13/07/2017 18:25 GMT+7

​Ông Trầm Bê liên quan gì trong đại án Phạm Công Danh?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - 15 cá nhân tại Sacombank, trong đó có ông Trầm Bê, bị cơ quan điều tra kết luận đã có sai phạm nghiêm trọng nhưng ngân hàng nhà nước giám định không gây thiệt hại cho Sacombank nên không bị xử lý hình sự.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 9-9-2016 - Ảnh: Ngọc Dương
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 9-9-2016 - Ảnh: Ngọc Dương

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Hành vi sai phạm của hàng chục cán bộ ngân hàng nêu trên đã khiến ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng.

Duyệt cho vay vì quen biết

Kết luận điều tra thể hiện tháng 4-2013, Phạm Công Danh đã đến gặp ông Trầm Bê - Phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank để đề nghị ông Trầm Bê cho vay tiền (cả hai có quen biết từ trước).

Biết ông Danh là chủ tịch HĐQT của VNCB, không thể vay tiền của chính VNCB nên ông Trầm Bê đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỉ đồng.

Để gấp rút vay được số tiền này tại Sacombank, Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng 6 công ty đều là thành viên của tập đoàn Thiên Thanh (do Danh sáng lập) để vay tiền.

Mai Hữu Khương - giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn đã yêu cầu cấp dưới lập khống các báo cáo kinh doanh hiệu quả của 6 công ty này để vay vốn tại Sacombank.

Để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền, Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB về việc dùng khoản tiền 1.800 tỷ đồng của VNCB  gửi tại Sacombank làm tài sản đảm bảo cho 6 công ty vay tiền tại Sacombank.

Ngày 25-4-2013, ông Trầm Bê đã ký phê duyệt hai tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của Phạm Công Danh.

Việc giải ngân được thực hiện trước, khách hàng bổ sung chứng từ sau. Trên cơ sở chỉ đạo của ông Trầm Bê, Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh quận 8 Sacombank đã chuyển 1.800 tỷ đồng tiền vay vào tài khoản của Phạm Công Danh.

Sau đó, Danh đã chuyển 1.700 tỷ đồng để nợ cho BIDV.

Đến tháng 4-2014, do 6 công ty không trả được nợ vay nên Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng và 35 tỷ đồng tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Do 6 công ty này không có tài sản đảm bảo, không nhận nợ với VNCB nên VNCB không thu hồi được số tiền đã bị Sacombank trừ nợ.

Kết quả xác minh của Bộ Công an cho thấy 6 công ty đều do Phạm Công Danh thành lập. Giám đốc các công ty này đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị…của tập đoàn Thiên Thanh. Các công ty này có treo biển nhưng không hoạt động gì.

Không gây thiệt hại cho Sacombank nên không xử lý

Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước về việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay là chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.

Đến thời điểm giám định, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho 6 công ty vay tiền. Việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.835 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Trầm Bê khai khi Phạm Công Danh đến gặp ông để đặt vấn đề vay tiền, ông đã đồng ý với điều kiện phải có tài sản đảm bảo hoặc tiền gửi. Danh đồng ý với Trầm Bê gửi tiền sang Sacombank để ngân hàng này cho một số công ty của Danh vay tiền.

Ông Bê thừa nhận hồ sơ vay vốn của 6 công ty  không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính. Khi quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Đối với ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank có liên quan, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng đã có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho Phạm Công Danh vay.

Tuy nhiên theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước thì hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trước đó, vào tháng 2-2017, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê tại Sacombank.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên