21/03/2021 14:13 GMT+7

Căn nhà An Đông và những ký ức Sài Gòn còn bỏ quên

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một ấn phẩm nữa của nhà văn Nguyễn Tường Thiết đưa bạn đọc quay về với những cảm nhận của cá nhân ông khởi đi từ những năm tháng tuổi thơ gắn bó với ngôi nhà ở giữa Sài Gòn: Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Phanbook và NXB Đà Nẵng).

Căn nhà An Đông và những ký ức Sài Gòn còn bỏ quên - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Chợ An Đông vẫn còn, dãy phố có ngôi nhà ông vẫn còn, nhưng những câu chuyện "từ đó mà ra" thì đã lùi hẳn vào ký ức. May thay, tác giả còn thao thức khôn nguôi trước biết bao biến động của cuộc đời mà ông sớm nhận ra nếu lấy gia đình mình làm điểm tựa trung tâm, nhìn ra bốn phía xung quanh thấy mỗi chuyển động trong từng mối quan hệ đều là đáng viết.

Sau quyển sách Nhất Linh cha tôi, những trang viết của Nguyễn Tường Thiết về ngôi nhà ở chợ An Đông này là một bổ sung cần thiết cho những ai vẫn theo thói thường bật ra câu hỏi: đằng sau nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh là người đàn bà thế nào? 

Câu hỏi bình dân vậy mà trả lời không đơn giản, bởi đến chừng đọc những trang viết của chính người con trong gia đình ấy tâm sự, mới thấy không chỉ một nếp nhà được neo giữ qua đôi tay tảo tần chạy chợ đúng nghĩa của một người đàn bà xứ Bắc tha phương lập nghiệp, mà hơn cả là từ căn nhà giản dị với bà chủ bình thường ấy, những người con theo chí cha bước ra trưởng thành cùng thời cuộc.

Một quyển sách in chung hồi ký và truyện ngắn, sự kết hợp là lạ, nhưng đọc rồi mới nhận ra cả hai thể loại này của Nguyễn Tường Thiết có một điểm chung. Đó là nó làm ta giật mình sực nhớ dường như lịch sử đã bỏ quên nhiều thứ quá. 

Tất nhiên lịch sử không có khả năng bỏ gì lấy gì, cái lịch sử đang được trình hiện mới xoắn xuýt với chuyện đó. Cho nên có phải căn nhà ở chợ An Đông chỉ gói gọn trong nghề bán cau khô của bà Cẩm Lợi thôi đâu. 

Ở đó có cả thế giới cộng đồng người lao động bình thường và cả không bình thường theo nghĩa sinh lý sức khỏe. Ở đó có cách mưu sinh của người Sài Gòn bản địa và cả những trăn trở lo toan của những người vừa từ phía Bắc Tổ quốc làm một cuộc di cư không tiền khoáng hậu vô Nam.

Nói đến đây mới nhớ dường như các trang viết khảo cứu đã bỏ qua mất một mảng lớn đề tài về những bước chân đầu tiên người Bắc di cư đặt chân lên đất Sài Gòn, họ làm gì ăn gì, hòa nhập cuộc sống ra sao, ấn tượng về một vùng đất mới trong những tâm hồn vừa rứt ra khỏi xứ Bắc kia là thế nào...? 

Lâu nay, chỉ thấy mỗi hồi ký Nhìn lại những bến bờ của Duyên Anh, ngoài ra chưa thấy các trang viết xốc xới vào mảng đời sống không kém phần độc đáo và sôi động này. Nguyễn Tường Thiết chỉ bằng cách kể lại ấn tượng của ông khi vượt một đoạn đường xa từ chỗ gần Sở Thú vào tận Chợ Lớn để được tắm ở hồ bơi "pít-xin", cũng chính là những nét hiếm hoi cho thấy đời sống thị dân của gia đình nhà Nhất Linh khi vừa từ Bắc trở thành cư dân Sài Gòn.

Nhưng cái quên đáng tiếc nhất vẫn là quên lãng những phận người khi cơn lốc thời cuộc cuốn qua. Nếu không có Nguyễn Tường Thiết với "Căn nhà An Đông..." này, dễ mấy ai nhớ được cái kết thúc đớn đau bi phẫn của ông chủ quán cơm gà Siu Siu sát cạnh nhà bà Cẩm Lợi, rồi cảnh đời của "chú Bẩy" - tức bác sĩ Nguyễn Tường Bách - và mối nhân duyên "trùng vận" rất kỳ lạ với người con rể có thể viết riêng thành một thiên tiểu thuyết mà tình tiết từ gia đình đến bối cảnh xã hội, thời cuộc đều rất hấp dẫn, rất đáng xem...

Còn nhiều trang viết độc đáo nữa, như cách cật vấn Hemingway để bị va dội với chính cha mình... và những trang viết rất duyên trong Căn nhà An Đông của mẹ tôi.

Sài Gòn - TP.HCM trong tranh trừu tượng của họa sĩ người Pháp Sài Gòn - TP.HCM trong tranh trừu tượng của họa sĩ người Pháp

TTO - Họa sĩ người Pháp Denis Marcon đã vẽ 22 bức tranh trừu tượng về Sài Gòn - TP.HCM bằng nét vẽ của cảm xúc, tâm hồn và trái tim của mình. Đó là một Sài Gòn rất khác trong cảm nhận của mỗi người.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên