24/01/2020 10:00 GMT+7

Cần người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm

MZUNG
MZUNG

TTO - MZUNG (Nguyễn Mỹ Dung) là một nhà làm phim độc lập theo đuổi những đề tài về bảo vệ môi trường. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, trải nghiệm việc bảo vệ động vật hoang dã, cô trở về Việt Nam để theo đuổi một hành trình mới: tái chế.

Cần người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm - Ảnh 1.

MZUNG dành cho Tuổi Trẻ Xuân câu chuyện mà cô muốn chia sẻ với mong muốn nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Ngày 29-4-2010, con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam bị những kẻ săn trộm bắn chết tại Vườn quốc gia Cát Tiên. 

Kẻ thủ ác đã bắn viên đạn vào chân của con thú hoang dã khiến nó bị thương nặng, nhiễm trùng, bị săn đuổi và chặt sừng cho đến chết. Việt Nam từ đó không còn nằm trên bản đồ phân bổ tê giác mà có mặt trên bản đồ tuyệt chủng loài thú ăn chay to lớn này.

1. CÁI CHẾT CỦA TÊ GIÁC JAVA 

Vào thời điểm ấy, tất cả các bản tin tiêu điểm đều nhắc đến sự kiện này. Nhiều người trước đó còn chưa biết tê giác là gì, vậy mà chỉ trong một ngày người ta bắt đầu nói đến nạn săn bắn trái phép, đến vấn đề nguy cấp và tuyệt chủng, đến nạn sử dụng động vật hoang dã trong đông y và hiệu ứng giả dược trên khắp các diễn đàn. 

Lúc đó tôi còn đang trong một dự án phim truyện ngắn về đề tài giới tính bỗng thấy mình bị xao động mạnh bởi rất nhiều thông tin bủa vây. 

Cuối năm 2010, tôi quyết định gác lại mọi dự án để làm tình nguyện viên trong rừng quốc gia Nam Phi, để được tìm hiểu về tê giác và đời sống các loài hoang dã. Làm việc trong điều kiện thiếu thốn của châu lục này với rất nhiều mối đe dọa xung quanh khiến nhãn quan tôi được quan sát nhiều chiều. 

Ở đây, tất cả các loài trong hệ BIG 5 (tê giác, voi, báo, sư tử và trâu rừng) đều trong tầm ngắm của bọn săn trộm đến từ châu Á mà được chỉ đích xác là đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Số lượng của các chi loài giảm trong vài thập kỷ với tốc độ chóng mặt, nhất là tê giác đen và tê giác trắng. 

Hàng ngàn tình nguyện viên, nhà nghiên cứu và bác sĩ thú y đổ về từ nhiều nơi trên thế giới, hàng hàng con số tài chính đổ vào các khu bảo tồn tê giác nhưng mỗi sáng thức dậy họ đều phải nhận ít nhất một tin buồn. 

Có lần, phi hành đoàn đáp xuống mặt đất, nước mắt chảy dài, họ đem về những dữ liệu hình ảnh từ trên cao về một con tê giác mẹ mang thai nằm trong vũng máu với chiếc sừng bị cắt sát vào đầu. Vài ngày sau đó, trạm cứu hộ và khu nghiên cứu im bặt tiếng cười. 

Những buổi tưởng niệm cho chúng ngày càng dày lên rồi bỗng thưa thớt dần đi vì chẳng còn bao nhiêu tê giác được thả ngoài tự nhiên để bị săn bắn nữa. 

Bộ phim tài liệu ngắn A strange war là về tê giác và những cuộc chiến kỳ lạ xung quanh mạng sống của chúng cùng với sự thay đổi lớn lao trong sự nghiệp làm phim của tôi. 

Cần người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm - Ảnh 2.

MZUNG và hoạt động chụp ảnh thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam - Ảnh: NVCC

2. BORNEO VÀ MÀU XANH GIẢ TẠO 

Trong tiếng Bahasamalayu, Orangutan nghĩa là người rừng, là tên của loài đười ươi sống trên đảo Borneo. Đảo Borneo là một trong những hòn đảo lớn nhất Trái đất, từng được xem như lá phổi của châu Á, là tiểu hành tinh hoang dã nơi loài linh trưởng (khỉ) và các loài thú nhiệt đới khác sinh sống. 

Vậy mà chỉ trong thập kỷ, hòn đảo này đã trở thành một chảo lửa. Khắp nơi trên các bang của Malaysia, người ta đốt rừng để trồng dầu cọ và cao su; các đám cháy rừng ở Indonesia kéo dài hàng tháng, khói bụi phủ xám cả bầu trời. Các loài thú bị cướp mất chỗ ở, bị cướp mất ngôi nhà của chúng, bị thiêu trụi trong đám cháy và lần lượt bị xếp vào danh sách nguy cấp hoặc tuyệt chủng. 

Tôi chứng kiến cả trăn, kỳ đà, mèo rừng, gà nước… bị xe tải thu hoạch cọ tông chết trên xa lộ, tận mắt nhìn thấy cả những nỗ lực cứu hộ gấu Sun Bear, rùa biển… của hàng trăm trạm cứu hộ và tình nguyện viên, nhưng sự tác động bạo liệt của con người đến thiên nhiên hoang dã vẫn là hình ảnh khủng khiếp nhất. 

Những cánh rừng nhiệt đới được thay thế bởi màu xanh giả tạo của dầu cọ, vùng đất này đứng trước nguy cơ mất cân bằng sinh thái với tốc độ suy thoái không khác gì Việt Nam. Loài Orangutan cũng sẽ đến một ngày bị ngọn lửa săn đuổi không khác gì con tê giác Java.

Trong 2 năm sống và làm việc ở Borneo, tôi đã làm thêm nhiều phim tài liệu nhưng When our garden grow silent (Khi khu vườn im lặng) có lẽ là phim được tôi kể đậm đặc nhất về sự ra đi của cánh rừng và màu xanh nguyên thủy bị tước đi của chúng.

Cần người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm - Ảnh 3.

Loài vẹt Scalet Macaw được MZUNG chụp tại rừng nhiệt đới Amazon, Peru - Ảnh: NVCC

3. RỪNG AMAZON VÀ AI CẬP HUYỀN BÍ 

Công việc làm phim và niềm vui được sống trong rừng nhiệt đới đã khiến tôi đến với Amazon. Cánh rừng và con sông cùng tên này đã đi vào huyền thoại cùng với những câu chuyện thâm sơn cùng cốc. 

Ấy thế mà cùng với tốc độ phát triển não bộ của giống loài Sapien, rừng không còn là nơi tôn nghiêm cấm kỵ nữa. Bất chấp cả con sông thác cuốn và đá ngầm chằng chịt, bỏ qua cả những lối đi hiểm trở của cánh rừng, bọn săn trộm đã có mặt trong từng hóc hẻm. 

Chúng giăng bẫy để bắt loài vẹt đỏ Scalet Macaw mang về châu Á bán cho bọn trọc phú nuôi làm cảnh. Loài vẹt đỏ kiêu hãnh và đẹp đẽ này hằng ngày vẫn sà cánh xuống bờ sông rỉa đất sét và ăn trái trên cành bỗng bị nhốt vào lưới, bị vận chuyển qua hàng loạt cửa khẩu các quốc gia rồi biến thành thú nuôi chẳng khác gì con gà. 

Tình nguyện viên ở Amazon hằng ngày vẫn băng rừng, trèo lên cây cổ thụ để xây tổ cho loài vẹt, chăm sóc từng quả trứng và từng cá thể bị nhiễm bệnh. Mỗi ngày họ đều không thể đếm hết bao nhiêu chim bố chim mẹ không quay về và bao nhiêu quả trứng, chim con bị chết vì đói và lạnh. 

Câu chuyện về loài chim hồng hạc đẹp như một thiên thần giáng thế lại buồn theo một cách khác. Ở biên giới Ai Cập và Sudan có một hồ nước lớn - hồ Nasser. Hồ được hình thành bởi quá trình tức nước trên sông Nile khi chính quyền Nasser ngăn dòng chảy xây đập High Dam để làm thủy điện. 

Rất nhiều làng mạc trong đêm bị xóa sổ, rất nhiều người dân mất nhà cửa và sinh kế đành phải kéo nhau vào đô thị Cairo để sống, nhưng cũng chính tác động nhân tạo ngoài ý muốn này mà một vùng hoang dã trù phú được hình thành. 

Có nước là có sự sống. Đang từ là một vùng sa mạc cát, bỗng dưng nước tràn vào, dâng lên và các loài thú được hồi sinh. Cá sấu, bồ nông, chim hạc, hồng hạc… từ các nơi kéo nhau về làm tổ. Chưa được bao lâu thì bọn thợ săn tiêu khiển xuất hiện. 

Tôi còn nhớ khi thuyền cập vào một hòn nổi nhỏ, một đàn bọ và ruồi nhặng đen kịt bay lên rào rào cùng mùi phân hủy nồng nặc. Xác loài chim hồng hạc mới có cũ có nằm rải rác trên mặt cát, máu đỏ vương đầy trên lông cánh. Cách đó không xa là canô chở bọn thợ săn tiêu khiển với súng ống đạn dược quần thảo dưới mặt nước. 

Tôi ở lại Ai Cập 3 năm và đã lấy những hình ảnh này làm tư liệu cho loạt phim thể nghiệm về môi trường của mình.

Cần người trẻ tử tế đi sửa những sai lầm - Ảnh 4.

Bức tranh về môi trường biển được MZUNG vẽ ở Cairo, Ai Cập - Ảnh: NVCC

4. CÁI CHẾT CỦA CON CÁ NHÀ TÁNG 

Siêu đô thị Cairo hay bất cứ thành phố sầm uất nào ở các nước đang phát triển trên thế giới đều có một bộ mặt na ná nhau. Nhà cửa mọc lên san sát, người dân ở nông thôn các tỉnh ùa về để kiếm việc làm. 

Con người đi tới đâu, đất đai tư hữu sẽ được mở rộng, vùng hoang dã sẽ bị thu hẹp lại. Nếu gọi đó là những cách nhìn vĩ mô thì ở tầm vi mô hơn, bằng mắt thường chúng ta sẽ nhìn thấy rác có mặt ở khắp mọi nơi. 

Cơn lốc tấn công của rác thải sinh hoạt và công nghiệp khiến Trái đất trở thành một bãi rác khổng lồ. Một ví dụ đơn cử, ở các gia đình, mỗi em bé sinh ra mỗi ngày sử dụng ít nhất một tã lót dùng một lần, một em bé trung bình có thể sử dụng 6.000 tã ở thời kỳ ấu thơ. Mỗi ngày, mỗi nhà ít nhất 1kg rác thì tỉ người sẽ là bao nhiêu tấn rác? 

Ở đảo, ở vùng ven biển, rác bị ném thẳng xuống mặc cho sóng đánh dạt vào hoặc trôi vật vờ rồi “lưu vong” sang địa phận khác. Nghe cứ như là “cái chết trắng”, “chất trắng” của một thời kỳ kêu gọi xã hội chung tay giải quyết vấn nạn ma túy, HIV. 

Trong cuốn Đời không plastic có nói: “Quy luật của tự nhiên hết sức đơn giản: những mảnh vụn phân hủy của loài này là nguyên liệu thô cho loài khác. 

Điều này vẫn đúng cho tới vài thập niên gần đây, khi loài người bắt đầu phát minh ra các chất liệu mất hàng thế kỷ mới phân hủy được, và trong khoảng thời gian đó, những chất liệu này chỉ làm lợi cho thiểu số nhưng lại gây tổn hại cho đa số loài khác”. 

Câu chuyện gây sốc nhất có lẽ là cái chết của một con cá nhà táng nặng 6 tấn chết trên bờ phía nam Tây Ban Nha. Con cá khổng lồ 6 tấn này mang trong bụng nó đến 29kg rác thải nhựa đến từ nhiều quốc gia. Đấy là cái chết của một loài lớn dạt vào bờ, còn rùa, cá và các loài nhỏ hơn nữa thì không thống kê hết được. 

Những nhà khoa học đã đến tận hòn đảo Lord Howe ngoài khơi của nước Úc để tìm thấy loài hải âu với bụng chứa đầy nhựa. Thức ăn chúng mang về nuôi con không phải là cá mà đổi lại là những mảnh nhựa từ nắp chai nhựa, bật lửa... Xác chúng rải đầy trên hòn đảo như một điềm báo không vui về tương lai của chúng ta. 

Rác thải trong đô thị, trên biển đảo và sông ngòi trở thành đề tài quan trọng tiếp đó trong sáng tác của tôi và các dự án sau này. 

5. LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI TRẺ 

Tôi trở về Việt Nam vào cuối năm 2018 và chọn Sài Gòn làm đô thị thí điểm cho dự án của mình. Mzung Space (trước đó là Mzung Tea House) là không gian tái chế, hầu hết các vật dụng nội thất và trang trí đều được làm từ đồ bỏ đi, nhặt về từ bãi rác hoặc được bạn bè cho tặng. 

Ở đây tôi đề cao giá trị tinh thần bền vững, kiến tạo một thế giới bằng tri thức, suy tưởng và tâm hồn rộng mở. Ở không gian của Mzung thường xuyên tổ chức các lớp học/workshop đa dạng với phương cách tiếp cận bằng nghệ thuật, phim ảnh, tranh vẽ, mỹ thuật và tái chế. 

Mục tiêu của Mzung Space là đào tạo cho người trẻ Việt Nam biết đến các phương pháp tái chế mọi thứ, giải pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu tiêu dùng mua sắm khi vận dụng vào đời sống thực tiễn. Các giá trị nhân bản trong sáng được lưu trữ thông qua hàng loạt hoạt động đa dạng, nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và bảo tồn thiên nhiên hoang dã. 

Xương sống của không gian này là môi trường và bảo tồn nhưng mô hình tôi xây dựng đó là làm việc với người trẻ. Họ là tình nguyện viên làm công việc nhặt rác và tái chế nhưng cũng đồng thời là học viên, là khán giả, cộng sự với tôi trong suốt cả hành trình. Những bài học trước đó ở những nơi tôi tới đã được áp dụng và cải tiến những mong thay đổi được một phần xã hội. 

Giữa rất nhiều những câu chuyện buồn, những tin không vui, những cái chết là điềm báo, tuyệt chủng một loài là dấu hiệu đứt gãy trong vòng tròn sinh thái, ô nhiễm môi trường là vấn nạn. 

Điều mà tôi có thể làm được đó là nuôi dưỡng niềm tin ở những việc mình làm và thế hệ tương lai. Sẽ phải đến lúc thế giới không cần người thành công nữa, mà cần người trẻ tử tế để đi sửa những điều mà thế hệ chúng ta đã sai lầm.

Rác của cả người giàu, kẻ nghèo, người trí thức đến lao động phổ thông, từ công sở đến chợ búa, nông thôn đều cùng chung một số phận.

Đó là bị lấp dưới lòng đất, bị “hỏa thiêu” lên tận tầng ozone và nhiều nhất là chu du trên biển.

Chúng ta gọi “biến chứng” của loại “bệnh mãn tính” này là: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nhựa và nilông, ô nhiễm trái đất, ô nhiễm đại dương… hay bất kỳ các danh từ ghép mới có cũ có. Nhưng có một nhóm nhà khoa học châu Âu gọi đó là “Ô NHIỄM TRẮNG”.

Những người trẻ trồng cây phủ xanh Việt Nam Những người trẻ trồng cây phủ xanh Việt Nam

TTO - 'Ai trồng cây người đó có hạnh phúc' - đó là lời Bài hát trồng cây và cũng là giá trị mà Hạnh phúc xanh - dự án cộng đồng khuyến khích mọi người trồng cây xanh đang lan tỏa mỗi ngày.

MZUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên