản lý nhà nước bó tay?

"Con tôi đi học tập ngoại khóa mà như hành xác"'Con tôi đi học tập ngoại khóa mà như hành xác'

Câu chuyện học sinh tham gia học tập ngoại khóa kết hợp với tham quan, tiếp tục là đề tài được bạn đọc quan tâm. Nhiều phụ huynh kể lại hành trình học tập ngoại khóa của con em mình chẳng khác gì hành xác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên