Khắc nghiệt hơn là thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm hạ thấp danh tiếng hay giảm sự ảnh hưởng của sản phẩm, hoặc tìm mọi cách để chiếm đoạt sự bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Các hành vi này trên thực tế không chỉ dừng lại ở mức độ quốc gia mà còn ở tầm quốc tế. Bởi lẽ mục đích của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không gì khác ngoài việc bảo vệ danh tiếng của các sản phẩm trong khu vực, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, giúp các nhà sản xuất có được lợi nhuận cao hơn và bảo hộ người tiêu dùng sản phẩm. Nói ngắn gọn, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là bảo hộ việc sản xuất kinh doanh hàng hóa của khu vực có chỉ dẫn địa lý...
Vì vậy, chúng ta cần phải có chiến lược bảo hộ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý song song với các hoạt động kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý hay còn gọi là chiến lược bảo hộ sản phẩm cần làm trước hoặc song hành với quá trình sản xuất, kinh doanh. Trước khi làm ăn trong nước hay đặc biệt với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp, hiệp hội cần có bộ phận pháp lý riêng hoặc chí ít cũng thuê công ty tư vấn luật để được vạch đường đi nước bước cho mình. Ngay cả mỗi khi tung sản phẩm, quảng bá sản phẩm mới cũng cần chú trọng đến khâu bảo hộ sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Việc được tư vấn luật này còn tránh được những rắc rối, rủi ro về mặt pháp lý ở nước sở tại...
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, mỗi năm cục đăng ký cho 35.000 bộ hồ sơ bảo hộ sản phẩm vào VN, trong khi các hồ sơ đăng ký ra nước ngoài chỉ khoảng 350 bộ. Qua đó có thể thấy ý thức về bảo hộ thương hiệu của chúng ta chưa cao. Trong khi các công ty nước ngoài trước khi vào VN đều chuẩn bị các thủ tục pháp lý, trong đó có đăng ký bảo hộ sản phẩm. Thông thường họ sẽ nhờ một công ty luật VN tham gia các phần giải thích, giải quyết thủ tục đăng ký ở VN hoặc thuê trọn gói hoàn thành việc đăng ký bảo hộ. Đến khi công ty họ vào làm ăn, kinh doanh thật sự thì rất thuận lợi, không gặp rắc rối gì cả... Hiện nay ở VN có nhiều công ty, hiệp hội có bộ phận tư vấn pháp lý riêng để tránh những rắc rối về sau. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho việc làm ăn có tính toán, có chiến lược trong nền kinh tế mở hiện nay.
Tóm lại, doanh nghiệp hay các hiệp hội trước những chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm cần chủ động về chiến lược bảo hộ. Bảo hộ những thị trường lớn, tiềm năng trước rồi sau đó hướng đến các thị trường khác. Đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng” như câu chuyện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thì rất vất vả và tốn kém hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận