04/12/2010 06:48 GMT+7

Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?

(Thanh Thanh)
(Thanh Thanh)

TT - Hàng trăm ý kiến của bạn đọc đã được gửi về Tuổi Trẻ để bày tỏ những quan điểm khác nhau về chủ trương không tuyển dụng sinh viên hệ tại chức vào cơ quan nhà nước của Đà Nẵng (Tuổi Trẻ 3-12).

v2OZ4fVN.jpgPhóng to
Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn một lực lượng cán bộ nguồn được đào tạo bài bản. Trong ảnh: lớp đào tạo cán bộ nguồn của TP vừa tốt nghiệp trong năm 2010 - Ảnh: Đ.NAM

Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nướcCần bằng cấp hay cần năng lực?

* Cần phải làm quyết liệt như vậy để đổi mới, nâng cao trình độ của những người làm công tác quản lý nhà nước. Một chính quyền phục vụ nhân dân theo đúng nghĩa phải là chính quyền có tri thức đạo đức và chọn lựa được những người tài thật sự, vì được đào tạo bài bản trong nhà trường họ sẽ mang tri thức để cống hiến, phục vụ nhân dân.

* Từng là một cán bộ giảng dạy tại trường đại học, tôi hiểu rất rõ đối tượng và chất lượng đào tạo của hệ tại chức. Tại đó, số sinh viên đã và đang là công nhân, thợ lành nghề thì ít mà học sinh tốt nghiệp phổ thông loại làng nhàng thì nhiều. Một bộ phận không nhỏ trong số đó lại là con em cán bộ. Nếu được phép tuyển dụng, có khi lại sớm được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo. Như thế thì lấy đâu ra cán bộ có năng lực.

* Tôi không có ý quá đề cao hệ chính quy tập trung và chê bai hệ đào tạo tại chức, nhưng theo tôi là có cơ sở, vì thực tế cho thấy việc giảng dạy, quản lý lớp của nhà trường đối với các hệ đào tạo ngoài chính quy, tập trung (như tại chức, vừa học vừa làm, từ xa...) là đáng báo động. Nhà trường chạy theo mục tiêu kinh doanh, cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn nhằm bảo đảm cho việc dạy và học; sinh viên vào trường đa số là “bị động”, không có chọn lựa nào khác, vì trước đó đã thi trượt các trường công lập hoặc trượt các hệ đào tạo cao hơn.

* Tại sao lại phân loại hình đào tạo trong khâu tuyển dụng cán bộ? Tôi không đồng tình quan điểm này. Hiện nay nâng cao dân trí, trình độ lao động... để đáp ứng nhu cầu trong các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập. Nhà nước cho phép nhiều loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn là một chủ trương đúng. Nhưng tại sao một địa phương lại có chủ trương không tuyển cán bộ tốt nghiệp đại học không chính quy?

* Tôi nghĩ những người có quyền nên nhìn nhận ở góc độ hiệu quả công việc hơn là bằng cấp. Theo tôi, làm việc có trách nhiệm, đam mê công việc, sáng tạo và học hỏi thêm cái mới để đáp ứng và ngày càng hoàn thiện hơn những gì đang làm là tiêu chí nên chọn, thay vì đề cao bằng cấp. Tôi đang làm cho công ty nước ngoài. Chỗ tôi chỉ tồn tại những con người: làm được việc + yêu công việc.

Hướng tới nguồn cán bộ chất lượng cao

Chiều 3-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết sở dĩ TP có quyết định không tuyển sinh viên hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao đội ngũ cán bộ ngày càng có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Mặt khác, hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn kinh phí của TP còn rất lớn, số sinh viên có trình độ chuyên môn cao này sau khi ra trường sẽ được bổ sung, tiếp nhận vào các cơ quan nhà nước.

Ông Ngữ nói quyết định trên là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn cán bộ hiện nay của TP. “Việc TP có quyết định trên không vi phạm về luật theo các quy định hiện hành” - ông Ngữ khẳng định.

“Tất cả công việc tiếp nhận cán bộ của TP luôn công bằng cho mọi đối tượng. Ngoài việc không tiếp nhận sinh viên tại chức, công tác tiếp nhận cán bộ của TP cũng được tiến hành rất chặt chẽ để lựa chọn được những người tài nhằm tạo nguồn lãnh đạo kế cận. Việc tiếp nhận cán bộ chặt chẽ, chất lượng đến mức hằng năm TP còn mở các cuộc thi tuyển khi tiếp nhận đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy để tiếp tục tham gia các lớp đào tạo” - ông Ngữ nói.

Theo ông Đào Tấn Bằng - phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, quyết định trên vừa được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất thông qua và giao cho UBND TP thực hiện. Ông Bằng cho biết số cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước tốt nghiệp đại học tại chức vẫn làm việc bình thường. Hiện số học sinh khá, giỏi tại các trường chuyên của TP đang được đào tạo theo chương trình 393 về nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất dồi dào. Đa số cán bộ tiếp nhận hằng năm vào các sở, ngành của TP những năm qua đều ít nhất tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở lên.

(Thanh Thanh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên