Phóng to |
Ban chỉ đạo tìm kiếm khu vực Phú Quốc kiểm tra vị trí tìm kiếm cứu nạn trên máy bay DHC-6 Hải quân nhân dân Việt Nam - Ảnh: Trọng Thiết |
Sáng 10-3, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN - thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trực tiếp đến Trung tâm điều hành của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tại Hà Nội để chỉ đạo các lực lượng của Bộ Quốc phòng tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích.
Bộ Quốc phòng có điện chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho hai sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong, ngoài nước tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Phóng to |
Sơ đồ khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 - Đồ họa: Như Khanh |
Mở rộng diện tích tìm kiếm lên 126.000km2
Sáng 10-3, tại cuộc làm việc nhanh ở ngay sân bay Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu - phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn - đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xúc tiến lập sở chỉ huy tiền phương đặt tại trạm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc để điều phối các hoạt động tìm kiếm cứu hộ.
* Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Công tác tìm kiếm cứu nạn phải được triển khai liên tục 24/24 giờ. * Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman: Chúng tôi đang tìm kiếm từng inch trên biển. |
Ông Đoàn Hữu Gia - phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN - chỉ huy trưởng sở chỉ huy Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không VN - cho biết ngày 10-3 diện tích máy bay các nước tham gia tìm kiếm đã lên tới 126.000km2. Mọi thông tin báo về có nghi vấn tới máy bay mất liên lạc đều được cử lực lượng tìm kiếm, xác minh.
Trong ngày 10-3, lữ đoàn 918 đã cho xuất phát năm chuyến bay AN 26 ra vùng biển vịnh Thái Lan, nơi nghi vấn máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Các máy bay AN 26 của VN đã bay ở nhiều độ cao khác nhau, nhưng cho đến chiều qua vẫn không phát hiện dấu hiệu nào về máy bay của Malaysia.
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ từ máy bay AN 26, trưa qua đã có cùng lúc bốn máy bay của VN bay tìm kiếm máy bay Malaysia bị nạn. Ngoài ba máy bay AN 26 bay ở tầm cao 2.000m, còn có thủy phi cơ của Cảnh sát biển vùng 3 bay ở độ cao thấp hơn. Trên mặt biển, tàu cứu nạn của nhiều quốc gia cũng xuất hiện đông đảo, chia thành nhiều tốp nhỏ, di chuyển theo hình răng lược “càn” khắp mặt biển.
Phóng to |
Những vệt sáng được cho là các vết dầu loang nhìn từ máy bay - Ảnh: Trọng Thiết |
Những vật thể khả nghi
10g sáng 10-3, tại vị trí cách đảo Thổ Chu khoảng 200km, máy bay DHC-6 Quân chủng hải quân đã phát hiện rất nhiều vết dầu loang trên một khu vực biển khá rộng. Các vết dầu có màu vàng, bán kính hàng chục mét, chiều dài các vết dầu nhiều cây số. Vì thủy phi cơ bay thấp chừng 100m, tốc độ 175km/giờ nên quan sát rất rõ. Các phóng viên chụp được nhiều hình rõ nét. Trước đó, máy bay phát hiện vài vật thể màu vàng, tuy nhiên do vật thể kích thước nhỏ, thời tiết xấu nên khó xác định là vật gì. 13g30, Malaysia báo máy bay Singapore quan sát phát hiện tại tọa độ cách phía tây nam đảo Thổ Chu 71 hải lý một vật thể lạ giống phao cứu sinh, nhưng sau đó tàu HQ 637 đã vớt được vật thể này thì đó là một nắp thùng dây cáp điện.
Đến 14g10, Cơ quan Kiểm soát không lưu Hong Kong cho biết một máy bay nhìn thấy một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển cách đông nam Vũng Tàu khoảng 60km. Đại tá Trần Công Hiểu, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Sau khi nhận được tin báo máy bay thương mại Hong Kong phát hiện nhiều mảnh vỡ gần vùng biển Vũng Tàu, chúng tôi lập tức điều một tàu cùng mười cán bộ chiến sĩ ra ngay khu vực này để tìm kiếm”.
Tuy nhiên đến chiều tối 10-3 và cũng là kết thúc ba ngày tìm kiếm, hoạt động tìm kiếm vẫn chưa thu được kết quả gì khả quan. Ngay cả một “vật thể lạ” do tàu hải quân HQ 637 vớt được ở vùng biển gần đảo Thổ Chu cũng được xác định không liên quan gì đến chiếc máy bay Malaysia. “Chúng tôi rất tiếc những gì tìm được không giúp xác định dấu vết của chiếc máy bay mà chúng ta cần tìm” - Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói trong cuộc họp báo lúc 19g30 ngày 10-3. Về thông tin một máy bay dân dụng Hong Kong phát hiện dấu vết nhiều mảnh vỡ trên biển cách Vũng Tàu 60km về phía đông nam, ông Tiêu cho rằng ông không nghĩ chiếc máy bay mất tích có thể đi xa đến vậy.
Giới truyền thông quốc tế đổ về Phú Quốc Đã có rất đông phóng viên quốc tế của các hãng thông tấn Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... có mặt tại VN để đưa tin về công tác tìm kiếm chiếc máy bay MH370 Malaysia mất tích. Đại tá Đỗ Đức Minh - phó tham mưu trưởng Quân chủng phòng không không quân - khẳng định quân chủng sẽ tạo điều kiện tốt để các phóng viên quốc tế tác nghiệp sự kiện này. Hôm qua, các chuyến bay của lữ đoàn không quân 918 bay tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích đã chở hơn mười phóng viên của các hãng thông tấn nước ngoài và cung cấp chi tiết, chính xác các thông tin về công tác cứu nạn của không quân. Trong ngày 10-3, nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đã có mặt tại Phú Quốc. Ông Lâm Hoàng Sa - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết tỉnh đã có phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú để đón các đơn vị quốc tế, thân nhân hành khách tập trung về Phú Quốc. |
“Bừa” trên vùng nghi vấn Tại Cà Mau 17g chiều 10-3, trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về những dấu hiệu và khả năng tìm kiếm, cứu nạn máy bay bị nạn của Malaysia, đại tá Trần Văn Lâm - phó sư đoàn trưởng sư đoàn không quân 370 - cho biết: “Đến giờ này cơ bản chúng tôi đã khoanh vùng vị trí máy bay được cho là mất tích, cách đảo Thổ Chu 150-300km. Những ngày tới, theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi sẽ huy động các loại máy bay, tổ chức “bừa” (rà soát đi rà soát lại) trên vùng nghi vấn để tìm kiếm”. Dự kiến kế hoạch tìm kiếm trong ngày 11-3, các lực lượng VN sẽ mở rộng tìm kiếm về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo. Dự kiến mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 20.000km2 so với ngày 10-3. Sẽ có thêm hai máy bay Casa 212-400 của Cảnh sát biển VN được tăng cường vào đội bay tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia xấu số. 16g chiều qua, hai chiếc máy bay Casa 212 - 400 đã từ Hải Phòng vào đến sân bay Tân Sơn Nhất. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Kiêm Toàn - lữ đoàn trưởng lữ đoàn không quân 918 - cho biết hai máy bay này có thể hoạt động liên tục khoảng bảy giờ trên biển và có nhiều tính năng hiện đại phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn. |
“Chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất” Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ngày 10-3, đại sứ VN tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao cho biết: “Sáng 10-3, trong phiên họp Quốc hội Malaysia, chính phủ nước này đã cảm ơn sự giúp đỡ tìm kiếm máy bay MH370 bị mất tích của các nước, trong đó có VN”. “VN và Malaysia đã liên lạc, hợp tác nhiều cấp, nhiều ban ngành trong những ngày qua trong chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên biển có thể nói là quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực Đông Nam Á” - ông Thao cho biết. Sứ quán VN tại Malaysia vẫn theo dõi chặt chẽ tin tức cập nhật về vụ việc, đồng thời giữ vai trò kết nối giữa các cơ quan tìm kiếm cứu nạn hai nước. Nhà chức trách Malaysia ngày 10-3 thừa nhận vụ máy bay MH370 mất tích “là một bí ẩn hàng không chưa từng có” và không loại trừ khả năng bị cướp. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
34 máy bay, 40 tàu cùng tìm kiếm, MH370 vẫn mịt mờXem video clip tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích từ trên khôngMáy bay Malaysia mất tích: "Một bí ẩn hàng không chưa từng có” Năm người gửi hành lý nhưng không lên máy bay mất tíchNhững giây phút cuối cùng của máy bay Malaysia mất tích
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận