21/02/2022 12:15 GMT+7

Cần hơn 6.000 tỉ đồng làm cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, khai thác năm 2026

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, cần 6.029 tỉ đồng vốn đầu tư công để xây dựng tuyến cao tốc này, khai thác từ năm 2026.

Cần hơn 6.000 tỉ đồng làm cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, khai thác năm 2026 - Ảnh 1.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (đường chấm đỏ) nối tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: Ban quản lý dự án 7

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là dự án nhóm A, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng.

Theo quy hoạch, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là một phân đoạn dài khoảng 30km, quy mô 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030 thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188km (đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh 68km và đoạn An Hữu (Tiền Giang) - Trà Vinh dài 90km đầu tư sau năm 2030).

Bộ Giao thông vận tải nhận định việc sớm đầu tư tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền; kết nối các tuyến trục dọc như quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP.HCM - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).

Qua nghiên cứu, bộ đề xuất cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài khoảng 27,43km (qua tỉnh Đồng Tháp 18,2km, qua tỉnh Tiền Giang 9,23km). Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải và để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bộ kiến nghị đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17m), toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật khác đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/h, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (nền đường rộng 24,75m).

Tổng mức đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu theo quy mô này là khoảng 6.029 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo chủ trương phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án tại nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải dự kiến chia dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành 2 dự án thành phần để thuận lợi trong thực hiện:

Dự án thành phần 1: dài 18,2km từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.307 tỉ đồng.

Dự án thành phần 2: dài khoảng 9,23km từ xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.722 tỉ đồng.

Bộ dự kiến chuẩn bị dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong năm 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022 - 2023; thi công xây dựng năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào sử dụng năm 2026.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo các mốc trên, bộ đề xuất Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc thù tại nghị quyết số 43 của Quốc hội cho phép áp dụng chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu của dự án; quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án.

Đề xuất dùng vốn trong nước xây cầu Đại Ngãi thay vì vay vốn ODA Đề xuất dùng vốn trong nước xây cầu Đại Ngãi thay vì vay vốn ODA

TTO - Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi, thay vào đó sử dụng 8.000 tỉ đồng vốn trong nước để đẩy nhanh việc xây cây cầu này.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên