09/10/2020 11:50 GMT+7

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở

MI LY
MI LY

TTO - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu qua đời trưa 8-10 ở tuổi 85. Ông là chủ hiệu ảnh Viễn Kính nức tiếng Sài Gòn xưa và cũng là phóng viên ảnh thời kỳ đầu của báo Tuổi Trẻ.

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 1.

Ảnh chụp Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thái Thanh - ba trong số những bức chân dung đẹp nhất của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu

Tin nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu qua đời để lại sự tiếc thương trong giới văn nghệ, báo chí Sài Gòn. May mắn là năm 2017, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên kịp thời hoàn thành cuốn sách khảo cứu - tiểu sử Ký ức một ảnh viện Sài Gòn: Câu chuyện Viễn Kính.

Cuốn sách kể về cuộc đời nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, số phận hiệu ảnh Viễn Kính cũng như câu chuyện đằng sau hàng trăm bức ảnh tài tử, giai nhân mà ông đã chụp.

Để viết sách, Nguyễn Vĩnh Nguyên dành nhiều tháng trời phỏng vấn, khảo cứu tư liệu cùng nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu. Anh viết trên trang cá nhân hôm 9-10: "Kính tiễn bác Đinh Tiến Mậu, người thợ ảnh bình dị, bặt thiệp và tài năng của Sài Gòn hào hoa một thuở".

Bình dị, bặt thiệp và hào hoa

Đinh Tiến Mậu không chỉ là nhiếp ảnh gia. Ông còn là chứng nhân của lịch sử, là người "sống để kể lại" sau khi bao nhiêu người cùng thời đã đi xa, sống ở xứ sở khác hoặc thành người thiên cổ. Và ông kể lại bằng thái độ nhẹ bẫng đến bất ngờ, chỉ nhận mình là "thợ ảnh".

Nhờ lòng trân quý tài năng, ông còn trở thành bạn của những kỳ nhân, nghệ sĩ Sài Gòn từng đứng trước ống kính của mình. Danh ca Thái Thanh, người qua đời hồi tháng 3 ở tuổi 88, từng coi ông như một người bạn có thể trút bầu tâm sự.

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 2.

"Đệ nhất danh ca" Thái Thanh từng là người bạn của nhà nhiếp ảnh - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU

Trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn, Đinh Tiến Mậu kể lại kỷ niệm của Sài Gòn một thời quá vãng, khi ca sĩ Thanh Thúy - một trong 10 giọng ca nổi bật của nền tân nhạc trước 1975 - từng là hàng xóm của ông. Có những tối đi diễn về, cô rủ ông đi ăn đêm để trò chuyện về cuộc đời, trở thành cô bạn nhiều nỗi niềm, rủ Đinh Tiến Mậu đi ăn đêm và trò chuyện.

Những phút giây bầu bạn như vậy về sau trở thành ký ức người ta nhớ mãi. Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu cũng tiết lộ, vợ ông chẳng hề ghen tuông dù ông làm bạn hoặc chụp ảnh những giai nhân đẹp nhất Sài Gòn thời đó.

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 3.

Thanh Nga, nữ hoàng sân khấu với vẻ đẹp đài các, sang trọng - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU

Trước ống kính của ông, họ đẹp, nhưng không phải vẻ đẹp ngồn ngộn xác thịt trong con mắt đàn ông mà là vẻ đẹp của chiều sâu nội tâm qua cảm nhận của người nghệ sĩ, chính là ông.

Nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên từng đọc vị ảnh Đinh Tiến Mậu, rằng để có những bức chân dung sâu thẳm ấy, hẳn ông đã dành nhiều giờ ngắm nhìn nhân vật, cảm nhận tính cách của họ và khiến họ cởi mở trước ống kính của mình. Điều quan trọng là ông luôn giữ được giới hạn và ứng xử chừng mực trong nghề, nên rất được giới nghệ sĩ tôn trọng.

Vẫn là chuẩn mực chân dung nghệ sĩ

Những bức chân dung Thanh Nga, Kim Cương, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Thái Thanh, ban hợp ca Thăng Long, Bạch Yến, Thanh Lan, Mộng Tuyền, Lệ Thu, Duy Khánh, Thành Được... đều là những bức ảnh đẹp, có sức sống với thời gian.

Các tác phẩm của Đinh Tiến Mậu cũng được nhiều báo, tạp chí và hãng phim ở Sài Gòn xưa ưa chuộng. Nhiều bức được coi là chuẩn mực về chân dung nghệ sĩ như ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Lan...

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 4.

Ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng được coi là chuẩn mực về ảnh chân dung nghệ sĩ qua dáng ngồi, cử chỉ, gương mặt, ánh mắt và thần thái - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU

Năm 2019, chương trình Ký ức vui vẻ cũng tái hiện hiệu ảnh Viễn Kính trên sân khấu và trưng bày những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Đinh Tiến Mậu. Dàn nghệ sĩ gồm Thanh Bạch, Quyền Linh, Hiền Mai, MC Lại Văn Sâm... đều trầm trồ, thể hiện sự ngưỡng mộ với những bức ảnh chuẩn mực về nhiếp ảnh chân dung.

"Ông ngắm nhìn rất lâu, để tìm ra thần thái của từng người. Trên ảnh của ông, không người nào giống người nào hết. Ảnh cứ ra mắt là khán giả mê. Các báo chờ đợi tác phẩm của ông Đinh Tiến Mậu. Viễn Kính để đời là vì vậy" - Thanh Bạch nói về ảnh của Đinh Tiến Mậu.

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 5.

Từ trái qua: Ban hợp ca Thăng Long, ca sĩ Lệ Thu và ca sĩ Thanh Lan - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU

Xuất hiện trong chương trình đó, Đinh Tiến Mậu vẫn minh mẫn ở tuổi 84. Ông chia sẻ cách chụp: "Nhiếp ảnh gia phải quan sát kỹ gương mặt của nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ mặt oval, có người mặt vuông, mặt tròn. Mình phải chọn ánh sáng, góc chụp đẹp nhất, người mặt vuông thì dùng mái tóc che đi, chọn dáng ngồi hợp với vóc dáng của họ".

Ông cũng tiết lộ các bức ảnh nghệ sĩ nữ luôn có phần lông mi rất đậm là do ông vẽ bằng tay trực tiếp lên ảnh. Tiết lộ này gây bất ngờ vì khả năng vẽ của ông cũng rất tốt, khiến những đôi mắt trở nên có hồn và quyến rũ hơn.

Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở - Ảnh 6.

Bức ảnh ghép độc đáo của nghệ sĩ Thanh Nga do Đinh Tiến Mậu tự lên ý tưởng và thực hiện - Ánh: ĐINH TIẾN MẬU

Từ trước năm 1975, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu đã thực hiện kỹ thuật ghép ảnh cho bức ảnh kép của nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là ý tưởng của chính ông khi muốn làm một điều đột phá trong nghề và được Thanh Nga hết mình ủng hộ.

Ông giải thích cách để lưu giữ nước ảnh đẹp và nét theo thời gian: "Lúc rửa nước, mình phải chà sạch hóa chất. Nếu còn hóa chất thì màu ảnh sẽ bị vàng và dễ bong". Đó là lý do các tác phẩm của hiệu Viễn Kính đến ngày nay chất lượng vẫn còn tốt để in cỡ lớn.

dinh tien mau

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu về thăm báo Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 44 năm thành lập vào năm 2019 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Người miền Bắc lưu giữ hồn cốt Sài Gòn

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, quê ở làng Lai Xá, Hà Đông trước đây, nay thuộc xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1948, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn khi mới 13 tuổi.

Vào Sài Gòn, ông học nghề chụp ảnh ở tiệm ảnh Văn Vấn và làm việc ở đó trong 10 năm. Năm 1958, ông mở tiệm riêng, mở đến 4 tiệm thì mới làm ăn yên ổn. Hiệu cuối cùng tên là Viễn Kính, ở 277 đường đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).

"Tôi là người Bắc, người Bắc chính cống" - Đinh Tiến Mậu nói trong một chương trình truyền hình. Ông vẫn giữ giọng nói quê hương, không hề thay đổi dù đã sống 72 năm ở Sài Gòn.

Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh

TTO - Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính là cuốn sách khảo cứu mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên về đô thị Sài Gòn.


MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên