Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 9-9-2016 - Ảnh: Ngọc Dương |
>> Toàn bộ diễn tiến liên quan đến đại án Phạm Công Danh
Sáng 24-1, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Bác toàn bộ kháng cáo
Phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm không có nhiều tình tiết mới so với phiên sơ thẩm hồi tháng 9-2016.
Bản án phúc thẩm cũng không đưa ra nhiều nhận định về ý kiến của các luật sư và quá trình tranh luận tại tòa diễn ra trong gần 1 tháng qua.
Theo HĐXX, căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại tòa phúc thẩm, ý kiến các bị cáo, luật sư, người liên quan… xét thấy từ khi Phạm Công Danh nắm quyền kiểm sát, chi phối VNCB (tiền thân là TrustBank) đã liên tiếp mắc hàng loạt sai phạm.
Bị cáo Danh đã dùng các công ty do mình thành lập để ký hợp đồng khống, rút tiền từ VNCB ra để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh (do Danh làm Tổng giám đốc).
Trong thời gian ngắn từ tháng 12-2012 đến tháng 5-2014, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng.
Đến thời điểm khởi tố vụ án (26-7-2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng số nợ phải trả là 38.255 tỉ đồng.
HĐXX nhận định bị cáo Phạm Công Danh giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm chính.
Tòa quyết định không chấp nhận kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của 25 bị cáo và kháng cáo của 27 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 9-9-2016 của TAND TP.HCM.
Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh lãnh án 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 18 năm tù cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Danh là 30 năm tù.
Cùng hai tội danh nêu trên, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cũng bị tuyên y án 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù.
Chấp nhận kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự
Xét kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát) đề nghị giải tỏa kê biên khu đất hơn 50.000m2 của Tập đoàn Thiên Thanh tại Long Hải - Vũng Tàu, HĐXX xét thấy tài sản này đã bị Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp, sau đó chuyển nhượng cho bà Bích nhưng không đăng ký giao dịch đảm bảo.
Án sơ thẩm nhận định mảnh đất này không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên mảnh đất có liên quan đến Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, hiện đã bỏ sang Mỹ) - là người đã bị tòa sơ thẩm khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX xét thấy vụ án đang được điều tra giai đoạn 2, nếu thấy mảnh đất này không liên quan đến Phạm Thị Trang thì sẽ được giải tỏa kê biên.
Tòa cũng tuyên buộc bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng VNCB cho Phạm Công Danh) phải nộp lại hơn 800 tỉ đồng là vật chứng của hành vi cố ý làm trái, buộc bà Bích nộp lại hơn 97 tỉ đồng là vật chứng của hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với số tiền 5.190 tỉ đồng gây nhiều tranh cãi trong vụ án, tòa tuyên cần thu hồi vì đây là vật chứng của hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Do tiền bị thu hồi nên bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát) còn nợ của VNCB số tiền 5.190 tỉ đồng.
Số tiền này do bà Trần Ngọc Bích gửi tiền tại VNCB để lấy số tiết kiệm, sau đó thế chấp sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền rồi cho Phạm Công Danh vay lại. Như vậy bị cáo Phạm Công Danh còn nợ ông Thanh, bà Bích số tiền 5.190 tỉ đồng.
Phạm Công Danh khai thường dùng khoản vay sau để trả nợ cho khoản vay trước, cộng với số tiền lãi phải trả cho ông Thanh, bà Bích nên khoản nợ sau luôn cao hơn khoản nợ trước.
Tòa phúc thẩm giữ nguyên các quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái quy định của nhà nước đối với Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn và một số thành viên của Ngân hàng Đại Tín.
Đối với đề nghị của VKS về việc cấm xuất cảnh với những người đã bị khởi tố và bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tại tòa phúc thẩm, HĐXX cho biết việc cấm xuất cảnh là biện pháp hành chính, quá trình điều tra vụ án giai đoạn hai, nếu xét thấy cần thiết thì Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ có quyết định cấm xuất cảnh.
Về quan điểm của đại diện VKS đề nghị, tòa kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích (Công ty Tân Hiệp Phát); Vũ Thị Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa (cán bộ VNCB) với có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh gây thiệt hại của VNCB số tiền 5.190 tỉ đồng, tòa phúc thẩm ghi nhận toàn bộ ý kiến của đại diện VKS.
Tòa kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2, xem xét trách nhiệm hình sự của Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn (đã bị tòa sơ thẩm khởi tố vụ án) thì làm rõ trách nhiệm hình sự của những người liên quan như trong kiến nghị nêu trên của đại diện VKS.
Tòa cũng ghi nhận ý kiến của VKS về việc làm rõ các khoản tiền lãi mà Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh đã nhận để truy thu thuế thu nhập cá nhân và làm rõ hành vi trốn thuế. HĐXX sẽ đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận