18/09/2012 05:11 GMT+7

Cần chuyển hướng đào tạo công chức

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Lâu nay chúng ta loay hoay với chuyện có nhận người học tại chức làm công chức, hay chỉ nhận sinh viên giỏi vào làm công chức mà quên hẳn một vế.

Đó là công chức cần có năng lực gì và đi kèm với đó cần đào tạo gì cho họ?

Đà Nẵng: tốt nghiệp loại giỏi mới được thi công chức

qwgG7jMC.jpgPhóng to

Cần hướng đến việc đào tạo năng lực cho công chức để thực hiện tốt công tác. Trong ảnh: người dân chấm điểm cán bộ công chức qua máy tại UBND Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tổng kết mười năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, các chuyên gia thống nhất nhận định: “Yếu kém lớn nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường, số lượng cán bộ, công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng nhìn chung chất lượng, nhất là kiến thức quản lý nhà nước mới với kỹ năng nghiệp vụ hành chính, thật sự đạt được ở tỉ lệ thấp. Bằng cấp, chứng chỉ tăng nhưng chất lượng về chuyên môn của cán bộ, công chức có bằng cấp, chứng chỉ đang là vấn đề đáng lo ngại”.

Đó là do phương thức đào tạo chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức chứ chưa chú trọng đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để xây dựng cho người công chức năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Hiện trạng công tác đào tạo này đang gây ra tình trạng hẫng hụt về năng lực thực thi thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với người công chức. So với yêu cầu nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai, sự hẫng hụt này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp. Nói cho dễ hiểu, ta mới chỉ chú ý việc đưa họ ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế rồi phải làm như thế nào?”.

Để khắc phục tình trạng trên, cần hướng đến việc đào tạo năng lực cho công chức. Năng lực là tập hợp của nhiều yếu tố như kiến thức, các kỹ năng, khả năng, sự sẵn sàng để hành động và trách nhiệm. Có thể định nghĩa năng lực là “sự liên kết mang tính tổng hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ mà nó ảnh hưởng đến công việc (vai trò hay trách nhiệm), chúng tương quan lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ và có thể nâng cao được thông qua đào tạo và phát triển”. Ngoài ra, để thực hiện được tốt nhiệm vụ, người công chức cần có những kỹ năng mang tính bổ trợ cho cá nhân, tùy theo loại công chức. Bên cạnh đấy, công chức còn phải có các năng lực quản lý hiện đại cơ bản.

Được biết, Tổ chức UNDP hỗ trợ kỹ thuật cải cách hành chính cho TP.HCM đang chuyển giao chương trình đào tạo cho thành phố những kỹ năng trên dưới dạng 20 môđun. Các kỹ năng này được xây dựng trên nền tảng phẩm chất, thái độ và hành vi tương thích nhằm giúp người công chức có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tương ứng với vị trí chức danh một cách chủ động và tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong thực tiễn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy năng lực cần có đối với cán bộ, công chức trong bối cảnh yêu cầu của công cuộc tái thiết, phát triển đất nước và hội nhập bao gồm:

* Hiểu về những nguyên tắc cơ bản của hành chính nhà nước, được tiếp cận một cách hệ thống đến những nguyên tắc về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong mối quan hệ với chính trị, khoa học tổ chức và khoa học hành chính.

* Có khả năng vận dụng những kiến thức và nguyên tắc vào thực tiễn công tác; có khả năng tư duy độc lập trong thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả, đúng theo quy định và sáng tạo để phù hợp với thực tiễn.

* Có khả năng nhận diện, phát hiện vấn đề; phân tích, đánh giá, tổng hợp, xử lý thông tin nhanh nhạy, biết sử dụng các công cụ thích hợp nhằm đưa ra giải pháp thích hợp, sáng tạo trong quá trình thực thi công vụ, vừa bảo đảm đúng pháp luật vừa bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn.

* Với những công chức tham mưu, là chuyên gia, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, hoạch định chính sách, cần có năng lực dự báo tương lai, có tầm nhìn rộng, biết sử dụng những công cụ trong hoạch định và xây dựng chiến lược, xây dựng chính sách và kế hoạch thực hiện.

* Với những công chức lãnh đạo và quản lý, cần có năng lực về tầm nhìn, biết xây dựng chiến lược (cho ngành, lĩnh vực, hay tổ chức), thiết lập các mục tiêu mang tính khả thi cao, phù hợp với các nguồn lực và khả năng của thực tiễn.

___________

Tin bài liên quan:

Học giỏi chưa chắc là công chức giỏiNgười học giỏi hứa hẹn là công chức giỏi?Tốt nghiệp loại giỏi có chắc sẽ là công chức giỏi?Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nướcĐà Nẵng: tốt nghiệp loại giỏi mới được thi công chức

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên