09/11/2017 10:58 GMT+7

Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh

VƯƠNG THUẤN thực hiện
VƯƠNG THUẤN thực hiện

TTO - Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính là cuốn sách khảo cứu mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên về đô thị Sài Gòn.

Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh - Ảnh 1.

Bìa sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính - Ảnh: C.N

Nhưng những tiếng động đầu tiên có thể cất lên sau những lao xao chưa hẳn là những gì đáng chờ đợi nhất, khi ký ức hay sự hoài niệm rất có thể là một thứ mốt, chúng ẻo lả ra vẻ hào nhoáng hay chuyên chở những tham vọng đại tự sự lớn lao...

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Một đô thị Sài Gòn đã được mở ra từ một điểm nhìn hẹp là lịch sử một tiệm ảnh. 

Cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên về những điều bên ngoài trang sách dưới đây là một cách đọc khác.

* Đà Lạt và bây giờ là Sài Gòn. Từ bao giờ, đô thị trong tất cả các chiều kích từ không gian đến văn hóa là mối quan tâm của một nhà văn như anh?

- Ngoài việc cá nhân đã bị lực hấp dẫn của đô thị chi phối một cách tự nhiên, tôi thực sự quan tâm đến các đô thị khi tìm hiểu về những cơ tầng văn hóa bị phủ đậy bên dưới sự hào nhoáng và đổi thay nhanh chóng trong hiện tại. 

Tôi may mắn gắn bó với hai không gian trí thức rực rỡ của miền Nam ngày hôm qua, đó là Đà Lạt và Sài Gòn. Lại cũng chính hai nơi ấy, chiều kích "không gian văn hóa" đã có sự co giãn, biến dạng hay can thiệp mạnh mẽ nhất bởi những dư chấn lịch sử.

Sách Sách 'phê bình' từ điển Nguyễn Lân đoạt giải Sách Hay 2017

TTO - Giải Phát hiện mới của Sách Hay 2017 đã tôn vinh hai tác giả trẻ là Nguyễn Vĩnh Nguyên với Đà Lạt một thời hương xa: Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954-1975 và Huỳnh Trọng Khang với Mộ phần tuổi trẻ.

* Đà Lạt, với anh, là một ám ảnh tuổi trẻ, là những tiếp nhận văn hóa hương xa đầu tiên và lớn lao, có thể hiểu thế, để bắt đầu các tản văn và nghiên cứu về Đà Lạt. 

Thế còn Sài Gòn là gì? Và tại sao lại là một điểm quy chiếu rất nhỏ, một tiệm ảnh đã đóng cửa từ lâu?

- Những nghệ sĩ, trí thức miền Nam từng xê dịch giữa hai thành phố Đà Lạt và Sài Gòn. Đà Lạt là cao điểm của văn hóa, đời sống trí thức, nơi ẩn náu bình yên trước sự khốc liệt của thời cuộc chiến tranh. Đà Lạt là giải pháp cân bằng của cuộc sống Sài Gòn. Cho đến nay, với nhiều người, vẫn vậy.

Như bạn thấy, gần đây có nhiều cuộc lùng sục, khám phá trở lại những giá trị Sài Gòn trong quá khứ. Điều này rất đỗi tự nhiên sau một khoảng lặng kéo dài vì nhiều nguyên do. 

Tôi muốn tìm một góc tiếp cận khác - hiểu Sài Gòn ngày hôm qua, những đổi thay của đô thị qua tiểu sử của một ảnh viện và một nghệ nhân ảnh bình thường, bình dân. 

Suốt quá trình làm việc với nhân vật, tôi nhận ra điều thú vị - từ chính những người Sài Gòn bình dân, chẳng có tham vọng bước vào bức tranh lịch sử lớn của thành phố mới là những người nắm phần dữ liệu lịch sử thành phố trong tay.

Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Ảnh: LÊ QUANG NHẬT

Một hiệu ảnh nhỏ của một thị dân bình thường đã có thể tựu thành một công trình có sức lấp lánh riêng, vậy thì công trình văn hóa đô thị của một giai đoạn lịch sử không lẽ chỉ là những kết luận sơ sài và định kiến?

Hẳn còn nhiều điều để khám phá bên dưới hiện tại cuồng khấu mà chúng ta đang sống.

Tôi vẫn đang khám phá những cơ tầng ẩn giấu đó, không riêng gì Sài Gòn hay Đà Lạt.

* Trong cuốn sách mới, anh cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với cung cách giản dị, sự bình thường hóa mọi mối quan hệ thượng lưu của nhân vật chính. 

Anh có nghĩ đô thị đang đánh mất đi những người như vậy, và có phải chính những người như vậy đã tạo ra một Sài Gòn hào sảng và hồn nhiên?

- Trong một xã hội mà con người được định vị chủ yếu qua vật chất, của cải thì đúng là những mối quan hệ như thế trở nên ngày càng hiếm hoi. 

Bạn rất tinh tế khi chỉ ra điểm này: từ tình bạn giữa những người trên đỉnh cao danh vọng với anh thợ ảnh tưởng chừng vô danh một thời đã phóng chiếu một không gian văn hóa Sài Gòn biết coi trọng những giá trị nhân văn, đề cao nhân vị. 

Khi nói tới tính cách Sài Gòn, không thể quên điều đó. Điều này cũng làm nên tâm tính Sài Gòn mãi tới hôm nay.

* Anh tin có thể níu lại điều gì đó, để đô thị và con người đô thị không bị biến dạng hay vô hình?

- Chẳng mong níu giữ điều gì cả, mà trước hết, với cá nhân mình, là để tri hành, để hiểu hơn về những nơi chốn và cái thời cuộc mà mình thuộc về.

VƯƠNG THUẤN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên