Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM đã được bán cho chủ đầu tư mới - Ảnh: Như Hùng |
Bỏ vài chục tỉ để mua một trường đại học, thậm chí có người làm chủ đến 2-3 trường đại học cùng một lúc nhờ có nhiều tiền. Giáo dục đại học đang thật sự trở thành một lĩnh vực kinh doanh sôi động, hấp dẫn.
Sức thu hút của dịch vụ giáo dục đối với giới kinh doanh không phải là hiện tượng cá biệt của VN. Đó là hệ quả tất yếu của việc thừa nhận sự tham gia đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này.
Sức thu hút của dịch vụ giáo dục đối với giới kinh doanh không phải là hiện tượng cá biệt của VN. Đó là hệ quả tất yếu của việc thừa nhận sự tham gia đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở các nước phát triển không có chuyện để cho nhà đầu tư vung tiền mua một trường đại học, rồi tổ chức việc khai thác trường theo cách người ta vắt sữa bò công nghiệp.
Nhà đầu tư có quyền mong muốn kiếm lời từ hoạt động giáo dục. Nhưng đạo lý và luật pháp không cho phép nhà kinh doanh chuyên nghiệp xuất hiện trước xã hội và tự xưng mình là chủ của một trường đại học. Nhà trường là cơ sở đào tạo, nơi trồng người chứ không phải nơi sản xuất hàng hóa.
Ở Mỹ, việc đầu tư vào giáo dục, dù có tính chất kinh doanh, nghĩa là vì lợi nhuận, hay từ thiện, đều chỉ có thể được thực hiện một cách gián tiếp thông qua vai trò của một quỹ tín thác (trust fund).
Nhà đầu tư rót vốn vào quỹ. Bản thân quỹ được tổ chức và vận hành hoàn toàn độc lập với ý chí của nhà đầu tư. Quỹ có một hội đồng quản lý gồm những thành viên mang tư cách người nhận ủy thác vốn để sử dụng theo một mục đích nào đó.
Mục đích này có thể được xác định theo hợp đồng tín thác giao kết giữa quỹ với từng nhà đầu tư hoặc theo một di chúc: có người muốn tặng cho, người muốn bỏ vốn kiếm lời, người này nhắm đến một địa chỉ xác định, người kia chỉ gửi gắm chung chung...
Dù theo đuổi mục đích nào, một khi bỏ vốn vào quỹ, nhà đầu tư chỉ có quyền ràng buộc quỹ theo những điều khoản của hợp đồng. Vốn đầu tư trở thành tài sản của quỹ, được quỹ sử dụng theo đúng điều lệ hoạt động, đặc biệt là theo đúng mục đích đã được công bố trước toàn xã hội.
Các trường đại học tư ở Mỹ là kết quả đầu tư trực tiếp của các quỹ tín thác giáo dục. Lãnh đạo trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước hội đồng quản lý quỹ, chứ không phải trước các doanh nhân hay nhà từ thiện đã rót tiền vào quỹ.
Còn quan hệ giữa quỹ và nhà đầu tư là quan hệ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về tín thác vốn, là chuyện riêng của hai bên, không ăn nhập gì đến trường.
Trong chừng mực nào đó, có thể coi quỹ tín thác như một vách ngăn giữa nhà đầu tư và nhà trường. Nhờ vách ngăn ấy, trường không bị ảnh hưởng, chi phối bởi những dự tính, kế hoạch riêng của nhà đầu tư và có điều kiện chuyên tâm thực hiện chức năng của mình là đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, nếu quỹ tín thác không bị ràng buộc bởi cam kết chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, quỹ sẽ có điều kiện tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó có điều kiện đầu tư mạnh cho trường.
Rất nhiều trường đại học đã phát triển lớn mạnh và trở thành những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giáo dục đại học từ chiếc nôi quỹ tín thác giáo dục phi lợi nhuận như Harvard, Yale...
Cần lắm sự can thiệp của nhà làm luật, nhà chức trách để đẩy lùi một nguy cơ, thậm chí một hiện thực về sự xâm nhập và thao túng nếu có ở một môi trường vốn không đặt nặng tính vụ lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận