Chuyên gia các nhóm ngành kinh tế tham gia tư vấn cho thí sinh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức sáng 28-1 , với sự đồng hành của tập đoàn VinhGroup đã thu hút hơn 4.000 thí sinh đến tham dự.
Học cái gì để có việc làm ngay?
Trong phần tư vấn chung, câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm là học ngành nghề gì để có việc làm ngay? Ông Vũ Văn Hà (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hiện nay thí sinh có rất nhiều phương án lựa chọn bởi số lượng trung tâm đào tạo cả công lập - tư thục đều rất đông. Tuy nhiên, học cái gì để ra trường có việc làm ngay là điều quan trọng mà thí sinh cần kỹ lưỡng cân nhắc.
Ông Hà nhắn nhủ thí sinh không nên quá quan trọng học nghề hay học đại học - cao đẳng, miễn sao học xong ra trường là có việc làm.
Khối lượng kiến thức lớp 11 chiếm bao nhiêu phần trăm đề thi? Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học-Bộ GD&ĐT) đề thi tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2018 sẽ tập trung chính vào kiến thức lớp 12 và có một phần kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, vị này lưu ý đến kỳ thi năm 2019 thì đề thi sẽ sử dụng kiến thức của cả 3 năm THPT.
Một quan tâm rất lớn của thí sinh là mức học phí ĐH, CĐ hiện nay xu hướng tăng. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết mức học phí tùy thuộc mô hình trường công-tư. Ở môi trường có nhiều chương trình đào tạo khác nhau nên học phí cũng khác.
"Ở trường công, học phí mỗi năm chỉ được phép tăng thêm 10%. Tuy nhiên, nếu là trường công lập tự chủ tài chính hoặc các chương trình tiên tiến thì học phí sẽ rất cao. Có trường học phí lên tới 30-40 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng mỗi năm.
Do đó, nếu muốn biết học phí từng trường, từng ngành nghề, thí sinh nên truy cập vào trang web của trường đó để tìm hiểu thật cụ thể. Đừng để đến lúc trúng tuyển rồi mới phát hoảng mức học phí quá cao"- PGS Hùng nói.
Trường THTP Phan Châu Trinh đông kín thí sinh đến tham dự chương trình - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Cần kỹ năng gì trước cuộc cách mạng 4.0?
Các thí sinh tham gia buổi tư vấn đặt nhiều câu hỏi quan tâm đến các ngành kinh tế. Trong đó nhiều em quan tâm đến những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các ngành này.
Em Trần Công Thi (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng) đặt câu hỏi: "Em quan tâm đến ngành marketing, nếu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ ở Việt Nam thì ảnh hưởng như thế nào đến ngành này, chúng em phải có những thay đổi gì để thích nghi cho phù hợp?" Đây cũng là câu hỏi nhận được sự quan tâm của khá nhiều thí sinh khác.
TS Hà Thúc Viên (Hiệu trưởng trường ĐH Việt Đức) cho rằng việc nhiều học sinh hiện nay quan tâm vấn đề này là đáng mừng. Ông trả lời: "Trước hết cần xác định cuộc CMCN 4.0 là gì. Đó là một quá trình chuyển đổi nền công nghiệp chuyển sang quá trình tiếp cận dựa trên nền tảng số hóa, nền tảng internet vạn vật, và trí tuệ con người. Và khi thay đổi nền tảng công nghiệp đòi hỏi phải có sự thay đổi trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo bậc đại học".
TS Viên nhấn mạnh những bạn chọn đi theo các ngành kinh tế cần nắm bắt được xu thế mới mà việc cần thiết là thay đổi năng lực cá nhân, các kiến thức về mặt kỹ thuật, quản trị, khả năng lãnh đạo sản xuất; đòi hỏi năng lực của các em đa dạng hơn, năng lực ngoại ngữ cao hơn, am hiểu về văn hóa, và điều cần nhất là khả năng lãnh đạo.
"Tôi nghĩ ở các trường ĐH Việt Nam cũng đã bắt đầu điều chỉnh lại chương trình đào tạo, để các em có các năng lực làm việc, quản lí" - TS Viên nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên (phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cũng đặc biệt lưu ý với các thí sinh: "Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống, từ sản xuất đến phân bố sản phẩm. Quá trình đó thay đổi rất nhanh, đòi hỏi người học maketing hay các ngành kinh tế khác cũng thay đổi nhiều. Đặc biệt, việc quan hệ toàn cầu đòi hỏi các em phải có các kiến thức văn hóa đa lĩnh vực.
Khi chúng ta càng mở cửa, càng hội nhập bao nhiêu, khả năng cạnh tranh lao động càng quyết liệt, đòi hỏi các em cần tăng cường năng lực cá nhân đặc biệt là năng lực ngoại ngữ."
Các chuyên gia cũng khẳng định môi trường Đại học sẽ kết nối cho các em tiếp xúc với các doanh nghiệp, có nhiều hoạt động và tạo điều kiện để các em nâng cao kỹ năng cần thiết.
Các thầy cô tư vấn đến thí sinh cuối cùng- Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Thí sinh quan tâm nhóm ngành nội chính
Thí sinh Trần Lê Duy Thông (quận Liên Chiểu) đặc câu hỏi về điều kiện tuyển sinh ngành công an. Tại Đà Nẵng thì học trường công an nào gần nhất?
Thiếu tá Trần Văn Anh (phòng Tổ chức cán bộ- Công an Đà Nẵng) cho biết đối với học lực, điều kiện được bộ đưa ra là phải có học lực các năm học phổ thông từ trung bình và hạnh kiểm khá trở lên, không có tình trạng lưu ban. Tiêu chuẩn chính trị và thể chất theo quy định bộ. Đối với nam cao từ 1,64 và nặng 48kg trở lên. Đối với nữ cao từ 1,58m và nặng 45kg trở lên.
Thiếu tá Anh cho biết thí sinh dự thi theo luồng tuyển sinh, từ Quảng Trị vào Nam thì dự thi các trường trong ngành công an tại TP HCM. Từ Quảng Trị trở ra Bắc thì các trường tại Hà Nội.
Thiếu tá Anh lưu ý các thí sinh chỉ được đăng ký vào một ngành của một trường thuộc Bộ Công An, không đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng.
Một phụ huynh hỏi: con em trong ngành công an có được cộng điểm khi dự thi không, thị lực con tôi có vấn đề nhưng chưa chữa kịp thời có được đăng ký thi không?
Thiếu tá Anh cho biết hiện nay thí sinh con em trong ngoài ngành đều thi ĐH và xét tuyển như nhau chứ không cọng điểm. Trường hợp thí sinh đi nghĩa vụ 24 tháng về dự thi thì được cộng 2 điểm ở bậc ĐH, CĐ, TC. Từ năm 2016, ngành công an chỉ tổ chức tuyển sinh cấp ĐH, các trường CĐ, TC không xét tuyển mà chỉ dành cho các chiến sĩ nghĩa vụ thi. Để tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ vẫn cho phép thí sinh có vấn đề thị lực tham gia xét tuyển, nhưng phải cam kết sau khi trúng tuyển phải chữa mắt.
Nhóm ngành công an, quân đội được quan tâm nhiều - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Một thí sinh nữ hỏi: Thi các môn Toán-Lý-Hóa vào ngành quân đội thì dự thi trường nào? Thạc sĩ Lê Mạnh Hùng (Học viện Phòng không-không quân, Bộ Quốc Phòng) cho biết đối với nữ có 3 trường để các em dự thi gồm Học viện Quân Y, Học viện Quân sự, Học viện KH-KT quân sự.
Th.s Hùng lưu ý: "Các thí sinh nữ chú ý năng lực của mình vì nhóm này lấy điểm rất cao trung bình từ 27-29".
Một thí sinh muốn đi ngành luật nhưng không biết lựa chọn ở đâu, cơ hội việc làm thế nào? PGS.TS Nguyễn Duy Phương (phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật-ĐH Huế) chi biết hiện nay cả nước có 3 trường luật tại Hà Nội, TP.HCM, Huế. Ngoài ra tại nhiều trường công và tư cũng có chuyên ngành luật.
PGS Phương cho rằng cơ hội việc làm cho ngành này là cao. Vì chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền càng ngày càng vững mạnh, ngoài ra kinh tế đang hội nhập sâu rộng nên cơ hội việc làm trong lĩnh vực công và tư rất thoải mái.
ĐH Phan Châu Trinh bắt đầu đào tạo y khoa từ 2018
Thí sinh tham gia giao lưu với sinh viên các trường đại học tại buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trong phần tư vấn riêng, các thí sinh khu vực Quảng Nam tò mò trước thông tin ĐH Phan Châu Trinh đào tạo y khoa.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, chủ tịch HĐQT ĐH Phan Châu Trinh, xác nhận trường bắt đầu đào tạo ngành y đa khoa hệ 6 năm từ năm 2018.
Theo bác sĩ Tùng, nhu cầu bác sĩ đa khoa hiện đang rất lớn do sự gia tăng dân số và sự thay đổi các loại bệnh tật.
Nhà trường đã có sự chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, trang bị kỹ thuật và đội ngũ đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên muốn học ngành y ngay tại khu vực Quảng Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận