08/08/2017 10:13 GMT+7

Cần một lưới ngăn “thường trực”

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Những thất thoát như núi “Thái Sơn” không phải là lần đầu, và cũng chưa phải cuối cùng. Sắp tròn 14 năm từ ngày ký kết Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc, ta đã noi theo các điều khoản trên được đến đâu?

Ông Trầm Bê nghe cơ quan công an đọc lệnh bắt - Nguồn: công an cung cấp

Chuyện nay anh này sa lưới, anh kia ra trước vành móng ngựa, anh nọ “trong tầm ngắm”…, nghe qua cũng “kêu”. Song, việc xử lý các cá nhân đó liệu có vớt lại được những thất thoát đã gây ra hay không, và nếu vớt được, thì được bao nhiêu phần trăm khi mà số tiền thất thoát chỉ riêng mỗi một vụ đã hơn 40.000 tỷ?!

Những thất thoát như núi “Thái Sơn” đó không phải là lần đầu, và cũng chưa phải là cuối cùng.

Thậm chí, chẳng cần phải to như “hổ” mới có thể gây thất thoát, mà bé bằng con “muỗi” như một nhân viên chi nhánh ngân hàng cấp huyện cũng có thể làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt trên 100 tỉ đồng, với sự “nhắm mắt” của sếp chi nhánh ngân hàng đó.

Mở ngoặc đơn, tại sao ngân hàng này, chớ không phải ngân hàng nào khác, lại cứ rộ lên những tin tức giám đốc nhân viên chi nhánh “thụt két” như thế ?

“Rộ” đến nỗi mới hôm 21/7 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã xướng danh ngân hàng này kèm theo nhận xét sau, “Hầu hết các chi nhánh Ngân hàng… được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay”.

“Chuyện dài đau khổ” này đã kéo dài từ năm này sang năm khác, vậy mà vẫn cứ tiếp diễn không ngừng!

Dường như, từ sau vụ Vinashin, Vinalines…, vẫn chưa rút ra được bài học nào cụ thể, nên thất thoát cứ tiếp tục ở mọi cấp độ. Có phải do vẫn còn thiếu một cái lưới phòng ngừa tổng thể?

Nếu chú tâm đọc lại Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc, mà Việt Nam là một trong những nước ký kết sớm nhất, không thể không tự đặt câu hỏi: Tại sao sau phần “Lời nói đầu” và chương 1 gồm “Những qui định chung”, chương 2 dành cho “Các biện pháp phòng ngừa”?

Đó là do có phòng tốt, mới ngăn chặn được không cho tham nhũng phát tác hoành hành, “nhân rộng”, chớ chống thì, xin lỗi, có túm được ai, thất thoát cũng đã “bốc hơi”, biến thành của chìm, của nổi ở đây, ở kia mất rồi!

Trong số các biện pháp phòng ngừa mà Công ước nêu ra, có biện pháp vĩ mô sau: "Mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho các cơ quan có trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng sự độc lập cần thiết” (điều 6.3).

Song song, Công ước cũng quy định: mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để tăng cường minh bạch trong quản lý hành chính công, kể cả về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định.

Các biện pháp đó bao gồm:

(a) Ban hành những thủ tục hoặc quy định cho phép công chúng, khi thích hợp, có được thông tin về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định của các cơ quan hành chính nước mình, cũng như các thông tin về quyết định và hành vi pháp lý liên quan đến công chúng mà vẫn đảm bảo được bí mật và thông tin cá nhân;

(b) Đơn giản hóa thủ tục hành chính ở những khâu thích hợp nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định;

(c) Công bố thông tin, trong đó có thể bao gồm báo cáo định kỳ, về nguy cơ tham nhũng trong các cơ quan hành chính nước mình.

Các trích dẫn trên mới chỉ từ vài ba điều trong Công ước gồm 71 điều này. Sắp tròn 14 năm kể từ ngày ký kết Công ước này, đã noi theo các điều khoản trên được đến đâu? Thiết nghĩ, bắt đầu tuân thủ vài điều khoản nêu trên cũng đã là một cái lưới hứa hẹn không lủng rồi.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên