12/09/2012 18:48 GMT+7

Người học giỏi hứa hẹn là công chức giỏi?

TRAN TAM TAM
TRAN TAM TAM

TTO - Những tranh luận của bạn đọc về chính sách Đà Nẵng: tốt nghiệp loại giỏi mới được thi công chức vẫn chưa lắng xuống. Dùng bằng cấp làm "lưới lọc" liệu có để lọt người thực tài?

Một số bạn đọc tiếp tục khẳng định xu hướng tuyển người này không linh hoạt, không thực tiễn. Bạn đọc cũng chia sẻ câu chuyện thực tế khi người có bằng giỏi không làm giỏi việc. Song cũng có bạn đọc tin tưởng rằng người có bằng tốt nghiệp đại học giỏi sẽ "hứa hẹn" là công chức giỏi.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến và mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ quan điểm.

Tốt nghiệp loại giỏi có chắc sẽ là công chức giỏi?Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước

iRn0ejv9.jpgPhóng to
Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn một lực lượng cán bộ nguồn được đào tạo bài bản. Trong ảnh: lớp đào tạo cán bộ nguồn của thành phố vừa tốt nghiệp trong năm 2010 - Ảnh: Đ.NAM

Bằng loại giỏi nhưng có chắc thực học?

Việc chọn lựa công chức như Đà Nẵng là không ổn. Một là khi thi tuyển, cơ quan tuyển dụng đã ra đề thi để xét năng lực ban đầu của cán bộ. Ai làm đạt đề thi đó thì đương nhiên đủ điều kiện cần của đơn vị tuyển dụng. Hai là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng đó có phải học thật hay không? Hay có thể dùng tiền mua điểm số?

Cái cần ở đây không phải là cần người học loại giỏi, học chính quy hay tại chức mà là cần người làm giỏi công việc được tuyển dụng, phù hợp với vị trí trong đơn vị.

Tôi thấy có nhiều nơi tuyển dụng công chức nhưng khi sinh viên nộp hồ sơ thì họ bảo là đủ. Ngược lại, khi ông này ông kia đến gửi cháu, gửi em thì lại được nhận ngay, không cần xem xét gì cả. Cần phải xem xét lại cơ chế và phải biết cách dùng người.

Tránh học một đường, bố trí một nẻo

Theo tôi, Đà Nẵng cần tham khảo thêm cách tuyển cán bộ công chức của một số đơn vị khác (chứ chưa nói ở nước ngoài).

Tôi từng được đọc một số đề án của công ty nước ngoài chuyên doanh lắp ráp máy nhưng họ lại tuyển khối nhân văn xã hội. Theo họ, kỹ sư của mình chất lượng không đạt yêu cầu tuyển dụng. Và khi tuyển cử nhân khối nhân văn xã hội, họ dễ đào tạo lại (đào tạo làm việc theo dây chuyền) và những người này cũng năng động hơn.

Học sinh giỏi chưa chắc làm việc giỏi vì nhiều lý do như chuyên sâu, môi trường làm việc...

Mặt khác, sinh viên giỏi sẽ phát huy được năng lực nếu bố trí đúng ngành nghề. Nếu học một đường, bố trí một nẻo thì thử hỏi sinh viên giỏi có phát triển được không?

Dụng người như dụng mộc

Tôi đã làm việc ở cả hai cương vị: công chức và doanh nhân.

Khi làm công chức, tôi nhận ra rằng cách làm của Đà Nẵng là chấp nhận được. Tuy nhiên, tùy theo mỗi công việc cụ thể mà tuyển trung cấp, cao đẳng hay đại học. Cứ như cơ quan tôi thì mọi người đang "phổ cập" thạc sĩ và đã có đến gần 1/3 nhân sự đang "tiến sĩ" hóa. Vậy mà hiệu quả công việc chẳng ra sao và đang tiến hành sáp nhập.

Khi làm doanh nhân, tôi luôn có những yêu cầu cụ thể cho mỗi vị trí cần tuyển dụng: danh mục đầu việc, yêu cầu chất lượng, kết quả cần đạt được và chi phí nhân sự tương xứng cho vị trí cần tuyển dụng. Sau đó tôi mới tuyển người, đặt họ vào. Khi họ làm không đạt yêu cầu so với hợp đồng lao động đã ký kết thì họ tự ra đi, chỉ cần báo trước với tôi theo luật định.

Không khả thi

Cách làm của Đà Nẵng chưa khả thi vì tốt nghiệp loại giỏi thì chưa chắc là một người làm việc giỏi. Muốn tuyển một người vào làm việc thì cần phải xét về trình độ, năng lực làm việc, khả năng giao tiếp, tư cách đạo đức của người đó.

Một người có bằng cấp tốt chưa chắc đã làm việc hiệu quả. Bằng cấp tốt mà năng lực làm việc yếu kém thì cũng như không.

Tuyển người chỉ dựa vào bằng cấp là sai lầm

Tôi dám khẳng định người học giỏi chưa chắc xử lý công việc giỏi và tôi đã trải nghiệm điều này. Cơ quan tôi là một cơ quan chính quyền, có một nhân viên văn phòng chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp và đang theo học đại học tại chức, nhưng năng lực làm việc thì cực kỳ xuất sắc. Cô ấy làm việc hơn hẳn những người có trình độ đại học chính quy và năng suất làm việc bằng 3 người cộng lại.

Trong cơ quan cô ấy có biệt danh là "siêu nhân". Do đó, việc tuyển dụng những người có trình độ đại học chính quy và bằng giỏi là một sai lầm và đã làm chảy một khối lượng chất xám lớn.

Người học giỏi hứa hẹn là công chức giỏi

Thời điểm hiện nay, rất nhiều nguồn đào tạo, rất nhiều người trẻ học rất giỏi, việc làm của Đà Nẵng dù có nhiều ý kiến trái nhau nhưng vẫn được xã hội đánh giá cao vì:

Một là, người tốt nghiệp giỏi đã có một quá trình học tập gian khổ hơn nhiều người khác cần được xã hội tôn trọng và ưu tiên sử dụng.

Hai là, tuyển người giỏi giúp khuyến học, khuyến tài cho xã hội.

Ba là, chính sách tuyển người này là một trong những biện pháp chống việc chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền, tệ nhất thân, nhì thế, con ông cháu cha. Thật sẽ không công bằng khi một sinh viên cố gắng học giỏi nhưng khi ra trường không có việc làm nếu không có hàng trăm triệu chạy chỗ làm, trong khi có những người khác học không giỏi nhưng "chạy" giỏi thì lại được ưu ái.

Bốn là, người học giỏi thì sẽ có cơ hội cao hơn để trở thành công chức giỏi. Việc những người không học giỏi mà trở thành công chức giỏi cũng có nhưng không nhiều.

Mong đất nước chúng ta cần có chính sách mạnh hơn cho những nhân tài để chúng ta tiến nhanh hơn mong đợi.

TRAN TAM TAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên